Ngày 1-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có báo cáo về kết quả tổ chức thi tốt nghiệp THPT tính đến ngày 30-6-2025. Bộ GD-ĐT cho rằng đề thi năm nay đáp ứng các mục tiêu đề ra của Nghị quyết 29: "Đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học".
Đề thi không vượt quá yêu cầu cần đạt
Kỳ thi được thiết kế để thí sinh dự thi 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn học sinh được học ở lớp 12. Theo đó, các thí sinh sẽ được chọn 2 môn học sở trường của mình để dự thi và lấy kết quả xét tuyển sinh.
Theo Bộ GD-ĐT, đề thi gia tăng các câu hỏi có tính phân hóa. Những năm trước đây, đề thi còn ít câu hỏi để phân loại học sinh, dẫn đến khó khăn cho công tác tuyển sinh, kéo theo nhiều cơ sở giáo dục ĐH phải tổ chức các kỳ thi riêng, gây tốn kém và lãng phí cho nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, nội dung đề thi thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình. Tỉ lệ cấp độ tư duy (liên quan đến độ khó) được yêu cầu bám sát đề tham khảo đã công bố; có tính phân hóa và dựa trên kết quả thử nghiệm ở 3 vùng miền.

Bộ GD-ĐT nhìn nhận rằng việc có một số thông tin đánh giá đề khó, đặc biệt đối với môn toán và môn tiếng Anh, có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng phải đợi khi có kết quả chấm thi mới có thể xác định rõ ràng.
Trong khi đó, dù kỳ thi tốt nghiệp THPT đã bước vào giai đoạn chấm thi nhưng dư luận về độ "quá khó, quá sốc" của đề thi, đặc biệt là đề thi toán và tiếng Anh, vẫn còn ồn ào trên các diễn đàn, mạng xã hội.
Không chỉ giáo viên, phụ huynh, mà cả nhiều giáo viên phổ thông các môn tiếng Anh và toán khi trao đổi về đề thi toán năm nay đều có chung quan điểm là đề thi khó. Một giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội nhận xét đề thi quá khó, ở phần đọc hiểu mật độ từ vựng dày hơn, xuất hiện nhiều từ mang tính học thuật, các cụm từ cố định (collocations) và phrasal verbs ở trình độ C1 trở lên, bên cạnh đó là nhiều cụm danh từ dài và khó… Với lượng thông tin lớn, thời gian làm bài chỉ có 50 phút, nhiều thí sinh sẽ không thể hoàn thành. Đề thi này là một thách thức đối với các học sinh trường chuyên, đừng nói đến học sinh vùng nông thôn, miền núi. Dù kỳ thi mới kết thúc nhưng nhiều giáo viên dự kiến phổ điểm môn tiếng Anh sẽ chỉ dừng lại ở mức 4-5 điểm…
TS Phạm Hồng Danh, Trường THPT Vĩnh Viễn - đơn vị cung cấp bài giải gợi ý các môn thi tốt nghiệp THPT, cho rằng phổ điểm môn tiếng Anh năm nay sẽ tập trung ở mức 4,5 điểm, môn toán thì cao hơn. "Dù đề thi toán, tiếng Anh khó nhưng điều đó không ảnh hưởng đến tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm nay. Ngoài phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp, đề thi cũng có độ phân hóa để các trường ĐH xét tuyển ĐH" - TS Phạm Hồng Danh nêu quan điểm.
Bất lợi khi xét tuyển đại học
Các trường ĐH cho biết sau khi Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm thi, các trường ĐH mới căn cứ vào đó để quy đổi điểm giữa các tổ hợp, phương thức xét tuyển. Vấn đề, nếu trường quy định 1 mức điểm chung cho tất cả tổ hợp thì thí sinh bị thiệt thòi.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM, cho rằng ở các kỳ thi tốt nghiệp THPT phổ điểm môn này hay môn kia lệch trái (do đề thi khó), lệch phải (do đề thi dễ) là chuyện bình thường. Toán là môn thi chung của mọi thí sinh nên thí sinh nào có sự chuẩn bị tốt thì điểm thi sẽ cao hơn thí sinh chưa có sự chuẩn bị tốt; tiếng Anh là môn tự chọn thì những thí sinh thi môn này cũng cạnh tranh điểm với nhau tùy theo học lực và sự chuẩn bị. "Những thí sinh thi chung môn thi nếu đề thi khó thì khó người khó ta" - PGS Thắng nói, và cho rằng vấn đề là do kết quả làm bài thi không như kỳ vọng nên thí sinh lo lắng.
Từ năm 2025, các trường ĐH có thể sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp xét tuyển cho 1 ngành nên không ít thí sinh lo lắng liệu sử dụng tổ hợp có môn toán, tiếng Anh có bị thiệt thòi so với các tổ hợp khác?
Nhiều kỳ tuyển sinh qua, khi công bố điểm chuẩn của các ngành, bên cạnh những trường quy định điểm chuẩn riêng theo từng tổ hợp xét tuyển thì cũng có nhiều trường quy định 1 mức điểm chuẩn chung cho nhiều tổ hợp. Cách này được cho là ít nhiều gây thiệt thòi cho thí sinh.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng cho biết sau khi có kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm và các thông tin liên quan thì các trường ĐH mới quy đổi điểm giữa các tổ hợp môn, phương thức xét tuyển. TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, cho rằng trong 1 ngành, nếu trường nào quy định 1 mức điểm trúng tuyển chung cho tất cả tổ hợp ở 1 ngành cụ thể thì thí sinh xét tuyển bằng tổ hợp có toán, tiếng Anh hoặc cả 2 như tổ hợp D01 (toán, văn, tiếng Anh) thì sẽ thiệt thòi cho thí sinh. Chẳng hạn ở ngành văn học, trường xét cả tổ hợp D01 và C00 (văn, sử, địa) nếu trường áp dụng chung 1 mức điểm thì thí sinh xét bằng tổ hợp D01 sẽ thiệt thòi hơn C00, cho nên nhiều năm qua trường quy định điểm trúng riêng cho từng tổ hợp xét tuyển.
Hai chương trình, hai độ khó khác nhau
Đại diện một trường ĐH khác cho biết năm nay có 2 đối tượng thí sinh thi theo Chương trình GDPT 2018 và 2006. Đề thi toán, tiếng Anh của Chương trình GDPT 2018 khó trong khi chương trình 2006 "dễ thở" hơn. Do vậy, thí sinh thi theo chương trình 2006 khả năng sẽ có điểm thi tốt hơn, lợi thế hơn trong xét tuyển ĐH.
Theo YẾN ANH - HUY LÂN (TNO)