Thành An tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân xã Thành An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã được tiếp cận với các nguồn thông tin một cách nhanh chóng, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều.

Phát huy hiệu quả các kênh thông tin

Sau khi tiếp nhận các văn bản chỉ đạo của cấp trên, ông Phạm Hữu Trung-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 6 luôn dành thời gian nghiên cứu thật kỹ và chắt lọc những thông tin quan trọng, soạn thảo lại thành văn bản sao cho ngắn gọn, súc tích rồi cho phát trên cụm loa truyền thanh để người dân cùng nghe.

Thành An tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin  ảnh 1

Các thôn ở xã Thành An đều có 2 cụm loa phát thanh kịp thời chuyển tải thông tin đến người dân. Ảnh: Đinh Yến

Nhiều năm qua, ông Trung kiên trì với công việc này vì ông cho rằng: “Người dân sẽ không đủ thời gian, sự kiên nhẫn lắng nghe hết nội dung của một văn bản dài. Cái họ cần là nội dung chính của văn bản nên tôi chọn lọc sao cho ngắn gọn nhưng phải đủ ý và dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ. Thời gian tuyên truyền cũng quyết định hiệu quả của công tác này. Chúng tôi chọn lúc người dân có mặt ở nhà, chủ yếu là sáng sớm và chiều muộn để cung cấp thông tin. Tháng 2 và tháng 3 là cao điểm thu hoạch mía, các phương tiện vận chuyển mía qua lại địa bàn nhiều, do đó, thôn tập trung tuyên truyền về công tác phòng-chống cháy, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường”.

Không chỉ tiếp nhận văn bản từ cấp trên, ông Trung còn chủ động cập nhật tin tức, những mô hình mới, cách làm hay trên các phương tiện thông tin đại chúng và thấy thông tin nào phù hợp với địa bàn sẽ ghi chép lại, sau đó cung cấp đến người dân thông qua các cuộc họp. “Đời sống của người dân trong thôn cơ bản ổn định. Họ cũng có điều kiện tiếp cận với nhiều kênh thông tin khác nhau. Tuy nhiên, trong mỗi cuộc họp chi bộ, họp thôn, tôi đều nhấn mạnh về việc bà con cần tiếp nhận thông tin có chọn lọc, đừng để các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội chi phối”-ông Trung cho hay.

Hiện nay, 6 thôn trong xã đều duy trì và phát huy có hiệu quả các cụm loa phát thanh, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; phản ánh những thông tin thời sự; thông báo nhanh các vấn đề liên quan đến phòng-chống thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn... Mỗi thôn có 2 cụm loa phát thanh được lắp đặt ở các vị trí đông dân cư, đảm bảo thông tin tuyên truyền đến từng hộ dân.

Nói về hoạt động của Đài Truyền thanh xã, ông Bùi Văn Luyện-công chức Văn hóa-Xã hội xã Thành An-cho biết: “Chúng tôi tiếp sóng, phát lại chương trình thời sự và chương trình phát thanh khác của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh-Truyền hình thị xã An Khê theo quy định và tự sản xuất chương trình trên hệ thống truyền thanh của xã. Các nội dung tự sản xuất, chúng tôi gửi xuống các thôn để phát trực tiếp trên cụm loa phát thanh”.

Xã cũng chú trọng củng cố hoạt động của trang thông tin điện tử, pa nô, áp phích, bảng niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn... Tất cả đều trở thành những kênh thông tin hữu ích giúp người dân dễ dàng tiếp cận khi cần. Đến nhà Trưởng thôn xin ký giấy xác định hiện trạng, nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất để hoàn tất hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chị Huỳnh Thị Thúy Hoa (thôn 6) bộc bạch: “Qua các kênh thông tin, tôi biết được các bước trong quy trình làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu. Tôi dựa vào đó thực hiện lần lượt các bước theo quy định và thấy mọi việc đều thuận lợi”.

Giúp người dân vươn lên thoát nghèo

Xã Thành An có 1.437 hộ dân với 5.427 khẩu; thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc. Đến cuối năm 2022, toàn xã còn 9 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo. Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm, xã chú trọng tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân. Các hội, đoàn thể chủ động đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai thực hiện và cụ thể hóa các phong trào, cuộc vận động góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Thành An tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin  ảnh 2

Chị Nguyễn Thị Hoàng Trúc Loan (thôn 2) chăm sóc đàn bò sinh sản của gia đình. Ảnh: Anh Huy

Anh Nguyễn Văn Nghĩa-Bí thư Đoàn xã-thông tin: “Đoàn xã và các chi đoàn đã ứng dụng, phát huy có hiệu quả những tiện ích của mạng xã hội trong công tác tuyên truyền. Đoàn xã tạo lập và duy trì Fanpage với 100% đoàn viên, thanh niên là thành viên; các chi đoàn đều có nhóm Zalo kết nối đến từng đoàn viên, thanh niên. Từ văn bản, kế hoạch của tổ chức Đoàn đến những mô hình hay trong sản xuất, gương người tốt, việc tốt... đều được chia sẻ để mọi người cùng học hỏi”. Bên cạnh đó, Đoàn xã cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, giao lưu văn hóa-văn nghệ, tham quan... để đoàn viên, thanh niên được tiếp cận, trao đổi, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm.

Sau khi tham quan mô hình chăn nuôi bò sinh sản ở các xã lân cận, chị Nguyễn Thị Hoàng Trúc Loan (thôn 2) đã bàn bạc với gia đình mở rộng diện tích trồng cỏ lên 2 sào và mua thêm bò về nuôi. “Trong 8 con bò gia đình đang nuôi thì mình có 4 con, còn lại của bố mẹ. Để giảm chi phí nhân công và sử dụng nguồn thức ăn hiệu quả, mình học cách ủ chua cỏ voi làm thức ăn cho bò. Thức ăn ủ chua rất tốt cho hệ tiêu hóa và là biện pháp giúp dự trữ trong thời gian dài”-chị Loan chia sẻ.

Song song với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng luôn chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, dự án giảm nghèo về vay vốn ưu đãi, dạy nghề và tạo việc làm, hỗ trợ sản xuất, giáo dục, y tế, nhà ở và một số chính sách an sinh xã hội khác. Là mẹ đơn thân nuôi 3 con nhỏ và mẹ già, năm 2020, chị Trần Thị Loan (thôn 3) được địa phương hỗ trợ 1 con bò giống làm phương tiện sinh kế. Các hội, đoàn thể hướng dẫn gia đình cải tạo 3 sào đất để trồng cỏ nuôi bò và trồng mía. Vừa chăm lo phát triển kinh tế, thời gian rảnh rỗi thì tranh thủ đi làm thuê, sau gần 2 năm nỗ lực, đời sống gia đình chị Loan đã có sự chuyển biến tích cực.

Theo ông Nguyễn Phi Hùng-Phó Chủ tịch UBND xã Thành An, năm 2023, xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,56%, cận nghèo xuống 0,56%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 95%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội 23,12%. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, xã đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo và phân công cụ thể cho các thành viên Ban Quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia phụ trách thôn. “Vấn đề cốt lõi trong công tác giảm nghèo là phải làm cho người nghèo nắm bắt được các chủ trương, chính sách và thay đổi tư duy, hành động, nỗ lực vươn lên. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả các kênh thông tin tuyên truyền để kịp thời phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị tại địa phương, đặc biệt là chính sách giảm nghèo để người dân tiếp cận, nắm bắt và thực hiện hiệu quả”-ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Dương Thanh Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê: “Xã Thành An là một trong những địa phương triển khai tốt công tác đưa thông tin về cơ sở. Qua các kênh thông tin, người dân đã kịp thời nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo và triển khai thực hiện. Thời gian tới, thị xã tiếp tục triển khai hiệu quả tiểu dự án 1 giảm nghèo về thông tin, trong đó, chú trọng tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông cơ sở, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”.

Có thể bạn quan tâm

Bình yên làng Pốt

Bình yên làng Pốt

(GLO)- Sau 4 năm triển khai mô hình “Buôn làng bình yên, gia đình hạnh phúc”, tình hình an ninh trật tự và ý thức chấp hành pháp luật của người dân làng Pốt (xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) chuyển biến rõ rệt, đời sống ngày càng ổn định.

Nâng cấp quốc lộ 19 đoạn qua huyện Đak Đoa: Thi công ì ạch, nguy cơ thay đổi nhà thầu

Nâng cấp quốc lộ 19 đoạn qua huyện Đak Đoa: Thi công ì ạch, nguy cơ thay đổi nhà thầu

(GLO)- Do thi công theo kiểu cầm chừng nên Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Dự án nâng cấp quốc lộ 19) đoạn qua địa bàn huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Người dân và chính quyền địa phương nhiều lần phản ánh với chủ đầu tư nhưng đâu lại vào đấy.

Về làng Chăm H’roi ở Krông Pa

Về làng Chăm H’roi ở Krông Pa

(GLO)- Buôn Ma Giai ở xã Đất Bằng có lẽ là ngôi làng có đông người Chăm H’roi định cư nhất của huyện Krông Pa nói riêng và cả tỉnh Gia Lai nói chung. Về thăm buôn, hỏi chuyện người già, chúng ta sẽ biết thêm nhiều điều thú vị về một thời đã qua trong lịch sử.

220 học viên tập huấn về thể dục thể thao

220 học viên tập huấn về thể dục thể thao

(GLO)- Sáng 13-3, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai phối hợp cùng Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) khai mạc lớp tập huấn nghiệp vụ dành cho công chức, viên chức và cộng tác viên thể dục thể thao (TDTT) cơ sở theo “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới” năm 2023 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Thị trấn Đak Đoa hướng đến mục tiêu đô thị loại IV

Thị trấn Đak Đoa hướng đến mục tiêu đô thị loại IV

(GLO)- Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, thị trấn Đak Đoa đang phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025 và phát triển theo hướng đô thị văn minh theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 2-11-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện.
Câu cá sông Ba

Câu cá sông Ba

(GLO)- Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, những lần tôi xuống xã Yang Trung (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) công tác thường nhằm vào dịp nông nhàn chờ trỉa hạt, độ tháng 2, tháng 3. Những ngày rảnh, tôi lại đến nhà của người anh kết nghĩa Đinh Bôi. Anh Bôi vốn là người đã từng trải, mưu sinh ở rừng, sông suối nên rất rành những dụng cụ săn bắt cá.

“Cõng” phim về làng

“Cõng” phim về làng

(GLO)- Giữa sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, những “người lính” trên mặt trận văn hóa nghệ thuật vẫn thầm lặng đến từng buôn làng vùng sâu, vùng xa chiếu phim phục vụ người dân. Họ là những thành viên của Đội chiếu phim lưu động thuộc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San (tỉnh Gia Lai).
Mơ về Bến Mộng...

Mơ về Bến Mộng...

(GLO)- Thời bao cấp, tôi thường vác ba lô về cơ sở, thường là đi một mình, đến những buôn làng vùng sâu, vùng xa, mỗi chuyến đi khoảng vài ba tháng. Có đợt, tôi ở suốt mấy tháng tại ngôi làng bên kia Bến Mộng (nay thuộc phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) và cũng tại đó, tôi đã viết truyện ngắn “Bến Mộng trăng”.