(GLO)- Sáng 17-8, đoàn thanh tra của Ban Tôn giáo Chính phủ do ông Nguyễn Tiến Trọng-Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai và công bố quyết định thanh tra về thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cùng đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan.
Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng (bìa phải) phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Lam Nguyên |
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 110 cơ sở tín ngưỡng, gồm: 23 cơ sở tín ngưỡng do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch quản lý; 50 nhà thờ dòng họ có diện tích nhỏ, không hoạt động thường xuyên do các Phòng Văn hóa-Thông tin và Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý; 37 cơ sở còn lại thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước về tôn giáo. Thời gian qua, hoạt động tín ngưỡng diễn ra bình thường, ổn định.
Bên cạnh đó, có 5 tôn giáo đang hoạt động gồm: Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cao đài, Baha'i với tổng số tín đồ là 417.710 người (chiếm khoảng 28% dân số toàn tỉnh). Từ năm 2019 đến nay, các hoạt động tôn giáo đều tuân thủ pháp luật, theo đúng Hiến chương, Điều lệ của tổ chức tôn giáo đề ra và theo đúng phương châm hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Trong các dịp lễ, Tết, các tôn giáo đã chủ trương làm từ thiện, tặng quà cho đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân nghèo, trẻ em khuyết tật... Hoạt động xây dựng, sửa chữa, cải tạo cơ sở thờ tự tôn giáo được chính quyền quan tâm, hướng dẫn thực hiện theo pháp luật, đáp ứng nhu cầu tôn giáo của Nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch trao đổi quan điểm của tỉnh trong thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Ảnh: Lam Nguyên |
Từ sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền tỉnh Gia Lai thời gian qua, đại đa số chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo yên tâm, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; hướng dẫn tín đồ hoạt động tôn giáo theo đúng quy định pháp luật.
Nguồn lực của các tôn giáo cũng được phát huy để phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội. Mặt khác, Ban Tôn giáo tỉnh (Sở Nội vụ) cũng thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh để vận động, tuyên truyền, đấu tranh xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn”, “Tin lành Đêga” và các hiện tượng tôn giáo mới gây phức tạp ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng đánh giá cao nỗ lực của cấp ủy, chính quyền tỉnh Gia Lai trong việc quan tâm thực hiện tốt chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thời gian qua. Đồng thời, ông Nguyễn Tiến Trọng đề nghị lãnh đạo tỉnh cần tiếp tục theo dõi và xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động của một số tà đạo, đạo lạ; chú trọng tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; mở các lớp bồi dưỡng về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này; khắc phục, tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc… Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện để đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra tại các huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Chư Păh, Chư Prông (từ ngày 17 đến 23-8).
LAM NGUYÊN