(GLO)- Tháng ba, trời Tây Nguyên nóng rát. Tuy vậy, trên thao trường, những người lính đang bước vào đợt thi đua huấn luyện nước rút.
Thi đua huấn luyện
Những ngày này, chiến sĩ Lữ đoàn Phòng không 234 (Quân đoàn 3) bước vào đợt huấn luyện. Dẫn chúng tôi ra thao trường, Đại tá Trịnh Viết Tuệ-Chính ủy Lữ đoàn-cho biết: “Năm nay, đơn vị tiếp nhận 150 chiến sĩ mới đến từ tỉnh Đak Nông. Để làm tốt công tác huấn luyện, Lữ đoàn đã chuẩn bị đầy đủ thao trường học cụ, tổ chức tập huấn cán bộ, thông qua giáo án…
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên đơn vị không tổ chức lễ ra quân, nhưng công tác huấn luyện vẫn diễn ra sôi nổi. Thời gian này, các chiến sĩ mới đang huấn luyện điều lệnh, đội hình, đội ngũ; còn các đối tượng khác thì huấn luyện sát với đối tượng tác chiến, vũ khí, trang bị có trong biên chế”.
Các chiến sĩ Tiểu đoàn Thông tin 29 (Bộ Tham mưu, Quân đoàn 3) huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Trên thao trường, các chiến sĩ trẻ ướt đẫm mồ hôi, quần áo quyện lẫn cát bụi, nhưng gương mặt họ vẫn rạng ngời quyết tâm. Chiến sĩ Hạng A Sình cho biết: “Khi mới vào đơn vị, tôi còn bỡ ngỡ. Được sự giúp đỡ của chỉ huy nên giờ tôi đã quen với môi trường quân đội. Là đảng viên, khi vào quân ngũ, tôi đã chuẩn bị cho mình một tâm thế vững vàng, không ngại khó khăn, gian khổ, quyết tâm cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện. Ai cũng cố gắng để giành thành tích cao nhất”.
Rời thao trường Lữ đoàn 234, chúng tôi đến thăm Tiểu đoàn Thông tin 29 (Bộ Tham mưu, Quân đoàn 3) khi cán bộ, chiến sĩ đang huấn luyện các khoa mục. Đưa tay gạt những giọt mồ hôi lăn trên gò má, Thiếu tá Bùi Huy Sự-Chính trị viên Tiểu đoàn-cho biết: “Với người lính thông tin, công tác huấn luyện để sử dụng thành thạo các trang bị vũ khí mới là quan trọng nhất. Chính vì thế, chúng tôi luôn chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Để chất lượng huấn luyện được nâng cao thì công tác chuẩn bị là một trong những yếu tố quan trọng. Vừa qua, đơn vị cũng đã được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 tặng bằng khen vì làm tốt công tác này”.
Khát vọng tuổi trẻ
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Tôn Đức Thắng, Vy Thái Sơn có việc làm với thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, anh vẫn tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Anh chia sẻ: “Dù đang đi làm với thu nhập ổn định, nhưng khi biết địa phương gọi công dân nhập ngũ, tôi đã viết đơn tình nguyện và được biên chế về Tiểu đoàn Thông tin 29. Vào đơn vị mới, tôi cùng đồng đội quyết tâm phát huy năng lực, đoàn kết để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Phút giải lao của những người lính trên thao trường. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Mặc dù đã lập gia đình và sinh con vừa tròn 2 tuổi, nhưng anh Phạm Văn Bút gác lại niềm riêng để lên đường nhập ngũ. “Quê hương tôi có truyền thống cách mạng, những năm tháng chiến tranh, bộ đội đã cùng dân làng đoàn kết đánh đuổi quân thù. Tôi cố gắng huấn luyện thật tốt, hoàn thành nghĩa vụ quân sự”-anh Bút bày tỏ.
Những người lính trẻ mà chúng tôi có dịp trò chuyện đều cho rằng, 2 năm quân ngũ sẽ là quãng đời khó quên nhất. Không ít chiến sĩ mong muốn cống hiến sức trẻ, phấn đấu rèn luyện và được ở lại công tác lâu dài trong quân đội.
Trong tổng số 578 tân binh đang huấn luyện tại Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) có 2 người là đảng viên, 71 người có trình độ từ trung cấp trở lên, 404 người trước khi nhập ngũ là công nhân tại các khu công nghiệp, 58 người đã lập gia đình. Nhiều người trong số đó có thu nhập khá, cuộc sống ổn định, nhưng vẫn hăng hái lên đường nhập ngũ. Khi về đơn vị mới, họ đã nỗ lực cùng đồng đội thi đua huấn luyện.
Trung tá Đinh Ngọc Tới-Phó Chính ủy Trung đoàn 48-thông tin: “Tháng ba là tháng ra quân huấn luyện. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, các tân binh đã nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới, ra sức thi đua huấn luyện giỏi. Chúng tôi chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để họ yên tâm huấn luyện tốt, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”.
VĨNH HOÀNG