Thông bị đốn hạ, chủ rừng bất lực!?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hàng trăm cây thông trồng trên dưới 30 năm nay đã bị kẻ xấu ken cây, chặt đốt song chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ bắc Biển Hồ chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Phá rừng thông, xâm canh
Hàng trăm cây thông đã bị kẻ xấu dùng dao, rựa ken quanh thân cây khiến cây không thể trao đổi chất để sinh trưởng, phát triển dẫn đến cây bị chết. Nhiều khoảnh rừng thông do Ban quản lý rừng phòng hộ bắc Biển Hồ (BQL) đã bị hại chết như thế. Kẻ xấu sau khi ken cây một thời gian sẽ chặt đốt và xâm canh. Họ trồng vào đây nhiều loại cây dài ngày như tiêu, cà phê... Thực trạng này kéo dài trong thời gian qua và diện tích lấn chiếm đã lên đến hàng chục ngàn m2 đất rừng trong sự cẩu thả, tắc trách của BQL.
Nhiều cây thông đã bị kẻ xấu ken cây, bức tử. Ảnh: Trần Hiếu
Nhiều cây thông đã bị kẻ xấu ken cây, bức tử. Ảnh: Trần Hiếu
Có mặt tại hiện trường, chúng tôi không khỏi choáng váng bởi nhiều khoảnh rừng thông được trồng hàng chục năm nay đang bị ken cây, đang héo rũ hoặc đã trụi lá. Nhiều cây thông mới bị ken chưa lâu, đang còn ứa nhựa. Chỉ một khoảnh rừng thông xen với rẫy cà phê của người dân sát đường tránh Hồ Chí Minh đoạn quan TP Pleiku thuộc địa phận xã Gào, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, chúng tôi đếm được gần cả trăm cây thông bị kẻ xấu tàn phá. Một số thông bị ken cây chờ chết. Gần đó, chúng tôi tận thấy nhiều cây thông đã bị chặt hạ trái phép gom thành đống chờ đốt bỏ. Nhiều cây bị ken nhưng chưa chết cũng bị kẻ xấu đốt để cây chết nhanh.
Toàn bộ cây thông sau khi đã chết đều bị đẵn hạ gom lại đốt. Một số người dân ở khu vực này lợi dụng thông chết đã kéo nhau vào rừng, đem theo cả xe công nông để chặt những cây thông đã bị phá chết, đốn hạ đem về nhà dùng làm chất đốt. 
Người dân mang xe công nông vào tận rừng lấy củi thông bị chết về làm chất đốt. Ảnh: Trần Hiếu
Người dân mang xe công nông vào tận rừng lấy củi thông bị chết về làm chất đốt. Ảnh: Trần Hiếu
Hầu hết những khoảnh rừng thông sát với khu vực đường tránh, có cà phê của dân xen vào đều bị phá. Tại những mảnh rừng “da báo” này, cà phê của dân lấn sát rừng. Và kẻ xấu đều dùng thủ đoạn tương tự: ken cây để cho thông chết. Hàng trăm cây thông đã bị hại bằng thủ đoạn không thương tiếc này. Tại một số địa điểm, sau khi chặt đốt thông, những hố cà phê đã được người dân đào lấn vào đất rừng. Một số người dân đã trồng cà phê vào hố. 
Thu hồi đất, ngăn chặn phá rừng kiểu…lưng chừng!
Khu vực rừng thông này đang bị chết dần bởi bàn tay phá hoại của kẻ xấu. Với diện tích quản lý khoảng 1.400 ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ, chủ yếu là thông ba lá tại khu vực hai xã Ia Kênh, xã Gào thuộc địa bàn TP Pleiku, tỉnh Gia Lai,  BQL này đã chưa thực sự làm tròn chức trách được giao.
Theo thống kê chưa đầy đủ của BQL, có 80 đối tượng lấn chiếm đất lâm nghiệp, đất rừng với diện tích gần 117.000m2. Nhiều đối tượng lấn chiếm đã tiến hành trồng tiêu, cà phê, keo. Toàn bộ diện tích lấn chiếm đều lấn vào rừng thông ba lá. Nhiều đối tượng đã trồng cây trái phép trên đất lâm nghiệp từ năm 2017 đến nay. Một số vừa mới đào hố, trồng mới. Và theo đó, hàng trăm cây thông ba lá đã bị bức tử. 
Theo kế hoạch, trong hai năm 2018-2019, BQL này sẽ tiến hành thu hồi hơn 26 ha đất rừng bị chiếm nhằm mục tiêu trồng lại rừng, phù hợp với mục đích quy hoạch và nâng cao độ che phủ. Song kế hoạch này vẫn chưa được triển khai quyết liệt. Nhiều khoảnh rừng thông thuộc rừng phòng hộ và rừng sản xuất đã bị tàn phá, bị lấn chiếm đất. Tại nhiều khoảnh rừng bị lấn chiếm, cây trồng xâm canh đã lên xanh. Chẳng hạn, ông  Pui Him ở xã Gào lấn chiếm 7.000m2 đất rừng phòng hộ và đã trồng cà phê được 4 năm nay…Nhiều hộ khác cũng đã phá rừng thông để trồng các loại cây như tiêu, cà phê. 
Hố trồng cà phê lấn vào đất rừng. Ảnh: Trần Hiếu
Hố trồng cà phê lấn vào đất rừng. Ảnh: Trần Hiếu
Theo thông tin từ BQL, có một tổ làm công tác bảo vệ rừng tại xã Ia Kênh. Nhưng không hiểu vì lý do gì, những khoảnh rừng cách đó không xa, dọc theo đường tránh đã bị kẻ xấu phá hoại, lấn đất. Tại những khoảnh rừng có rẫy của dân xâm canh, có nhiều cây thông dường như bị ken cây chưa lâu, thân đang còn rỉ nhựa. Số khác đã bị héo rũ. Tất cả những cây thông bị ken đều sẽ chết. Cách khắc phục duy nhất là trồng lại!
Ông Nguyễn Tất Thành- Phó trưởng Ban phụ trách BQL thừa nhận: “Thời gian qua đã có tình trạng người dân ken cây, chặt đốt thông trái phép. Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền xã Ia Kênh, xã Gào để tìm đối tượng phá thông và đã phát hiện, xử phạt hành chính một số đối tượng. Chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn tình trạng này. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền đến người dân về công tác bảo vệ rừng, đồng thời báo cáo lên trên để có phương pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Đối với diện tích rừng bị xâm lấn, chúng tôi cũng kiên quyết thu hồi để trồng lại rừng”. 
Trần Hiếu

Có thể bạn quan tâm

Chuyện ở chốt 383

Chuyện ở chốt 383

(GLO)- Tuy còn nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ chốt 383 của Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) nỗ lực vượt lên để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

(GLO)- Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong 15 ngày (từ 15 đến 29-12-2024) cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công an tỉnh Gia Lai vừa vinh dự được Bộ Công an biểu dương.

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

(GLO)-Chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Gia Lai phối hợp với các đơn vị tổ chức tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ với nhiều hoạt động đầy ý nghĩa đã mang lại niềm vui cho hàng ngàn người dân trên vùng biên giới mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Đại tá Đỗ Hồng Duyên-Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân động viên, giao nhiệm vụ các chiến sĩ ra làm nhiệm vụ tại các Nhà giàn DK1. Q.T

Những chuyến tàu chở tình cảm đất liền đến với lính đảo xa

(GLO)- Sáng ngày đầu năm mới 2025, tại Cảng đoàn 129 (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), 2 tàu vận tải Trường Sa 02 và Trường Sa 21 hú còi bắt đầu hành trình chở hàng hóa, quà Tết đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển, đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.