Thiết lập kỷ cương trong bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau 1 năm thực hiện Thông báo 191/TB-VPCP và Kết luận số 59-KL/TU về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để quản lý, bảo vệ rừng một cách hiệu quả thì rất cần những giải pháp căn cơ.

Toàn tỉnh đã trồng trên 6.000 ha rừng

Ông Trương Phước Anh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai thông tin: “Từ nhiều nguồn lực, chính quyền địa phương cùng các đơn vị chủ rừng đã và đang tích cực triển khai công tác trồng rừng. Có 17/17 huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thu hồi đất để thu hồi đất rừng bị lấn chiếm; có 193,2 ha đất lấn chiếm được thu hồi để trồng rừng… Hiện, toàn tỉnh đã trồng được 6.021,9 ha rừng (đạt 86,0% so với Nghị quyết HĐND giao), bao gồm: trồng rừng tập trung: 5.122,6 ha; trồng rừng phân tán: 899,3 ha. Từ nay đến cuối năm 2017, UBND tỉnh quyết tâm chỉ đạo trồng từ 7.000 ha rừng trở lên, đảm bảo theo kế hoạch đề ra”.

Gia Lai đã và đang tích cực triển khai công tác trồng rừng. Ảnh: Trần Dung
Gia Lai đã và đang tích cực triển khai công tác trồng rừng. Ảnh: Trần Dung

Về kết quả tuần tra, kiểm tra kiểm soát, bảo vệ rừng tại gốc đã được các ngành, các địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn 54 vụ phá rừng làm rẫy với tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 23,69 ha. Một năm qua, Gia Lai đã có 901 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (giảm 43 vụ so với một năm trước), tịch thu trên 1.764 m3 gỗ, thu phạt hành chính trên 4,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng đã phối hợp với các ngành liên quan lập kế hoạch thu, chi và tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm. Theo đó, tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ là 87%. Số lượng các cơ sở mua bán, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh có đăng ký với cơ quan kiểm lâm là 206 cơ sở. Ông Nguyễn Nhĩ- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, kiêm Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết: “Các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn dần đi vào ổn định, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ cho công tác chế biến chủ yếu từ gỗ nhập khẩu, gỗ rừng trồng, gỗ vườn và gỗ thanh lý sau khi tịch thu sung quỹ nhà nước. Hiện, có 75 hộ cá thể và và 1 doanh nghiệp không đăng ký hoạt động. Những cơ sở này chủ yếu hoạt động theo thời vụ. Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp này”.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì sau 1 năm thực hiện Thông báo 191/TB-VPCP và Kết luận số 59-KL/TU, Gia Lai cũng bộc lộ những hạn chế nhất định như: một số địa phương chưa hoàn thành xây dựng kế hoạch thu hồi đất rừng bị lấn chiếm; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật vẫn còn mang tính hình thức; tình trạng lâm tặc lén lút khai thác gỗ trái phép với quy mô nhỏ lẻ ở các vùng giáp ranh; phá rừng, khai thác rừng vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra khá phổ biến và phức tạp tại một số địa phương; việc di dân tự do mối nguy phá rừng làm đất sản xuất; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các sở ban ngành với địa phương còn nhiều hạn chế….

Tăng cường các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng

Đánh giá về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Gia Lai trong thời gian qua, đồng chíVõ Ngọc Thành- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnhcho rằng: Dù đã có những kết quả khả quan nhưng chúng ta cần đánh giá lại những gì đã đạt được và những gì còn vướng mắc, tồn tại để có giải pháp cụ thể trong thời gian tới. Theo Chủ tịch UBND tỉnh thì việc huy động được sức dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là hết sức quan trọng. Ngoài việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng thì phải biết đưa người dân vào cuộc, phải biết dựa vào sức dân để khắc phục những tồn tại và đẩy mạnh việc bảo vệ và phát triển rừng. “Phải nói rằng, hoạt động của lực lượng kiểm lâm còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn hoạt động rộng. Trung bình mỗi kiểm lâm địa bàn quản lý trên 2.000 ha rừng. Lực lượng kiểm lâm của chúng ta còn mỏng và gặp nhiều bất cập. Chúng ta cần phải thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác kiểm tra, điều tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm; thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chủ động nâng cao năng lực trong hoạt động. Huy động các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng có hưởng lợi”- Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh.

ích cực vận động người dân chung tay trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: Trần Dung
Tích cực vận động người dân chung tay trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: Trần Dung

Theo đánh giá, huyện Kông Chro là một trong những địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phôi phục và phát triển rừng bền vững. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong huyện nên nhiều khu rừng trên địa bàn huyện Kông Chro đã và đang được khôi phục, phát triển. Dù gặp không ít khó khăn và thách thức, nhất là nguồn lực còn hạn chế nhưng Kông Chro đã thể hiện quyết tâm cao trong việc lãnh đạo tổ chức triển khai hiệu quả hơn công tác khôi phục và phát triển rừng bền vững ở địa phương. Ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết: “Chúng tôi luôn xem công tác bảo vệ, và phát triển rừng là nhiệm vụ trọng tâm và liên tục. UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch thu hồi diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và triển khai kế hoạch trồng rừng trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2020.  Chúng tôi cũng đã vận động người dân tích cực tham gia trong công tác bảo vệ và phát triển rừng”.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, để thực hiện tốt hơn nữa công tác  quản lý, bảo vệ rừng, thời gian tới, Gia Lai tiếp tục  đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch  thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng trên địa bàn quản lý. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hơn nữa các vụ phá rừng; tiếp tục triển khai có hiệu quả các dịch vụ môi trường rừng; tăng cường lực lượng tổ chức kiểm tra, truy quét, chốt chặn các điểm nóng hay xảy ra vi phạm, đặc biệt ở các khu vực giáp ranh các tỉnh…

Trong năm qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xử lý kỷ luật 29 trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, để rừng bị xâm hại (trong đó, Chi cục Kiểm lâm: 26 trường hợp; các Ban quản lý Rừng phòng hộ: 3 trường hợp). UBND tỉnh đã xử lý kỷ luật hình thức khiển trách đối với 1 Chủ tịch UBND huyện; cảnh cáo 3 Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp; giao Giám đốc Công ty kỷ luật hình thức cảnh cáo đối với 3 Phó giám đốc.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.