Thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2024, với số điểm 1.116/1.200, Trần Phạm Long Nghĩa, học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú) đã xuất sắc vượt qua thủ khoa đợt 1 (1.076 điểm - PV) và trở thành thí sinh có điểm số cao nhất ở kỳ thi đánh giá năng lực năm nay.

Trở thành thủ khoa nhờ thói quen ngủ sớm, dậy sớm

Sau lần thi đầu tiên với số điểm 952, mặc dù đã khá hài lòng nhưng vì muốn đạt một kết quả cao hơn để có thêm cơ hội, Nghĩa quyết tâm ôn tập và thi lại trong đợt 2. Nhờ sự nỗ lực, Nghĩa đã gặt hái được thành quả xứng đáng với số điểm gần tuyệt đối và trở thành thủ khoa trong lần thi này.

Chia sẻ về cảm xúc khi biết mình là thủ khoa, Nghĩa nói: “Em rất vui và hạnh phúc nhưng cũng vô cùng bất ngờ vì không nghĩ mình là thủ khoa”.

Với thế mạnh các môn thuộc khối khoa học tự nhiên nên Nghĩa gặp khó khăn trong phần kiến thức về xã hội. Tuy nhiên, nhờ sự bình tĩnh, Nghĩa đã xử lý bài thi khá tốt.

Trần Phạm Long Nghĩa là thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2024. Ảnh NVCC

Trần Phạm Long Nghĩa là thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2024. Ảnh NVCC

Nói về bí quyết làm bài, Nghĩa chia sẻ: “Khi bước vào phòng thi sẽ có 3 yếu tố chi phối, đó là: tâm lý, cách phân bổ thời gian làm bài và mục tiêu điểm số. Em nghĩ nên giữ tâm lý thoải mái và làm bài hết khả năng vì nếu lo lắng cũng không giải quyết được gì. Để có tâm lý thoải mái thì thì phải biết cách phân bổ thời gian hiệu quả. Vì đây là bài thi trải dài 150 phút nên em xác định mỗi câu làm không quá 2 phút. Vì nếu dừng ở một câu quá lâu sẽ không có thời gian để kiểm tra lại. Em có thói quen kiểm tra lại đáp án sau khi làm bài xong để tránh sai sót. Còn việc đặt mục tiêu điểm số sẽ giúp em xác định được những phần nào nắm chắc, còn lại mình cứ làm hết sức thôi chứ không cần quá lo lắng”.

Nghĩa cho biết đã xác định mục tiêu là thi vào các trường thành viên thuộc khối ĐH Quốc gia TP.HCM nên đã có kế hoạch ôn tập từ sớm. “Em luôn xác định rõ mục tiêu, lên kế hoạch học tập hiệu quả, xây dựng thời gian biểu mỗi tuần và luôn giữ cho mình niềm đam mê với sách vở. Em luôn duy trì song song việc tập tập theo đề thi đánh giá năng lực và tốt nghiệp THPT”, Nghĩa chia sẻ.

Ngoài những giờ học trên lớp, Nghĩa dành phần lớn thời gian ở nhà để ôn tập lại kiến thức cũ. Khác với bạn bè đồng trang lứa thường có thói quen thức khuya học bài, nhưng Nghĩa thì ngược lại. Chàng trai cho biết không cố ép mình phải thức khuya mà luôn lưu tâm đến sức khỏe nên chọn cách ngủ sớm và dậy sớm. “Em thường ngủ lúc 22 giờ và thức dậy lúc 5 giờ. Em bắt đầu thói quen này từ đầu năm học lớp 12. Trước kia, em cũng từng thức khuya để làm bài, nhưng cơ thể rất mệt mỏi vào ngày hôm sau và việc học cũng không hiệu quả. Từ đó, em không thức khuya nữa”, chàng thủ khoa cho hay.

Thủ khoa cũng có đôi lúc... ham chơi

Nghĩa cho biết có đôi lúc gặp stress trong việc học nhưng luôn giữ cho mình suy nghĩ tích cực. “Em nghĩ rằng cứ cố gắng hết sức là được, chứ không quá đặt nặng kết quả. Em luôn trân trọng sự cố gắng, phát triển của bản thân để hướng đến những điều tốt đẹp hơn”, Nghĩa cho hay.

Nghĩa luôn trân trọng sự cố gắng và phát triển của bản thân chứ không chỉ đặt nặng thành tích. Ảnh NVCC

Nghĩa luôn trân trọng sự cố gắng và phát triển của bản thân chứ không chỉ đặt nặng thành tích. Ảnh NVCC

Là học sinh giỏi suốt 12 năm liền nhưng chàng thủ khoa khiêm tốn cho rằng mình không phải là gương mặt quá nổi trội trong lớp. Nghĩa cũng thú thật đôi khi ham chơi, lười học nhưng những lúc đó sẽ tự nhủ rằng bản thân đang cần nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng.

“Em thường giải trí bằng cách nghe nhạc và tập thể dục. Trước kia em có mê các trò chơi điện tử nhưng từ khi lên lớp 12 đã hạn chế rất nhiều vì thấy không tốt và tốn khá nhiều thời gian. Nói chung, chơi điện tử vừa có mặt lợi và hại nên phải tự biết cách kiểm soát bản thân”, Nghĩa nói

Môn nổi trội nhất của Nghĩa là hóa học và trong năm lớp 12, nam sinh đã đạt giải ba cấp thành phố. Với mong muốn được học về khoa học dữ liệu nên Nghĩa đặt nguyện vọng vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Là giáo viên chủ nhiệm của Nghĩa, cô Chu Thị Kim Hương, nhận xét Nghĩa là một học sinh xuất sắc trong lớp và có năng lực tư duy về các môn khoa học tự nhiên. “Không chỉ giỏi về các môn khoa học tự nhiên, Nghĩa còn biết cân bằng thời gian để trau dồi kiến thức ở các môn khoa học xã hội. Kết quả, em đã vinh dự được công nhận là học sinh giỏi nhất lớp trong năm học 2023 - 2024. Và mới đây, là thủ khoa trong kỳ thi đánh giá năng lực”, cô Hương cho biết.

Theo cô Hương, bên cạnh việc học tập xuất sắc, Nghĩa còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của trường lớp. “Những thành tích và cố gắng của Nghĩa là tấm gương để các bạn học sinh khác noi theo phấn đấu”, cô Hương nói.

Với thành tích trên,chàng thủ khoa đã cảm thấy nhẹ nhàng hơn trước kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, nhưng không vì thế mà Nghĩa lơ là việc học. Hiện tại, Nghĩa vẫn đang tất bật ôn tập chăm chỉ để mong có một kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Có thể bạn quan tâm

Quy định mới về dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục

Quy định mới về dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục

(GLO)- Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 96/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15-7-2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số (DTTS) trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

APC Gia Lai: Cùng học sinh kiến tạo ước mơ

APC Gia Lai: Cùng học sinh kiến tạo ước mơ

(GLO)- Trường Quốc tế châu Á Thái Bình Dương Gia Lai (APC Gia Lai) tổ chức cho học sinh tìm hiểu giáo dục Nhật Bản tại các trường đại học hàng đầu, qua đó giúp các em có định hướng tốt cho việc học và nghề nghiệp trong tương lai.

Khi nào thí điểm thi tốt nghiệp THPT trên máy tính?

Khi nào thí điểm thi tốt nghiệp THPT trên máy tính?

Từ nay đến năm 2030, Bộ GD-ĐT sẽ sửa đổi bổ sung một số luật, xây dựng các nghị định, quyết định, đề án... liên quan đến các bậc học từ mầm non đến ĐH. Trong đó có đề án đổi mới hình thức thi tốt nghiệp THPT thí điểm thi trên máy tính.

Hơn 170 giáo viên, học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Đak Pơ diễn tập phòng cháy chữa cháy

Hơn 170 giáo viên, học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Đak Pơ diễn tập phòng cháy chữa cháy

(GLO)- Ngày 28-4, Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) khu vực An Khê (Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Dân tộc nội trú (huyện Đak Pơ) tổ chức tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH, thực tập phương án chữa cháy năm 2025.