Tháng Tám trên quê hương cách mạng Tân Trào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là nơi diễn ra Đại hội đại biểu Quốc dân (Quốc dân Đại hội Tân Trào) vào năm 1945 và nhiều sự kiện trọng đại quyết định vận mệnh của dân tộc. 70 năm đã trôi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, nhân dân các dân tộc Tân Trào đang ra sức xây dựng nông thôn mới để quê hương thêm phần giàu đẹp.
 

Lịch sử khắc ghi

Mới tờ mờ sáng, con đường đến xã Tân Trào đã đông kín người. Mọi người về đây để ôn lại ký ức hào hùng một thời của dân tộc ta. Anh Nguyễn Hải Sơn, đến từ thủ đô Hà Nội cho biết: “Đây là hành trình về nguồn của gia đình tôi. Trước đây chỉ biết địa danh đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào qua sách vở, báo chí nay đặt chân tới tận nơi mới thấy bồi hồi, xúc động quá…”.

 

Di tích lán Nà Nưa. Ảnh: Huy Hoàng
Di tích lán Nà Nưa. Ảnh: Huy Hoàng

Chị Lành Thị Kiên-Trưởng phòng Hướng dẫn-Tuyên truyền của Khu du lịch, lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào, cho biết: Quốc dân Đại hội Tân Trào diễn ra trong bối cảnh cao trào kháng Nhật cứu quốc, tạo tiền đề mạnh mẽ cho cuộc Tổng khởi nghĩa giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do. Căn cứ vào tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị phải gấp rút triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để thành lập Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam. Chiều 16-8-1945, tại đình Tân Trào, Quốc dân Đại hội Tân Trào chính thức được khai mạc. Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc-Trung-Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số kiều bào ta ở nước ngoài. Đại hội được tiến hành khi lệnh Tổng khởi nghĩa vừa phát đi, vì vậy phải họp khẩn trương để các đại biểu kịp về các địa phương lãnh đạo khởi nghĩa. Quốc dân Đại hội Tân Trào đã quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, ông Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Đại hội cũng quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”. Ngày 17-8-1945, Đại hội bế mạc trong không khí tổng khởi nghĩa sôi sục. Thay mặt Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng, để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, không lùi bước”.

Bà Nông Thị Mơ (ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào) là một trong những người đã tham gia phục vụ cơm, nước cho cán bộ trong những ngày diễn ra đại hội tại Tân Trào. Năm nay đã 91 tuổi, mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng bà Mơ vẫn nhớ như in không khí của những ngày lịch sử năm ấy. Bà Mơ kể lại: Khi diễn ra Đại hội, đình Tân Trào được vây kín bằng vải nên bà không biết trong đình đang diễn ra cuộc họp gì, bà chỉ biết mình được cử đi phục vụ cơm, nước cho cán bộ về họp. Chỉ sau khi Đại hội kết thúc, bà mới biết đó là đại hội để bầu ra Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam. Cũng vào thời điểm ấy, hầu hết các gia đình trong thôn Tân Lập đều có cán bộ về ở nhờ, gia đình bà Mơ cũng có hai cán bộ về ở, nhưng để đảm bảo bí mật cho cán bộ và đại hội, các thành viên trong gia đình bà không ai dám hỏi tên, tuổi cũng như chuyện công việc của cán bộ…

Trong làng còn có gia đình ông Hoàng Trung Dân đã nhường nhà cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở và làm việc trong thời gian từ cuối tháng 5 đến tháng 8-1945. Hiện nay, ông Dân không còn nữa nhưng các thế hệ con cháu ông vẫn luôn ghi nhớ hình ảnh của Đại tướng và những cán bộ khi về họp. Ngôi nhà sàn của gia đình ông vẫn được gìn giữ và trở thành địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng. Bà Nông Thị Thu, 80 tuổi, dân tộc Tày-con dâu trưởng của ông Dân cho biết: Thời điểm diễn ra Đại hội, bà chưa về làm dâu, nhưng sau này được nghe các cụ kể lại, mỗi lần các cán bộ đến gia đình bà để họp chuẩn bị cho Đại hội là mọi người trong gia đình sơ tán lên lán ở trên núi, từ sáng đến tối, khi cán bộ họp bàn xong mọi người trong gia đình mới về. Lúc đó, mọi người trong gia đình bà cũng như người dân địa phương đều thực hiện “3 không” (không biết, không nghe, không nói) để đảm bảo an toàn, bí mật cho các cán bộ về dự Đại hội. Không ai nói gì nhưng nghe thấy Đảng và Bác Hồ thì mọi người đều rất mực yêu mến từ lâu rồi…

Đi đầu trong xây dựng nông thôn mới

 

t
Ảnh: Huy Hoàng

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Tân Trào đã phát huy các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tân Trào cũng chính là xã được tỉnh Tuyên Quang chọn điểm xây dựng nông thôn mới, bắt đầu triển khai năm 2012. Dưới sự quan tâm của các cấp, các ngành, trong những năm qua xã Tân Trào đã được đầu tư cơ sở vật chất khang trang. Người dân trong xã luôn tích cực trong phát triển sản xuất, chăn nuôi trồng trọt, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới và canh tác đạt năng suất cao. Từ đó, nhiều hộ dân đã thoát nghèo làm giàu hiệu quả.

Đến tháng 12-2014, Tân Trào đã hoàn thành 19/19 tiêu chí về nông thôn mới và đã trở thành xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Niềm vui của người dân vùng chiến khu cách mạng hòa vào niềm vui chung của cả nước. Chủ tịch UBND xã Tân Trào Trần Đức Hạnh phấn khởi cho biết: Xã Tân Trào là một trong 3 xã đại diện cho 3 miền trong cả nước được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bảo trợ về huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Do vậy, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong xã xác định phải thực hiện sao cho xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng. Để hoàn thành các tiêu chí của chuẩn nông thôn mới, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân về mục tiêu của chương trình. Xã cũng chọn lọc các tiêu chí, tiêu chí dễ, không cần sự đầu tư của Nhà nước thực hiện trước, tiêu chí khó thực hiện sau; đồng thời, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy tinh thần chủ động của người dân, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra; tạo sự đồng thuận và thống nhất từ các cấp chính quyền đến người dân…

Anh Phùng Văn Minh (thôn Mỏ Ché, xã Tân Trào) chia sẻ: Trước đây, cả gia đình sống trong ngôi nhà gỗ cũ kỹ từ đời ông bà để lại. Trải qua thời gian, ngôi nhà đã bị hư hỏng, mục nát, gia đình lúc nào cũng sống cảnh lo sợ mỗi khi có mưa bão, bởi nhà có thể bị sập bất cứ lúc nào. Đến tháng 4-2013, gia đình được dự án hỗ trợ xóa nhà tạm của xã hỗ trợ 32 triệu đồng, cùng số tiền tiết kiệm và vay mượn của anh em, bạn bè, gia đình anh đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố. Từ khi có nhà mới, gia đình yên tâm lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

 Huy Hoàng

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.