Tràn lan luyện thi đánh giá năng lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2024, nhiều đại học và trường đại học lớn trên cả nước sử dụng kết quả các kỳ thi riêng (thi đánh giá năng lực - ĐGNL, đánh giá tư duy, ĐGNL chuyên biệt...) để xét tuyển vào đại học.

Nắm bắt nhu cầu của thí sinh, trên các trang mạng xã hội xuất hiện rất nhiều tài khoản giới thiệu các khóa luyện thi cấp tốc hoặc bán tài liệu, sách có bộ đề của các kỳ thi này.

Quảng cáo, giới thiệu rầm rộ

Tuy nhiên, theo các chuyên gia và những trường tổ chức kỳ thi, thí sinh nên thận trọng khi tham gia luyện thi. Hiện trên mạng xã hội có nhiều tài khoản giới thiệu, chào mời các khóa luyện thi ĐGNL, đánh giá tư duy thu hút rất đông thành viên tham gia.

Cụ thể như tài khoản luyện thi ĐGNL ĐH Quốc gia TPHCM 2024 với 2.800 thành viên; cộng đồng luyện thi đánh giá năng lực 2023-2024 với 140.400 thành viên; luyện thi đánh giá năng lực HSA - ĐH Quốc gia Hà Nội với 241.300 thành viên (nhóm của thầy Hoa Hsa); ôn thi đánh giá tư duy với 15.700 thành viên...

Thậm chí như tài khoản nhóm ôn thi đánh giá tư duy ĐH Bách khoa Hà Nội còn giới thiệu rất “kêu”: “(Gấp) chỉ gần 60 ngày nữa các sĩ tử sẽ bắt đầu bước vào đợt 1 của cuộc đua giành tấm vé vào đại học sớm. Với số lượng đợt thi ít hơn năm 2023, chắc hẳn sẽ là trận đấu với sự cạnh tranh khốc liệt nếu bạn không tập trung ôn luyện từ bây giờ... Đừng lo, Hocmai có thể đáp ứng hết những trăn trở của bạn với trọn bộ đề thi thử ĐGNL. Đặc biệt, tặng free 200 cuốn cẩm nang ôn tập được biên soạn độc quyền từ đội ngũ giảng viên hàng đầu Hocmai cho học sinh tham gia thi thử trong tháng 1, tự tin chinh phục kỳ thi”.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2023 tại tỉnh An Giang

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2023 tại tỉnh An Giang

Trong khi đó, các quản trị viên tài khoản nhóm luyện thi ĐGNL HSA - ĐH Quốc gia Hà Nội liên tục thông báo: “Lớp cấp tốc do thầy vẫn tuyển và giảm học phí kèm tặng sách nhé các em”; “Hình ảnh trực tiếp đến từ lớp ôn thi ĐGNL của HSA Education các em nhé! Cả lớp cố gắng 100+ nào! Các lớp vẫn đang tuyển sinh, bạn nào đăng ký liên hệ trực tiếp thầy tư vấn nhé. Đặc biệt trong tuần này mỗi bạn đăng ký sẽ được giảm thêm 100k và tặng sách, áo nha”.

Trong khi đó, theo giới thiệu của thầy Hoa Hsa (quản trị viên nhóm Luyện thi ĐGNL HSA - ĐH Quốc gia Hà Nội), các lớp học khai giảng ngày 20-1-2024 và kết thúc ngày 25-3-2024. Hình thức học online qua phần mềm Zoom (mua bản quyền fulltime) + xem video và thời gian từ 21 giờ 30 đến 23 giờ (mỗi buổi 60-90 phút) với tổng thời lượng 50 buổi học trực tiếp luyện đề + hơn 100 video bài giảng chuyên đề + thi thử online định kỳ.

“Trung tâm là đơn vị độc quyền của bộ sách Luyện đề ôn thi ĐGNL HSA - bộ sách “hot” nhất thị trường hiện nay về lĩnh vực thi ĐGNL. Từ năm 2015-2023, trung tâm đã hỗ trợ hơn 10.000.000 học sinh trên cả nước ôn thi ĐGNL và đạt kết quả cao... tặng 150 suất học bổng với tổng trị giá 150 triệu đồng cho 150 bạn đạt điểm cao nhất trong các khóa học tại HSA Education, 1 máy tính xách tay trị giá 10 triệu đồng. Mức học phí là 4 triệu đồng/khóa (giảm 50% học phí cho 100 học sinh đăng ký đầu tiên và chuyển tiền trước 5-1)...”, lời quảng cáo của trung tâm luyện thi cho biết.

Tương tự, nhiều nhóm luyện thi khác cũng liên tục giới thiệu các khóa học, thời khóa biểu để lôi kéo thí sinh đăng ký lúc nào cũng được. Ngoài ra, nhiều quản trị viên cũng tự xưng là chuyên gia, thầy cô, cho biết đã biên soạn nhiều bộ đề và học sinh cần thì liên hệ; nếu giới thiệu cho các thí sinh khác tham gia… sẽ được tặng trọn bộ đề thi và đáp án. Cùng đó, còn tình trạng mua bán, chuyển nhượng các khóa học và có học sinh sau khi chuyển tiền mua lại khóa học nhưng liên hệ với chủ tài khoản không được...

Không nên luyện thi

Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác thi ĐGNL năm 2023 do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TPHCM cho biết: Kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM (từ năm 2018 đến nay) không tổ chức luyện thi dưới bất kỳ hình thức nào. Tất cả tổ chức, cá nhân, tổ chức luyện thi ĐGNL đều không thuộc và không có bất kỳ mối liên hệ nào với ĐH Quốc gia TPHCM.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức tại tỉnh Đồng Nai

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức tại tỉnh Đồng Nai

“Cách xây dựng bài thi ĐGNL hướng đến việc đánh giá các năng lực cơ bản để học tập tốt của thí sinh, gồm sử dụng ngôn ngữ, suy luận, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Những năng lực này được hình thành và phát triển trong suốt quá trình học tập của học sinh. Học sinh có thể tự rèn luyện phát triển năng lực với sự hỗ trợ của thầy cô ở trường phổ thông. Ngoài ra, thầy cô, chuyên gia được mời làm đề thi đều thực hiện cam kết không tổ chức luyện thi, nên nhiều cá nhân giới thiệu là thành viên trong ban ra đề thi ĐGNL là hoàn toàn bịa đặt”, ông Nguyễn Quốc Chính nhấn mạnh.

Cũng theo TS Nguyễn Quốc Chính, những thí sinh đạt điểm cao trong những kỳ thi trước đây đã chia sẻ đều không tham gia luyện thi. Chính vì vậy, thí sinh không nên, không nhất thiết phải tham gia luyện thi tại các trung tâm giới thiệu trên các mạng xã hội. Thí sinh tự ôn luyện cho kỳ thi, nên tham khảo bài thi minh họa do ĐH Quốc gia TPHCM công bố để biết cấu trúc và định hướng nội dung bài thi.

Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, việc các cá nhân tự xưng là chuyên gia thiết kế, biên soạn tài liệu hay sách ôn thi ĐGNL là không ai kiểm chứng. Cũng giống như ĐH Quốc gia TPHCM, các chuyên gia mà ĐH Quốc gia Hà Nội mời biên soạn câu hỏi phải ký cam kết không tham gia luyện thi dưới bất kỳ hình thức nào. Việc bán sách bộ đề có câu hỏi thi ĐGNL là do các đối tượng tự biên soạn, chứ không thể lấy từ ngân hàng câu hỏi.

Theo đại diện nhiều trường đại học có tổ chức kỳ thi riêng, thí sinh hãy thận trọng với những thông tin quảng cáo, giới thiệu như nắm chắc cơ hội đậu đại học sớm, sách hay tài liệu độc quyền... của các trung tâm luyện thi, các nhóm luyện thi online. Thí sinh nên tập trung ôn lại kiến thức ở trường phổ thông, tham khảo cấu trúc đề thi mà các trường tổ chức thi để củng cố kiến thức khi đăng ký tham gia các kỳ thi.

Có thể bạn quan tâm

"Bữa sáng yêu thương" do Đoàn phường Cheo Reo triển khai đã giúp các em học sinh nghèo thêm yêu trường, mến lớp, đi học chuyên cần. Ảnh: V.C

Mang "Bữa sáng yêu thương" đến với học sinh nghèo

(GLO)- Những “Bữa sáng yêu thương” do tuổi trẻ phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) triển khai tại 2 điểm lẻ của Trường Mầm non Hoa Hồng đã và đang lan tỏa tình yêu thương, giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, tiếp tục gắn bó với trường lớp.

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều trường học có cổng ra vào nằm cạnh đường quốc lộ và tỉnh lộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần triển khai các giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh.

Cô giáo Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Kiên trì "ươm mầm" tri thức ở vùng khó

Cô giáo Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Kiên trì "ươm mầm" tri thức ở vùng khó

(GLO)- Suốt 7 năm công tác tại điểm trường làng Châu (Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến, xã Chư Krêy, huyện Kông Chro), cô Huỳnh Thị Cẩm Hồng luôn vượt khó kiên trì bám lớp. Càng thương học trò, cô càng quyết tâm "ươm mầm" tri thức, giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.