Thầy giáo già hy sinh tiền lương mua đất, góp sách xây thư viện miễn phí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với số tiền ít ỏi tích cóp sau nhiều năm làm giáo viên, ông Trần Xuân Hạ (85 tuổi, hiện ở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã mua đất, góp sách, xây dựng 2 thư viện miễn phí phục vụ người dân ở xã Nhơn Khánh (thị xã An Nhơn) và xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Việc làm này giúp cho nhiều người dân, nhất là các em học sinh có điều kiện trau dồi thêm kiến thức.

Thư viện của tình quê

Vốn sinh ra ở xã Nhơn Khánh, một vùng quê nghèo ở tỉnh Bình Định, do điều kiện công tác, ông Hạ phải xa quê lên dạy học ở Gia Lai. Cả cuộc đời gắn với nghề giáo, ông hiểu được giá trị của sách, của tri thức. Bởi vậy, lúc về hưu, khi con cái đã trưởng thành, ông Hạ dù tuổi cao nhưng vẫn đau đáu một nỗi niềm: Phải làm điều gì đó thiết thực cho quê hương?

 

Ông Châu đang trông coi thư viện “Tình quê” ở thôn Chánh An.
Ông Châu đang trông coi thư viện “Tình quê” ở thôn Chánh An.

Năm 2012, ông Hạ quyết định đem hết số tiền đã tích cóp, dành dụm được bấy lâu, về quê mua đất, xây dựng thư viện miễn phí mang tên “Tình quê” tại thôn Hiếu An (xã Nhơn Khánh) mảnh đất nơi ông sinh ra.

Thư viện rộng khoảng 60 m2, với trên 3.000 đầu sách, đủ các loại sách như văn học, nghiên cứu, lịch sử, sách liên quan đến kỹ thuật, chăn nuôi, nông nghiệp... Có một dãy bàn ghế làm nơi học sinh và người dân địa phương đến đọc sách miễn phí.

Để thư viện hoạt động hiệu quả, ông Hạ còn tự bỏ tiền ra thuê một người túc trực, mở cửa thư viện mỗi ngày. Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (26 tuổi, thôn Hiếu An), người chịu trách nhiệm trông coi thư viện, cho biết:

“Trước đây, ai muốn đọc sách thì tự mua hoặc lên thư viện trung tâm xã nhưng số lượng sách cũng hạn chế. Từ ngày có thư viện “Tình quê”, người dân trong thôn, nhất là các em học sinh thường xuyên đến đây đọc sách, mở mang kiến thức và giải trí”.

“Buổi tối, đây cũng là nơi các bạn sinh viên mở lớp dạy thêm cho học sinh cũng như tổ chức các sinh hoạt văn hóa, đoàn thể. Vào những ngày nghỉ lễ hay cuối tuần, bạn đọc đến thư viện đông hơn. Nhiều người còn mang sách của mình góp tặng thư viện”, chị Thảo cho biết thêm.

 

Thư viện “Tình quê” do ông Hạ mở phục vụ miễn phí cho người dân.
Thư viện “Tình quê” do ông Hạ mở phục vụ miễn phí cho người dân.

Được biết, chị Thảo đã tốt nghiệp khoa Tin, trường Đại học Quy Nhơn. Vì sức khỏe không cho phép nên Thảo không thể đi làm xa nhà. Ông Hạ nhận Thảo vào làm thủ thư cho thư viện “Tình quê” với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng.

Ngoài thư viện “Tình quê” ở Nhơn Khánh, ông Hạ còn xây tiếp một thư viện “Tình quê” khác tại thôn Chánh An (xã Mỹ Chánh), đây quê vợ của ông. Điều quan trọng là việc làm của ông được vợ con nhiệt tình ủng hộ. Thậm chí, họ còn đi các nơi, kêu gọi mọi người gom sách về cho thư viện thêm phong phú.

Thư viện có đủ mọi thể loại, từ thơ ca, văn xuôi, các tác phẩm lớn của những tác giả nổi danh trong nước và quốc tế. Đặc biệt đầu sách chiếm số lượng lớn trong thư viện là sách phục vụ cho thiếu nhi, học sinh và sách khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, bí quyết chăn nuôi.

Ông Võ Thái Châu (61 tuổi, ở thôn Chánh An), người chịu trách nhiệm trông coi thư viện “Tình quê” ở thôn Chánh An, cho biết: “Những ngày cuối tuần thư viện rất đông, bởi các em học sinh được nghỉ học, tìm đến đây đọc sách. Hàng ngày thì các cụ già về hưu trong địa phương tìm đến thư viện đọc thơ, trò chuyện, nhiều nhất là các bác nông dân đọc các sách hướng dẫn quy trình sản xuất các loại cây và nuôi con đặc sản”.

Nói rồi, ông Châu bảo: “Cứ 1 năm thư viện lại nhận sách mới 1 lần từ những người con trai của ông Hạ mua từ TP.Hồ Chí Minh gửi về. Ngoài sách mua mới, 2 thư viện Tình quê trong tỉnh Bình Định còn thường xuyên trao đổi sách cho nhau để tăng thêm sự phong phú, phục vụ được nhiều bạn đọc, đặc biệt là trẻ em và những người nông dân lam lũ”.

Nghèo vật chất nhưng không nghèo tri thức

Là một trong những bạn đọc trẻ thường xuyên tới thư viện “Tình quê” ở thôn Hiếu An, em Nguyễn Thị Kim Mỹ Duyên (23 tuổi, ở xã Nhơn Khánh) chia sẻ:

“Em là cử nhân công nghệ thông tin vừa tốt nghiệp đại học, đang trong thời gian nộp hồ sơ xin việc. Những lúc rảnh rỗi, em đều đến đây đọc sách. Có thư viện ở giữa làng quê như thế này vừa là hình ảnh đẹp của một vùng quê đổi mới, lại vừa bổ ích, khuyến khích tinh thần đọc sách để mở mang kiến thức của mọi người dân, nhất là những người trẻ”.

Đang say sưa với cuốn truyện cổ tích, em Trương Thị Bích Trâm (học sinh lớp 7A1, Trường THCS Mỹ Chánh), vui vẻ nói: “Bỏ tiền ra mua một tập truyện về đọc được một lần thì phí, nên hôm nào nghỉ học, em lại đến thư viện đọc truyện. Hôm nào đọc chưa xong, chú Châu trông coi thư viện còn cho mượn về nhà đọc tiếp nên em thích lắm”.

 

Nhiều học sinh rất thích ở sách ở thư viện “Tình quê”.
Nhiều học sinh rất thích ở sách ở thư viện “Tình quê”.

Kể về việc thành lập thư viện, ông Hạ chia sẻ: “Tôi vốn là giáo viên nên rất quý chữ nghĩa. Tôi nghĩ những thư viện nho nhỏ này sẽ phần nào giúp các cháu mở mang kiến thức, giúp nông dân tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tôi còn nghĩ, nơi nào có nhiều người đọc sách chắc chắn nơi đó sẽ ít có tội phạm”.

Nói rồi, ông Hạ bảo: “Chúng ta có thể nghèo về vật chất nhưng không thể nghèo về tri thức. Thư viện sẽ là nơi mọi người, bất kể lứa tuổi hay nghề nghiệp, có thể đến đây đọc sách tiếp thêm kiến thức. Đây cũng là một món quà nhỏ mà tôi muốn gửi tặng để tri ân quê hương mình cũng như quê của vợ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ mở thư viện, ông Hạ còn quan tâm chăm lo những học sinh con nhà nghèo hiếu học. Hàng năm, ông Hạ dành cho các học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn xã Nhơn Khánh 40 suất quà, mỗi suất quà 300.000 đồng để động viên các cháu.

Không những thế, ông còn mở quỹ khuyến học, động viên các em học sinh thi đỗ điểm cao vào các trường đại học hàng năm. Ngoài ra, cứ đến ngày 12 tháng Chạp âm lịch hàng năm, ông Hạ về quê tặng quà cho các cụ già neo đơn, tàn tật trong thôn, như một cách cảm thông và chia sẻ với những mảnh đời thiếu may mắn.

“Tôi bây giờ đã 85 tuổi, không thể làm gì để kiếm ra tiền. Nhưng những đứa con của tôi cũng nhờ hiếu học, giờ thành tài, làm ăn có của ăn của để. Khi biết nguyện vọng của tôi, chúng cho tôi tiền để mua đất, cất nhà, mua sách thành lập thư viện, cũng mong muốn con cháu quê hương ăn học thành tài nên việc trao những phần quà nhỏ là động viên các cháu cố gắng học tập để trở thành những người có ích cho gia đình, xã hội”, ông Hạ tâm sự.

Ông Lê Văn Toản - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, cho biết: “Sự đóng góp của vợ chồng ông Hạ cho quê hương không chỉ là vật chất của cải, nhưng còn quý hơn cả của cải, tiền bạc. Đó là sự định hướng cho thế hệ tương lai hướng đến điều hay lẽ phải trong cuộc đời qua những trang sách, để sau này quê hương sẽ có những con em đủ tài, đủ đức giúp ích cho xã hội”

Trong khi nhiều thư viện lớn đang thiếu vắng bạn đọc, văn hóa đọc hầu như bị lãng quên thì việc mở thư viện phục vụ miễn phí của ông Trần Xuân Hạ thật đáng trân trọng. Đây thực sự là một việc làm đậm tính nhân văn, góp phần tạo thói quen đọc sách cho đông đảo người dân và con em trong trong vùng, qua đó độc giả của thư viện “Tình quê” ở mọi lứa tuổi được tiếp thêm kiến thức và làm giàu tri thức từ những cuốn sách bổ ích, lý thú.

Theo phapluat

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.