Vòng loại Olympic Paris 2024, ASIAD 19, SEA Games 32 và nhiều giải đấu rất quan trọng khác là những sân chơi quốc tế lớn mà thể thao VN cần chinh phục trong năm 2023 với không ít kỳ vọng lẫn thách thức.
Tìm suất đến Olympic, phấn đấu có vàng ASIAD
Các vòng đấu loại tranh suất tham dự Olympic Paris 2024 (dự kiến từ ngày 26.7 - 11.8.2024) đã bắt đầu khởi tranh ở một số môn thể thao cơ bản như bơi, điền kinh, bắn súng, cử tạ… Nhiệm vụ của thể thao Việt Nam là cố gắng càng có nhiều suất tham dự Thế vận hội càng tốt.
U.23 Việt Nam sẽ bảo vệ tấm HCV tại SEA Games 32. Ảnh: Độc Lập |
Chúng ta đã từng có 18 VĐV giành vé đến Olympic 2020, nhưng đó là kỳ Olympic mà thể thao Việt Nam không đạt chỉ tiêu đề ra khi không có được tấm huy chương nào. Thách thức càng lớn với Việt Nam khi 2 gương mặt kỳ cựu là nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi) giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, còn tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh cũng bên kia sườn dốc sự nghiệp nhưng chưa có người thay thế xứng tầm. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, ngành thể thao cũng sẽ tiếp tục đầu tư trọng điểm để Việt Nam phấn đấu có khoảng 18 - 20 suất dự Olympic. Chúng ta không đặt mục tiêu có vàng Olympic nhưng sẽ nỗ lực tối đa để giành được huy chương Thế vận hội, bởi một số môn được coi là thế mạnh của Việt Nam cũng đã tiệm cận được với trình độ châu Á và thế giới.
Sau 1 năm bị hoãn vì Covid-19, ASIAD 19 dự kiến diễn ra từ 23.9 - 8.10.2023 tại Hàng Châu (Trung Quốc) và Á vận hội là đấu trường mà Việt Nam có cơ hội cạnh tranh huy chương vàng (HCV), huy chương bạc (HCB), huy chương đồng (HCĐ) ở khá nhiều môn. Tại ASIAD 2018, đoàn thể thao Việt Nam tham gia lực lượng hùng hậu với 352 VĐV, mang về 5 HCV, 15 HCB, 18 HCĐ. Đây là kỳ Á vận hội thành công của thể thao Việt Nam ở các môn Olympic khi điền kinh xuất sắc giành 2 HCV. Ở môn bơi, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng cũng đoạt 1 HCB, 1 HCĐ. Các môn đua thuyền rowing, cử tạ, pencak silat, wushu… cũng khẳng định được tiềm năng.
Để tăng tính cạnh tranh ở đấu trường ASIAD, thể thao Việt Nam vẫn dành sự ưu tiên đầu tư đặc biệt cho các tài năng ở các môn mũi nhọn. Đó là lý do mà Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Thanh Bảo, Nguyễn Quang Thuấn, Trần Hưng Nguyên ở môn bơi được tạo điều kiện tập huấn quốc tế liên tục trong thời gian qua. Các môn khác như điền kinh, cử tạ, xe đạp, đua thuyền rowing… cũng duy trì trạng thái tập trung dài hạn phối hợp thi đấu quốc tế. ASIAD 19 sẽ có thêm một số môn mà thể thao Việt Nam có thể tranh chấp HCV như cờ tướng, cờ vua. Vì thế, việc tuyển chọn lực lượng, đầu tư tập huấn cho những tài năng của môn thể thao trí tuệ này cũng cần được quan tâm. Lãnh đạo ngành thể thao chia sẻ, Việt Nam phấn đấu giành từ 3 - 5 HCV tại ASIAD 19.
Khẳng định vị thế ở SEA Games 32
Một sân chơi quốc tế đáng chú ý khác của thể thao Việt Nam trong năm 2023 là SEA Games 32 diễn ra tại Campuchia từ ngày 5 - 17.5. Đại hội thể thao khu vực là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế, kiểm tra, đánh giá lực lượng nhằm hướng đến những giải đấu quốc tế lớn hơn ở châu Á, thế giới, Olympic.
Tại SEA Games 31, thể thao Việt Nam thắng lớn trên sân nhà với 205 HCV, 125 HCB, 116 HCĐ, đứng đầu khu vực. Trong đó đạt thành tích rất đáng khen ngợi ở môn thể thao Olympic như điền kinh, bơi, cử tạ, xe đạp và môn thể thao hấp dẫn như bóng đá. Tuy nhiên vẫn còn có những vết gợn như việc 5 VĐV hàng đầu của điền kinh Việt Nam bị phát hiện dương tính với chất cấm.
Ở SEA Games 32 khi chủ nhà Campuchia điều chỉnh số lượng môn cũng như phân môn và một số môn thể thao thế mạnh của Việt Nam đã bị loại bỏ nên cuộc cạnh tranh huy chương sẽ trở nên rất khó khăn. Chưa kể các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng củng cố lực lượng, sẵn sàng cho cuộc đua tranh với Việt Nam. Ngoài ra, Campuchia cũng quy định chỉ các VĐV chủ nhà mới được tham gia 100% vào các môn thể thao đối kháng hoặc võ thuật, còn các nước khác chỉ được tham dự 70% nội dung các môn này. Một quan chức ngành thể thao cho biết: “SEA Games 32 sẽ có 49 môn thi đấu, gồm 608 nội dung - số lượng nhiều kỷ lục trong lịch sử các kỳ SEA Games từ trước đến nay. 4 môn có nhiều nội dung nhất là điền kinh, bơi, vật và vovinam. Chắc chắn thể thao Việt Nam khó tái lặp số lượng huy chương kỷ lục đạt được ở SEA Games 31 nhưng với thực lực lẫn tiềm năng của mình, Việt Nam hứa hẹn tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu trên đất Campuchia, với mục tiêu phấn đấu lọt vào tốp 3 khu vực”.
Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, niềm hy vọng lớn của thể thao Việt Nam trong năm 2023. Ảnh: Ngọc Dương |
Triều đại HLV mới của tuyển bóng đá nam
Năm 2023, bóng đá Việt Nam sẽ cực kỳ sôi động với hàng loạt giải đấu tầm cỡ trải dài ở cấp độ tuyển quốc gia đến các đội tuyển trẻ. Và một trong những sự kiện đang được khán giả Việt Nam hồi hộp chờ đợi là thời điểm Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) công bố danh tính tân HLV trưởng, thay thế ông Park Hang-seo (người sẽ hết hợp đồng với VFF vào cuối tháng 3.2023, bất luận kết quả AFF Cup 2022 như thế nào). Kể từ ngày ông Park viết tâm thư trên trang cá nhân nói lời chia tay bóng đá Việt Nam (sau khi AFF Cup kết thúc), suốt mấy tháng qua, VFF đã nhận được rất nhiều hồ sơ của các HLV nổi tiếng muốn được ngồi vào ghế nóng. Tuy nhiên, VFF đang đi những bước thận trọng, bởi hiện tại ông Park vẫn đang tại vị nên VFF cũng tế nhị chưa đàm phán với bất kỳ ứng viên nào. Hơn nữa, việc sàng lọc, chọn lựa người phù hợp không đơn giản, cần có thời gian thẩm định hồ sơ, trước khi chính thức bước vào quy trình thương thảo. Tân HLV trưởng vẫn là người nước ngoài và sẽ được nhận mức lương tương xứng bởi cùng lúc sẽ đảm trách 2 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng: dẫn dắt tuyển Việt Nam và U.23 Việt Nam.
Theo lịch FIFA Days, tuyển Việt Nam sẽ có đợt hội quân đầu tiên của năm 2023 từ ngày 20 - 27.3, cũng chính là thời điểm ra mắt chính thức tân HLV trưởng. Tuy nhiên, thử thách đầu tiên của ông lại là SEA Games 32 vào tháng 5 khi U.23 Việt Nam được đặt mục tiêu bảo vệ thành công tấm HCV môn bóng đá nam đại hội và sau đó là ASIAD. Ông Dương Nghiệp Khôi, Tổng thư ký VFF, tiết lộ: “Công việc của HLV mới sẽ rất bận rộn. Ngoài đảm đương những mục tiêu cao ở cấp đội U.23, nhiệm vụ rất nặng nề ở cấp độ đội tuyển là chinh phục vòng loại World Cup 2026, phấn đấu lọt vào tứ kết Asian Cup 2023. Tại Asian Cup 2019, đội tuyển Việt Nam đã để lại dấu ấn nhất định khi lọt vào đến tứ kết. Bảo vệ được thành quả này trong năm 2023 là cực kỳ khó khăn nhưng phải quyết tâm cao độ để hiện thực hóa mục tiêu đó”.
Một tin vui cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam là mới đây, VFF đã quyết định tăng lương cho HLV trưởng Mai Đức Chung. Người đàn ông gần như gắn bó cả sự nghiệp của mình với bóng đá nữ cũng sẽ đứng trước những thách thức vô cùng to lớn trong năm 2023. Đó là lại giành HCV SEA Games 32, đạt kết quả tốt tại vòng loại Olympic và đặc biệt ghi được dấu ấn tại World Cup nữ. Ông Dương Nghiệp Khôi cho biết: “Mục tiêu của bóng đá nữ Việt Nam trong vài năm tới là phấn đấu lọt vào tốp 6 châu Á và các đấu trường khu vực, châu lục, Olympic chính là đòn bẩy để đội tuyển nữ Việt Nam nâng tầm trình độ. Dự kiến, đội nữ sẽ tập trung vào tháng 3.2023 và để chuẩn bị cho sân chơi tầm cỡ như World Cup, VFF sẽ bố trí các chuyến tập huấn tại Đức, Nhật Bản, New Zealand. Thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ được đấu giao hữu với các đội tuyển nữ Đức, New Zealand, Tây Ban Nha trước khi hướng đến mục tiêu thi đấu đạt hiệu quả cao nhất tại World Cup nữ 2023”.
Theo Nhật Duy-Hoàng Quỳnh (TNO)
https://thanhnien.vn/the-thao-viet-nam-nam-2023-ky-vong-va-thach-thuc-post1537823.html