Thăm Khu di tích Trường Dục Thanh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Năm 2010, chúng tôi về thăm Khu di tích lịch sử Trường Dục Thanh (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).

Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên, những vật phẩm quý như bộ bàn ghế mà Bác thường ngồi, tấm ván Bác nằm, chiếc tủ Bác để tư trang, cây bút mài mực và cả những chiếc ly uống nước... của Bác đều được bảo quản một cách tốt nhất. Nhìn những kỷ vật của Bác, lòng chúng tôi trào dâng niềm xúc động, yêu quý Bác đến vô cùng, một con người có tư tưởng vĩ đại, lại có cuộc sống giản dị đến vậy.

Cũng theo lời kể của hướng dẫn viên, ông Trương Gia Mô-bạn thân của cụ Nguyễn Sinh Sắc (cha của Bác Hồ), khi rời Trường Dục Thanh, nơi mà chỉ sau 3 năm thành lập, ông đã giới thiệu chàng trai Nguyễn Tất Thành đến trường này dạy học, trở thành người thầy trẻ tuổi nhất trong các thầy giáo dạy học tại đây. Đây là ngôi trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ nhất Bình Thuận thời bấy giờ, do cụ Nguyễn Quý Anh và cụ Nguyễn Trọng Lội (con trai nhà yêu nước Nguyễn Thông) thành lập. Trường dạy chữ Quốc ngữ, bên cạnh đó còn dạy chữ Hán, chữ Pháp. Cả trường có khoảng 60 học sinh.

Khu di tích lịch sử Trường Dục Thanh (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN

Khu di tích lịch sử Trường Dục Thanh (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN

Thầy Nguyễn Tất Thành đảm nhiệm việc giảng dạy môn Quốc văn, Hán văn và Thể dục. Khi giáo viên Pháp văn không thể dạy, thầy Thành đảm nhận việc giảng dạy bằng tiếng Pháp. Trong thời gian dạy học tại ngôi trường này, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã truyền đạt cho các học trò không chỉ kiến thức văn hóa mà còn là tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng. Vào tháng 2-1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã rời công việc dạy học tại Trường Dục Thanh để vào Sài Gòn, rồi sau đó ra đi tìm đường cứu nước.

Vào một buổi sáng sớm mùa xuân năm 1911, thầy trò Trường Dục Thanh không còn nghe tiếng còi gọi học trò thức dậy tập thể dục nữa, trong phòng của thầy chỉ còn lại mấy dòng tạm biệt... Học sinh Trường Dục Thanh nhớ mãi hình ảnh người thầy giáo trẻ, dáng vóc cao gầy, đôi mắt tinh anh, tóc cắt ngắn, trang phục giản dị mà có tình thương vô hạn đối với những học trò thân yêu.

Những học trò ngày xưa của Bác đã từng kể với mọi người nơi đây rằng mặc dù ở lại dạy học trong thời gian ngắn, nhưng Bác đã để lại tấm gương sáng cho học trò và những người làm công tác giáo dục các thế hệ sau này noi theo. Đó là 3 phong cách, đức tính: thương yêu, gần gũi với học sinh; chịu khó tìm tòi, học hỏi, đọc sách báo; luôn hòa đồng với cuộc sống của Nhân dân lao động nghèo Phan Thiết.

Trường Dục Thanh là di tích mang đậm giá trị văn hóa-lịch sử của đất nước. Ngôi trường này ra đời vào năm 1905, được tạo dựng với mục đích hưởng ứng phong trào Duy Tân của những chí sĩ yêu nước như: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp. Trường Dục Thanh cũng chính là nơi in lại dấu ấn thời thanh niên của Bác Hồ với tên gọi Nguyễn Tất Thành.

Từ tháng 9-1910 đến tháng 2-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã dừng chân tại mảnh đất Phan Thiết để dạy học theo sự giới thiệu của một người bạn của cha. Chính tại nơi đây, Bác Hồ đã truyền đạt tư tưởng tiến bộ và khơi dậy lòng yêu nước cho những người học trò thân yêu của mình trước khi ra đi tìm đường cứu nước.

Khu di tích Trường Dục Thanh chính là minh chứng lịch sử, chứng kiến một tư tưởng, khát vọng lớn của Bác trong vấn đề giải phóng dân tộc. Đây cũng chính là một phần không thể thiếu trong hệ thống di tích lưu niệm Hồ Chí Minh trên cả nước. Những bài học và kỷ vật mà Bác để lại mãi mãi là tài sản vô giá mà người dân Phan Thiết luôn luôn tự hào, gìn giữ và phát huy trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ đi sau.

Có thể nói, Trường Dục Thanh gắn với một trong những mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, khi Bác bắt đầu được tiếp xúc với tư tưởng yêu nước, cách mạng của các sĩ phu yêu nước đương thời.

Và sau đó, trong 3 tháng đặt chân lên xứ “Nam Kỳ trực trị”-Sài Gòn đô hội, lao động nuôi sống bản thân, Bác đã thâm nhập vào đời sống của các tầng lớp quần chúng lao động, chứng kiến nỗi cực khổ của người lao động dưới ách cai trị trực tiếp của những ông chủ người Pháp, đại diện cho xứ sở “mẫu quốc”, thực dân. Thời gian này, để sống và tìm cách đi ra nước ngoài, Bác đã phải làm nhiều công việc lao động chân tay cực nhọc. Và từ đây, ngày 5-6-1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.

Gia Lai cũng có vinh dự là nơi được chọn tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946. Dù cho những ngày đầu tháng 4-1946, Bác Hồ bận trăm công ngàn việc, nhưng vẫn dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số sự quan tâm đặc biệt ân cần, sâu sắc.

Biên niên tiểu sử của Người còn ghi rõ: Ngày 19-4, 8 giờ 30 phút, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về Dự án ngân sách lương thực của quân đội, vấn đề lập Nha Dân tộc thiểu số. Và cũng chính ngày này, Người đã viết “Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam” tại Pleiku. Chính vì sự kiện này mà sau ngày thống nhất đất nước, tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã được Trung ương đồng ý cho xây dựng Nhà lưu niệm, sau là Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, được khởi công xây dựng từ ngày 2-9-1982. Hiện nay, Bảo tàng đã sưu tầm được 700 hiện vật và 2.353 tài liệu, tranh, ảnh có giá trị lịch sử liên quan đến Bác Hồ.

Suốt chặng đường 30 năm trên khắp các châu lục, Bác vừa làm nhiều công việc nặng nhọc, vất vả để đảm bảo cuộc sống, vừa tìm hiểu, học hỏi, chứng kiến nhiều điều diễn ra dưới chế độ cai trị tàn độc của giai cấp thống trị, đế quốc, thực dân đối với người dân lao động... Vốn sẵn có lòng yêu nước nồng nàn, lại được tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, ngày 28-1-1941, Người trở về nước, tổ chức lãnh đạo toàn dân tộc ta làm cách mạng giải phóng ách nô lệ, đánh đuổi thực dân xâm lược Pháp, đế quốc Mỹ, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Dân tộc Việt Nam ta, Tổ quốc Việt Nam ta có được vinh quang như ngày hôm là nhờ công lao trời biển của Bác, của Đảng ta-Đảng Cộng sản Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.