(GLO)- Đó là chỉ đạo của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên tại kỳ họp thứ 5 (chuyên đề) HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) diễn ra ngày 15-4. Đồng chủ trì kỳ họp có các ông, bà: Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Tham dự kỳ họp có các ông: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các vị đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Gia Lai; lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và 65/71 đại biểu HĐND tỉnh.
Nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo nghị quyết
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Để đảm bảo tiến độ, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định 12 nội dung, gồm 2 báo cáo và 10 dự thảo nghị quyết. Trong các nội dung do UBND tỉnh trình có nhiều nội dung quan trọng. Do đó, đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận và đóng góp ý kiến để kỳ họp đạt kết quả cao nhất.
Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Quang Tấn |
Dưới sự điều hành của chủ tọa kỳ họp, sau khi nghe lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh trình bày các tờ trình, dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào các dự thảo nghị quyết. Đặc biệt, các đại biểu đã dành nhiều thời gian góp ý vào Dự thảo nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh). Trong đó, vấn đề phân bổ dự toán, phân công nhiệm vụ đối với các sở, ngành của tỉnh trong thực hiện đề án được các đại biểu quan tâm thảo luận.
Đại biểu Võ Anh Tuấn-Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-cho rằng: Theo dự thảo nghị quyết thì việc giao cho Ban Dân tộc quá nhiều nhiệm vụ và tỷ lệ phân bổ nguồn vốn cao như vậy thì liệu đã phù hợp chưa? Trong khi các nhiệm vụ thì các sở, ngành, Mặt trận và các đoàn thể đều thực hiện. Các tiểu dự án như: biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số; truyền thông phục vụ tổ chức triển khai thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS&MN; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN là những công việc chính mà Mặt trận và các đoàn thể đã và đang thực hiện. Do đó, đề nghị chủ tọa kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh xem xét, nghiên cứu có hướng chỉ đạo, điều chỉnh, bổ sung giao nhiệm vụ cho Mặt trận và các đoàn thể tham gia vào các dự án này cho hợp lý.
Đại biểu Võ Anh Tuấn-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tham gia thảo luận, đóng góp vào dự thảo nghị quyết. Ảnh: Quang Tấn |
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, cần bổ sung thêm một số tiêu chí để phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương nhằm đảm bảo sự phát triển đồng bộ, nhất là đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Theo đại biểu Nguyễn Hữu Tuyến-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kbang: Nội dung theo quy định về tiêu chí xã đặc biệt khó khăn từ vùng III, vùng II, vùng I thì nên nghiên cứu, bổ sung thêm tiêu chí đối với xã ở vùng xa, có điều kiện khó khăn, có khoảng cách từ trung tâm xã đến trung tâm huyện từ 50 km trở lên. “Huyện Kbang có những xã cách trung tâm huyện gần 90 km. Những năm qua, được sự đầu tư của các cấp nên đã thoát khỏi xã khó khăn. Tuy nhiên, nếu vì vậy mà không được quan tâm, bố trí nguồn lực đầu tư từ chương trình này thì sợ rằng sẽ bị tụt hậu”-Đại biểu Nguyễn Hữu Tuyến nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Hữu Tuyến-Bí thư Huyện ủy Kbang tham gia thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: Quang Tấn |
Giải trình một số nội dung liên quan đến việc việc phân bổ nguồn vốn từ chương trình mà các đại biểu quan tâm, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành thông tin: Chúng ta không chỉ có nguồn vốn này để đầu tư, phát triển vùng DTTS&MN mà hàng năm sẽ lồng ghép nhiều nguồn vốn khác. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh căn cứ để có sự cân đối cho phù hợp hàng năm. Hiện nhu cầu của chúng ta là rất lớn, trong khi địa bàn rất rộng, để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các địa phương trong 5 năm tới là không thể. Do đó, tỉnh sẽ lựa chọn những việc cấp bách, thiết yếu, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách thì đầu tư trước.
Thông qua 10 nghị quyết quan trọng
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đánh giá cao ý kiến tham gia của các vị đại biểu cũng như ý kiến giải trình làm rõ của Chủ tịch UBND tỉnh và các ngành liên quan. Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Để triển khai thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I từ năm 2021-2025 trên địa bàn tỉnh thì ngoài nguồn lực đầu tư cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao nhất. Muốn thực hiện tốt chương trình này, không chỉ có nguồn kinh phí mà cần phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động và thậm chí là giáo dục, thuyết phục để Nhân dân cùng hưởng ứng thực hiện thì hiệu quả đem lại mới đúng theo yêu cầu, mục đích đề ra.
Sau một buổi làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua 10 nghị quyết do UBND tỉnh trình tại kỳ họp. Đây là các nghị quyết quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cũng như quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Các đại biểu biểu quyết thông qua 10 nghị quyết quan trọng tại kỳ họp. Ảnh: Quang Tấn |
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên nêu rõ: Trong 10 nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này có Nghị quyết Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Nghị quyết sẽ là căn cứ để các cấp, các ngành lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm nguồn ngân sách nhà nước của chương trình trên địa bàn tỉnh. Đây là chương trình quan trọng, sẽ được thực hiện cả giai đoạn 2021-2030, do đó, đề nghị chính quyền địa phương các cấp quan tâm, tổ chức thực hiện; UBND tỉnh, các sở, ngành triển khai giao vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện chương trình theo đúng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ tại nghị quyết này. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra để chương trình đạt hiệu quả cao nhất, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh như mục tiêu chương trình đã đề ra.
“Sau kỳ họp này, tôi đề nghị UBND tỉnh sớm triển khai, thực hiện các nghị quyết của kỳ họp. Thường trực HĐND, các Ban HĐND, đại biểu HĐND, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh bằng hình thức phù hợp thông báo kết quả kỳ họp, phổ biến nội dung các nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua đến cử tri, Nhân dân trong tỉnh; đồng thời, tăng cường các hoạt động giám sát nhằm đảm bảo nghị quyết được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể, các tổ chức xã hội giám sát và vận động các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh”-Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên nhấn mạnh.
Kỳ họp đã thông qua 10 nghị quyết, gồm: Kéo dài kế hoạch đầu tư công năm 2021 nguồn ngân sách địa phương sang năm 2022 tiếp tục thực hiện và giải ngân; Phê duyệt bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn ngân sách địa phương; Chủ trương đầu tư Dự án trang-thiết bị bệnh viện vệ tinh ung bướu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương của tỉnh (vốn trong cân đối theo tiêu chí); Quyết định nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch văn hóa đồi thông kết hợp du lịch sinh thái xã Ia Dêr (huyện Ia Grai )và phường Diên Hồng, Yên Đổ, TP. Pleiku; Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I từ năm 2021-2025) trên địa bàn tỉnh; Phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh năm 2022; Quy định về mức chi tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh; Quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 (chưa bao gồm sinh phẩm xét nghiệm phản ứng) trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế áp dụng trên địa bàn tỉnh; Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng dự án nhà máy xử lý rác thải tại xã Gào, TP. Pleiku. |
QUANG TẤN