Thi đánh giá năng lực: Thêm cơ hội vào đại học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã công nhận và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực như một phương thức xét tuyển sinh. Điều này giúp học sinh có thêm cơ hội bước vào giảng đường đại học.

1. Trong gian phòng nhỏ tại một quán cà phê trên đường Phan Đình Phùng, đôi bạn thân Lê Nguyễn Huy Hoàng (lớp 12C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) và Trần Quý Lâm (lớp 12A2, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP. Pleiku) đang miệt mài bên sách vở.

Ngoài giờ lên lớp, Hoàng và Lâm thường hẹn gặp nhau để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh sẽ diễn ra vào đầu tháng 4-2024.

Hoàng cho biết, cả 2 em đã hoàn thành đăng ký dự thi vào tháng 2 và đang đợi giấy báo dự thi. Năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tiếp tục được giữ ổn định với 2 đợt trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, đợt 1 sẽ diễn ra vào ngày 7-4, còn đợt 2 vào ngày 2-6.

Bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài 150 phút; tổng số điểm tối đa là 1.200. Cấu trúc đề thi gồm 3 phần: sử dụng ngôn ngữ (tiếng Anh và tiếng Việt); Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu; giải quyết vấn đề (kiến thức các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học và Sinh học).

“Nếu kết quả thi đợt 1 chưa tốt, chúng em có thể đăng ký thi đợt 2 để tìm kiếm cho mình số điểm cao hơn”-Hoàng cho hay.

Đôi bạn thân Lê Nguyễn Huy Hoàng (bìa trái)-lớp 12C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương và Trần Quý Lâm-lớp 12A2, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku) ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: M.T

Đôi bạn thân Lê Nguyễn Huy Hoàng (bìa trái)-lớp 12C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương và Trần Quý Lâm-lớp 12A2, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku) ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: M.T

Với nguyện vọng trở thành sinh viên chuyên ngành Khoa học máy tính của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), từ cuối năm lớp 11, Hoàng đã quyết định sẽ thử sức với kỳ thi đánh giá năng lực do trường này tổ chức.

Nhận thấy khối lượng kiến thức của kỳ thi trải rộng ở nhiều môn học và khối lớp, Hoàng xác định không thể ôn tập gấp rút. Vì thế, ngay khi bắt đầu năm lớp 12, nam sinh đã xây dựng cho mình thời gian biểu phù hợp, sao cho vừa đảm bảo việc học trên lớp, vừa có thể tập trung chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực.

“Trong quá trình tìm kiếm khóa ôn thi đánh giá năng lực online, em đã tham gia kỳ thi thử tại 1 trung tâm và đạt được số điểm cao nhất. Kết quả này giúp em được miễn toàn bộ chi phí khi tham gia khóa học trong thời hạn 1 năm.

Trong quá trình ôn tập, trung tâm cũng tổ chức các đợt thi thử để chúng em tự kiểm tra năng lực, làm quen với cấu trúc đề thi và áp lực về thời gian làm bài. Ngoài cách này, em còn thường xuyên tự luyện đề và tham khảo kinh nghiệm từ các anh chị từng dự thi của khóa trước để tích lũy thêm một số mẹo ôn tập hay”-Hoàng chia sẻ.

Tương tự, em Trần Quý Lâm cũng đang tích cực ôn luyện với mong muốn ghi được số điểm cao tại kỳ thi đánh giá năng lực sắp tới. Ngoài ngành Kỹ thuật cơ-Điện tử của Trường Đại học Bách khoa, Lâm còn dự định đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) với chuyên ngành Công nghệ thông tin.

Lâm phân tích: Cả 2 ngôi trường này đều sử dụng phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực với tỷ lệ lớn. Cụ thể, Trường Đại học Bách khoa xét tuyển sinh theo phương thức kết hợp nhiều tiêu chí, trong đó, điểm thi đánh giá năng lực chiếm 70-80%; còn với Trường Đại học Công nghệ thông tin, chỉ cần kết quả thi đánh giá năng lực đạt 970 điểm là có thể trúng tuyển tất cả các ngành.

Để có được “tấm vé” vào ngôi trường đại học mơ ước, em đã sớm xác định sẽ tham gia và cố gắng đạt điểm cao tại kỳ thi đánh giá năng lực sắp tới.

“Từ tháng 9-2023, em đã cùng 2 người bạn trong lớp góp kinh phí để đăng ký khóa ôn tập trực tuyến nhằm củng cố, bổ sung kiến thức liên quan đến kỳ thi; đồng thời, tăng cường luyện đề qua sách và trên internet. Thế nhưng, khó khăn hiện tại mà em đang gặp phải là kiến thức các môn khoa học xã hội của mình còn hạn chế. Thời gian còn lại trước ngày thi đợt 1, em sẽ cố gắng bổ khuyết để có thể đạt được số điểm khả quan”-Lâm nêu quyết tâm.

2. Những năm gần đây, nhiều học sinh khối lớp 12 trong tỉnh, kể cả ở vùng khó khăn đã bắt đầu tiếp cận và đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực nhằm tìm kiếm thêm cơ hội vào đại học. Với ước mơ trở thành một nữ chiến sĩ Công an nhân dân, em Đinh Thị Thu Hương (lớp 12A2, Trường THPT Nguyễn Du, huyện Krông Pa) đã quyết định thử sức với kỳ thi đánh giá năng lực của Bộ Công an, dự kiến diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

“Em được biết, kỳ thi đánh giá năng lực của Bộ Công an sẽ có 2 mã bài thi là CA1 gồm phần thi trắc nghiệm và tự luận Toán; CA2 gồm phần thi trắc nghiệm và tự luận Ngữ văn. Tổng thời gian làm bài là 180 phút, dưới hình thức thi viết. Với thế mạnh của bản thân, em dự định sẽ đăng ký dự thi mã CA2. Em đang tập trung ôn luyện song song cho 2 kỳ thi đánh giá năng lực và tốt nghiệp THPT; cố gắng nắm vững kiến thức được học và luyện thêm các bộ đề nâng cao”-Hương tâm sự.

Nhiều học sinh lớp 12 ở Gia Lai đăng ký tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực để có thêm cơ hội bước vào giảng đường đại học. Ảnh: Mộc Trà

Nhiều học sinh lớp 12 ở Gia Lai đăng ký tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực để có thêm cơ hội bước vào giảng đường đại học. Ảnh: Mộc Trà

Cũng theo Hương, năm ngoái, Bộ Công an có 3 phương thức xét tuyển vào các học viện, trường đại học trực thuộc. Riêng đối với phương thức xét tuyển kết hợp giữa kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả bài thi đánh giá năng lực của Bộ, tỷ lệ bài thi đánh giá năng lực chiếm đến 60%, trong khi điểm thi tốt nghiệp THPT của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển chỉ có 40%. Do đó, nữ sinh đang nỗ lực ôn tập để có thể đạt được số điểm cao ở cả 2 kỳ thi quan trọng.

Năm học 2023-2024, Trường THPT Nguyễn Du có 5 lớp 12 với 228 học sinh; trong đó có 30 em đăng ký tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển đại học. Ngoài 4 học sinh thi đánh giá năng lực của Bộ Công an, số còn lại đều thử sức với kỳ thi của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Thầy Trần Văn Thế-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Nhà trường rất quan tâm đến những thí sinh dự thi đánh giá năng lực. Từ lớp 10, chúng tôi đã tuyên truyền, phổ biến về kỳ thi này và khuyến khích các em tham gia vì sẽ tạo thêm cơ hội vào đại học. Tuy nhiên, vì nằm ở vùng khó, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 50% nên số lượng các em đăng ký dự thi vẫn chưa nhiều.

“Giáo viên trong trường cũng nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn để học sinh biết cách tự nâng cao năng lực; nhắc nhở các em nếu có ý định tham gia dự thi thì cần có sự chuẩn bị sớm, song không vì vậy mà quá chú trọng vào luyện thi.

Các em cần nắm chắc kiến thức trên lớp, tìm tòi sâu trong từng bài học để hiểu bản chất vấn đề; đồng thời, rèn luyện thêm một số kỹ năng cần thiết như đọc, phân tích văn bản, suy luận logic, từ đó dần nâng cao năng lực của bản thân”-thầy Thế cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non với nhiều điểm mới. Theo dự thảo, chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.

Cẩn trọng chọn môn thi tốt nghiệp THPT

Cẩn trọng chọn môn thi tốt nghiệp THPT

Theo hiệu trưởng các trường THPT, năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh được lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT nên cần được tư vấn, định hướng cẩn thận, tránh chọn theo cảm tính, số đông vì việc này tác động đến lựa chọn ngành.

Cửa liên thông đại học sắp 'thông'

Cửa liên thông đại học sắp 'thông'

Với những quy định rõ ràng, chi tiết được thể hiện trong dự thảo Nghị định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, hứa hẹn con đường liên thông sắp tới sẽ không còn nhiều điểm 'tắc' như thời gian qua.