Thoát nghèo nhờ tín dụng chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giai đoạn 2018-2020, huyện Kông Chro có 3.617 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, trong đó có 2.982 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vay với dư nợ gần 79 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã giúp bà con phát triển sản xuất, trong đó có nhiều hộ thoát nghèo.

 Ban đại diện HĐQT NHCSCH huyện Kông Chro sơ kết công tác tín dụng chính sách quý II-2021. Ảnh: Sơn Ca
Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Kông Chro sơ kết công tác quý II-2021. Ảnh: Sơn Ca

Trước đây, gia đình chị Đinh Thị Djoai (làng Hle Hlang, xã Yang Trung) thuộc diện hộ nghèo. Chị cho biết: “Cách đây 3 năm, tôi được vay 20 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện. Nhờ được hướng dẫn, tôi đã quyết định mua bò về nuôi. Từ 2 con bò ban đầu đến cuối năm 2020 đã tăng lên 4 con. Tháng 3-2021, tôi quyết định vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo để mua thêm 3 con bò về nuôi”.

Cùng chung hoàn cảnh khó khăn, chị Đinh Thị Blêt (làng Pyang, thị trấn Kông Chro) cũng được nguồn vốn hộ nghèo tiếp sức kịp thời nên đã ổn định cuộc sống. Năm 2018, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn, chị Blêt vay 30 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò. Nhờ chịu khó học hỏi cách thức chăm sóc, giữ vệ sinh chuồng trại mà đàn bò từ 3 con phát triển thành 6 con. “Nhờ chính quyền địa phương quan tâm, tôi đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo. Không chỉ được vay vốn làm ăn, tôi còn được hướng dẫn cách sử dụng vốn, học cách tính toán, tiết kiệm để trả lãi hàng tháng”-chị Blêt chia sẻ. Sau khi ra khỏi danh sách hộ nghèo vào năm 2020, chị Blêt đăng ký vay 35 triệu đồng mua thêm 2 con bò để phát triển chăn nuôi.   

Theo thống kê, giai đoạn 2018-2020, toàn huyện có 3.617 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất với dư nợ hơn 100 tỷ đồng. Trong đó có 2.982 hộ đồng bào DTTS vay với dư nợ gần 79 tỷ đồng. Việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con, số hộ vay lẫn số vốn vay đã có sự tăng trưởng tích cực.

 Nhiều gia đình đã sử dụng vốn tín dụng chính sách đầu tư phát triển chăn nuôi, tạo sinh kế bền vững để thoát nghèo. Ảnh: Sơn Ca
Nhiều gia đình đã sử dụng vốn tín dụng chính sách đầu tư phát triển chăn nuôi, tạo sinh kế bền vững để thoát nghèo. Ảnh: Sơn Ca


Ông Đào Quốc Định-Chủ tịch UBND xã Kông Yang-thông tin: “Toàn xã hiện có 19 tổ tiết kiệm và vay vốn với 722 hộ vay, tổng dư nợ hơn 27,5 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới”.    

Hoạt động tại địa bàn vốn có nhiều khó khăn nên Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kông Chro luôn ưu tiên các chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo để kiến thiết sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Trong số tổng dư nợ 246,9 tỷ đồng thì có tới 239,7 tỷ đồng với 8.388 khách hàng là hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch vệ sinh môi trường, cho vay giải quyết việc làm.

Ông Trần Thanh Nghị-Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kông Chro-nhấn mạnh: “Trong những năm qua, cấp ủy và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện đã chuyển 1 tỷ đồng ngân sách địa phương sang Phòng Giao dịch NHCSXH để ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đạt 100% kế hoạch giao”. Tính đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Phòng Giao dịch NHCSXH huyện gần 3,3 tỷ đồng, góp thêm nguồn lực quan trọng để đơn vị thực hiện cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, phát huy tối đa vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

 

 SƠN CA
 

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Quang cảnh hội nghị.

Pleiku phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng

(GLO)-Chiều 24-12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng chủ trì hội nghị với các xã, phường triển khai Nghị quyết HĐND thành phố khóa XII, kỳ họp thứ 17 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng.

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

(GLO)- Tại công văn lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời gian miễn thuế này đến hết năm 2030, thay vì kết thúc vào ngày 31-12-2025 như quy định hiện hành.