Tháo gỡ vướng mắc cho Dự án Nhà máy Thủy điện Ia Ly mở rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dự án Nhà máy Thủy điện Ia Ly mở rộng khả năng sẽ chậm tiến độ do vướng mắc trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Theo tính toán, nếu dự án chậm tiến độ 1 năm thì sẽ mất sản lượng điện khoảng 223 triệu kWh, tương đương khoảng 232 tỷ đồng. 
Vướng thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án điện 2 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), Dự án Nhà máy Thủy điện Ia Ly mở rộng được khởi công từ tháng 6-2021, xây dựng giữ nguyên các hạng mục của Nhà máy Thủy điện Ia Ly hiện hữu. Dự án được xây dựng trên địa bàn xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) và xã Ia Mơ Nông, Ia Kreng, thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh). Khác với nhà máy hiện hữu là nhà máy ngầm, Nhà máy Thủy điện Ia Ly mở rộng là nhà máy hở có công suất 360 MW với 2 tổ máy (mỗi tổ máy có công suất 180 MW). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.398 tỷ đồng, trong đó, vốn vay của AFD là 1.900 tỷ đồng, vốn vay trong nước 2.400 tỷ đồng, còn lại là vốn tự có của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Dự kiến thời gian phát điện tổ máy số 1 vào ngày 30-6-2024, tổ máy số 2 vào ngày 30-9-2024, hoàn thành toàn bộ công trình trong tháng 12-2024. Khi đi vào hoạt động, Dự án Nhà máy Thủy điện Ia Ly mở rộng sẽ tăng sản lượng điện trung bình 223,2 triệu kWh mỗi năm, tăng khả năng huy động công suất vào giờ cao điểm 364 triệu kWh. 
Mặc dù gặp khó khăn do dịch Covid-19 và ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine làm cho giá vật liệu tăng cao so với thời điểm dự thầu, lãi suất ngân hàng tăng nhưng liên danh các nhà thầu đã có nhiều nỗ lực trong công tác điều hành, thi công trên công trường. Đến nay, khối lượng đào đất đá hở đạt hơn 66%, đắp đất đá đạt 34%, đào đá ngầm đạt 81,2%, bê tông hở đạt 25,8%... Hầu hết các hạng mục đáp ứng tiến độ như kênh xả nhà máy, bê tông nhà máy, đường ống áp lực, đào và gia cố hầm dẫn nước. Đặc biệt, có hạng mục vượt tiến độ thi công từ 1 đến 3 tháng.
Dự án Nhà máy Thủy điện Ia Ly mở rộng có công suất 360 MW với 2 tổ máy, tổng mức đầu tư hơn 6.398 tỷ đồng. Ảnh: Vũ Thảo
Dự án Nhà máy Thủy điện Ia Ly mở rộng có công suất 360 MW với 2 tổ máy, tổng mức đầu tư hơn 6.398 tỷ đồng. Ảnh: Vũ Thảo
Ông Nguyễn Đức Minh-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án điện 2-cho biết: Đến nay, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã hoàn thành và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công phần diện tích không lấn rừng tự nhiên trong năm 2021. Tuy nhiên, việc chuyển mục đích sử dụng rừng liên quan đến dự án đang gặp vướng mắc. Ngày 3-11 vừa qua, đoàn giám sát chuyển mục đích sử dụng rừng của HĐND tỉnh Gia Lai đã kiểm tra và có ý kiến về hồ sơ pháp lý đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án cơ bản đã đầy đủ. Theo đó, dự án có 1,02 ha rừng tự nhiên (0,78 ha thuộc quy hoạch rừng phòng hộ và 0,24 ha thuộc quy hoạch rừng sản xuất) đã được UBND tỉnh Gia Lai quyết định đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng tại Quyết định số 527/QĐ-UBND ngày 23-8-2021, nhưng Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia đến nay chưa được phê duyệt. Đoàn giám sát đang tiếp tục rà soát các quy định với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường và đề nghị UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia để làm cơ sở thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng. Việc chuyển mục đích sử dụng rừng kéo dài sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công kênh dẫn dòng nhà máy, tuyến đường dây 500 kV đấu nối hệ thống điện quốc gia và đặc biệt là việc vay vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.   
Chậm 1 năm sẽ lãng phí 223 triệu kWh
Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án điện 2, nếu không giải quyết nhanh được việc chuyển mục đích sử dụng rừng thì công tác chống lũ năm 2023 sẽ không thực hiện được, toàn bộ sơ đồ chống lũ sẽ bị thay đổi, ảnh hưởng đến bảo đảm an toàn công trình và công tác thi công đường dây đấu nối 500 kV. Ngoài ra, việc này còn ảnh hưởng rất lớn đến khoản vay 2.400 tỷ đồng từ Agribank do ngân hàng này gia hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến hết tháng 12-2022 nếu thủ tục chưa xong sẽ khó được giải ngân vốn.
Đoàn công tác của Bộ Công thương và Phái đoàn Liên minh châu Âu đi khảo sát thực tế tại Dự án Nhà máy Thuỷ điện Ia Ly mở rộng. Ảnh: Vũ Thảo
Đoàn công tác của Bộ Công thương và Phái đoàn Liên minh châu Âu đi khảo sát thực tế tại Dự án Nhà máy Thuỷ điện Ia Ly mở rộng. Ảnh: Vũ Thảo
Trong chuyến khảo sát tại Dự án Nhà máy Thủy điện Ia Ly mở rộng ngày 21-11, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho rằng, tiến độ thi công đang rất tốt. Để đảm bảo mục tiêu dự kiến phát điện tổ máy số 1 vào tháng 6-2024, tổ máy số 2 vào tháng 9-2024, hoàn thành công trình vào tháng 12-2024 phải nhanh chóng giải quyết dứt điểm những vướng mắc để công trình triển khai đúng tiến độ và đi vào hoạt động. Nếu chậm tiến độ 1 năm thì sẽ mất sản lượng điện khoảng 223 triệu kWh (tương đương khoảng 232 tỷ đồng) và mất đi mấy chục tỷ đồng tiền thuế cho tỉnh. “Tôi đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với tỉnh Gia Lai, Bộ Công thương sớm tìm ra giải pháp tháo gỡ, quyết tâm không để dự án bị chậm trễ. Cùng với đó, quá trình triển khai thực hiện dự án cũng cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề chất lượng công trình, đảm bảo an toàn lao động, môi trường, các quy định của nhà tài trợ”-Thứ trưởng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cho biết: Với những vướng mắc liên quan đến đất lâm nghiệp, ngành chức năng của tỉnh sẽ cập nhật từ cơ sở để quy hoạch lâm nghiệp được phù hợp với thực tế. Tỉnh sẽ có cuộc họp chuyên đề để phê duyệt quy hoạch của tỉnh. Vì vậy, các sở, ngành liên quan cần phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán lại toàn bộ những công trình cần chuyển mục đích sử dụng rừng, trong đó có Dự án Nhà máy Thủy điện Ia Ly mở rộng để tỉnh đưa vào quy hoạch giai đoạn 2021-2030 trình HĐND tỉnh phê duyệt nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, đúng quy trình khi triển khai. 
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.