"Thánh đường nghệ thuật" một thời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quãng những năm 80-90 của thế kỷ trước, thị xã Pleiku có một nơi có thể gọi là “Thánh đường nghệ thuật” là sân khấu ngoài trời hay còn gọi sân khấu chùa Hộ Quốc. Nó nằm ở trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết hiện nay.

Tất nhiên sân khấu ngoài trời thì chỉ có thể biểu diễn vào mùa khô. Cứ chuẩn bị hết mùa mưa là các đoàn cử nhân viên đi tiền trạm để đăng ký lịch diễn. Đa phần là các đoàn cải lương từ Sài Gòn, Vũng Tàu và vài tỉnh miền Tây. Tôi khi ấy làm ở Phòng Văn nghệ (Ty Văn hóa-Thông tin), trong những phần việc có việc tổ chức các hoạt động biểu diễn ở sân khấu ngoài trời.

Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên
Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên


Các nhân viên tiền trạm đăng ký lịch. Đúng ngày giờ thì các đoàn cải lương kéo quân lên, khoảng một vài xe tải chở đạo cụ, 1 xe ca chở diễn viên. Bao giờ cũng có 1 đêm gọi là đêm “phúc khảo”. Gọi là thế nhưng chả phúc khảo gì, mà là biểu diễn chiêu đãi 1 đêm ở Nhà Văn hóa tỉnh, trước là cái rạp phim Thăng Long, giờ là trụ sở của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San. Tôi là người ngồi... phân phối giấy mời. Gọi điện thoại cho từng cơ quan, cử người mang giấy giới thiệu tới nhận vé.

Hôm sau mới diễn ở “Thánh đường nghệ thuật”. Khán giả đông kinh khủng. Cái sân khấu mênh mông bệ xi măng bao giờ cũng kín chỗ. Xe gửi ràn rạt ở mấy bãi đất trống xung quanh sân khấu. Chi Đoàn Ty Văn hóa-Thông tin cũng tổ chức giữ xe ngay trong sân cơ quan, rồi Phòng Văn nghệ của tôi cũng tổ chức giữ xe. Tất thảy từ trưởng phòng tới nhân viên đều có mặt giữ xe. Rất thủ công, vé thì viết tay lên 1 miếng giấy giao cho chủ xe, viết số lên yên xe trùng với vé. Các buổi diễn đa phần 12 giờ đêm mới xong, nếu không mưa thì may. Có những hôm bị mưa bất ngờ, thầy trò đứng run như cầy sấy vì lúc ấy toàn bộ các số viết bằng phấn trên xe bay hết, chỉ còn trông vào phép màu để không bị lấy nhầm xe. Nhưng nếu không mưa thì từ khoảng 23 giờ trở đi, sương xuống cũng bay hết phấn. Sau này có kinh nghiệm, chúng tôi khóa cổng lại, chờ người ra gần đủ mới cho lấy xe, để lỡ anh nào dắt nhầm xe (cố tình hay vô tình) thì biết ngay và có thời gian để xử lý. Thế mà cũng đã có lần mất xe hoặc nhẹ là mất phao xăng. Mà chúng tôi a ma tơ, giữ xe chỉ để hôm sau ăn sáng uống cà phê, tươm lên trưa làm thêm chai bia.

Đấy là thời thịnh hành của cải lương. Nổi tiếng nhất thời ấy là 4 bà bầu, có đặt thành vè hẳn hoi. Gia Lai hồi ấy cũng có Đoàn Cải lương Hoa Pơ Lang, nhưng đa phần là đi diễn ngoài tỉnh, nhất là các tỉnh phía Bắc, về Gia Lai là ít khách. Thì các đoàn khác cũng thế, cứ rong ruổi quanh năm trên đường, vừa đi vừa dựng vở, chỉ trở về tỉnh nhà khi có việc cần. Và việc Pleiku có sân khấu ngoài trời nhưng chỉ diễn được 6 tháng mùa khô nó khiến 6 tháng này lúc nào cũng như ngày hội ở đoạn đường Trần Hưng Đạo, nơi có nhà hát.

Lên sân khấu là ông hoàng bà chúa, là danh tướng là mỹ nhân; xuống, họ... cũng như chúng ta. Gầm sân khấu là nơi các diễn viên tá túc. Hồi ấy có cái nhà của khu triển lãm để không cũng là nơi các đoàn trưng dụng làm nơi ngủ nghỉ cho diễn viên. Trừ các ngôi sao, mỗi đoàn có một hai người, được ở khách sạn, còn lại đều ở 2 nơi ấy. Ai có gia đình thì quây riêng cái màn, còn lại mỗi người một chiếu nằm la liệt. Họ làm gì trong những lúc chờ lên sân khấu? Đánh bài, nhậu và dựng vở. Tôi chứng kiến một đạo diễn cực nổi tiếng thời ấy dựng vở lưu động kiểu ấy và hôm diễn ở Pleiku là hôm đầu tiên. Ông này đứng ở cánh gà hét lạc giọng, văng thoải mái các kiểu. Mỗi diễn viên có 1 người nhắc vở... đứng gần ngắc nga ngắc ngứ lắm, nhưng ở dưới khán giả vẫn vỗ tay rầm rầm. Thường thì mỗi đoàn diễn khoảng 1 tuần rồi đi, đoàn khác lại đến. Thì đã bảo, họ lênh đênh suốt năm trên đường như thế, chỉ trở về khi giáp vòng.

Thi thoảng có đoàn kịch nói phía Bắc vào thì diễn ở Hội trường 19-5, ở Rạp Thăng Long hoặc Hội trường 2-9 khi đã có. Tất nhiên, những nơi này đều không phải là rạp hát nên âm thanh rất kém. Mà phương tiện thu-phát âm thanh thời này lại rất lạc hậu. Như ở cái sân khấu ngoài trời kia, toàn bộ micro được treo trên đầu diễn viên, anh diễn gì thì diễn, phải chú ý bước tới dưới cái micro thì tiếng anh mới ra loa được. Sau này có mấy ngôi sao, có ô tô riêng, người lái riêng và có cái micro riêng. Lên sân khấu biết ngay sao, thích di chuyển đâu thì di chuyển, kể cả bước xuống giao lưu với khán giả, không phụ thuộc vào mớ micro treo lủng lẳng như trái bắp trên giàn bếp kia.

Khán giả đông nên cũng có rất nhiều lộn xộn, nhiều cuộc đánh nhau ở cổng soát vé hoặc cố tình gây mất trật tự để... nhặt dép. Nhiều cuộc đánh nhau lớn, cả Công an và Kiểm soát Quân sự đều phải vào cuộc để vãn hồi trật tự.

Nhưng nói gì thì nói, cái thời hoàng kim của nghệ thuật cải lương ấy, nhờ có cái sân khấu ngoài trời mà dân Pleiku được thưởng thức nghệ thuật nhiều hơn bây giờ. Ca nhạc thì những Kiều Hưng, Thu Hiền, Ái Vân, Hồng Nhung, Thanh Lam, Mạnh Hà,... đã diễn ở đây, dù nói thật, dân Pleiku hồi ấy cũng còn “vô tư” lắm, nghe không thích là vỗ tay đuổi vào. Tôi không nhớ hết các đoàn cải lương hồi ấy đã tới đây, nhưng chắc chắn một điều là tất cả các đoàn cải lương tồn tại hồi ấy trên toàn quốc đều đã tới và biểu diễn ở cái sân khấu ngoài trời này. Và cứ mùa khô là đoạn đường Trần Hưng Đạo người đông như trẩy hội. Không chỉ dân Pleiku mà các huyện lân cận, cả thị xã Kon Tum cũng xuống xem. Có những đêm diễn tới 1 giờ mới xong, về tới nhà đã 2-3 giờ sáng.

Sau này, người ta phá sân khấu ngoài trời, làm ở đấy một cái bể bơi và cái nhà rông khổng lồ. Rồi giờ, nó thành một phần của Quảng trường Đại Đoàn Kết. Ít ai nhớ, nơi ấy từng có một “Thánh đường nghệ thuật”!

VĂN CÔNG HÙNG
 

Có thể bạn quan tâm

Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ-Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh trao quà cho các đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Hà Duy

Trao gần 130 suất quà Tết cho đoàn viên, người lao động tại Khu Công nghiệp Trà Đa

(GLO)- Chiều 18-1, tại Nhà Văn hóa xã Trà Đa (TP. Pleiku), Công đoàn Khu kinh tế tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh tổ chức chương trình “Tết sum vầy-Xuân ơn Đảng” cho gần 130 đoàn viên, người lao động đang làm việc tại khu công nghiệp Trà Đa nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Trao 190 suất quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và cô đỡ thôn bản tỉnh Gia Lai

Trao 190 suất quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và cô đỡ thôn bản tỉnh Gia Lai

(GLO)- Ngày 18-1, tại TP. Pleiku, Giáo sư-Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) phối hợp tổ chức chương trình “Lan tỏa yêu thương” nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 sẽ được tổ chức ở khu vực Công viên Kpă Klơng (thị trấn Chư Sê). Ảnh: M.K

Sẵn sàng Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025

(GLO)- Hội chợ hoa xuân không chỉ tạo điều kiện cho các nhà vườn tiêu thụ sản phẩm mà còn là điểm đến hấp dẫn của người dân, du khách mỗi khi Tết đến xuân về. Chính vì vậy, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã tập trung triển khai các phương án nhằm tổ chức Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 an toàn, vui tươi.

Khởi sắc Ia Mơ Nông

Khởi sắc Ia Mơ Nông

(GLO)- Tuy xuất phát điểm thấp, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đa số nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức của người dân, diện mạo xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đang từng ngày khởi sắc.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn (bìa phải) tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung. Ảnh: Hoàng Hoài

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang

(GLO)- Sáng 10-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Trần Minh Sơn làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang.

UBND tỉnh ban hành 7 thủ tục mới thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

Gia Lai công bố 14 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND công bố danh mục gồm 7 thủ tục hành chính mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ; 7 thủ tục mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ.