(GLO)- Ngày 9-12, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), kỳ họp thứ 11-HĐND tỉnh khóa X bước vào ngày làm việc thứ hai với phiên thảo luận tại tổ. Các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị nhằm phân tích cũng như đi sâu làm rõ những khó khăn, vướng mắc đã và đang tồn tại trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Toàn cảnh tổ thảo luận. Ảnh: Hồng Thi |
Kỳ họp đã chia 4 tổ để thảo luận các nội dung: tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016; xem xét báo cáo của Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; báo cáo hoạt động của HĐND; xem xét 13 dự thảo nghị quyết của HĐND do Thường trực HĐND, UBND tỉnh trình tại kỳ họp. Đa phần các ý kiến đều đồng tình cao với các báo cáo của HĐND và UBND tỉnh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều vấn đề mà các đại biểu cho rằng còn vướng mắc cần tháo gỡ.
Trăn trở một số chỉ tiêu, vấn đề
Đại biểu Nguyễn Đình Phương băn khoăn về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016. Ảnh: Hồng Thi |
Ông Nguyễn Đình Phương-Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Ayun Pa đặt ra câu hỏi: Liệu chỉ tiêu về tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) phấn đấu trong năm 2016 là 7,5% có quá cao trong khi tốc độ tăng của trung ương đặt ra chưa đến 7%; đồng thời đại biểu Phương cũng đề nghị nên xây dựng chỉ tiêu này ở mức trên 6% đến dưới 7% là hợp lý. Giải trình thắc mắc này, đại biểu Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây là con số do Tổng Cục thống kê tính toán đưa ra trên cơ sở số liệu của tỉnh, sau khi đã trừ các khoản trùng lắp nên tương đối chính xác.
Một số đại biểu cho rằng, nền nông nghiệp tỉnh ta vẫn còn trì trệ, chủ yếu phụ thuộc thời tiết và dựa vào người nông dân là chính; thế nhưng trách nhiệm của ngành nông nghiệp lại chưa cao. “Nông dân làm được gì thì ngành nông nghiệp cho đó là thành tích của mình nhưng thất bại thì đổ cho cơ chế, thị trường, thiên tai, dịch bệnh mà không đưa ra được định hướng gì. Cây gì có giá thì người dân thi nhau trồng, ngành nông nghiệp hầu như đứng ngoài cuộc và chạy theo chưa có định hướng thể hiện vai trò đầu tàu, vai trò quyết định, vai trò tư vấn cho nông dân. Cuối cùng thì nông dân luôn gặp rất nhiều rủi ro. Tôi đề nghị ngành nông nghiệp phải giữ vai trò trọng tài, là trung tâm điều hành định hướng ở lĩnh vực này”- đại biểu Phạm Đình Thu (đơn vị An Khê) bức xúc.
Đại biểu Hồ Văn Niên phát biểu thảo luận. Ảnh: Hồng Thi |
Về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Hồ Văn Niên-Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Đak Pơ đã tỏ ra trăn trở về tính bền vững ở 25 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. “Tỉnh cần có kế hoạch rà soát, kiểm tra, giám sát các tiêu chí nông thôn mới ở các xã này ít nhất là trong 5 năm tới”-đại biểu Niên nói. Còn ông Phan Xuân Trường-Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Chư Pah thì băn khoăn: “Hiện có một số xã nông thôn mới thuộc TP. Pleiku và huyện Đak Đoa nhưng vẫn còn nợ tiêu chí. Vậy trong số này, liệu có bao nhiêu xã còn nợ tiêu chí?”
Tại các tổ thảo luận, đại biểu cũng phản ánh về việc thiếu trang-hiết bị y tế tại các bệnh viện tuyến tỉnh và khu vực An Khê, Ayun Pa (đặc biệt là máy chụp cắt lớp C.T Scanner) đã tạo ra không ít khó khăn cho công tác khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hầu hết các ca bệnh đều phải chuyển đến Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai hoặc Trung tâm Y tế TP. Pleiku. Qua đó, các đại biểu đề nghị tỉnh cần sớm đầu tư các thiết bị này.
Trong thời gian diễn ra kỳ họp, cử tri và nhân dân trong tỉnh có thể trực tiếp phản ánh ý kiến, kiến nghị của mình đối với Thường trực HĐND, UBND và các ngành thông qua số điện thoại đường dây nóng: 059.3600556. |
“Nóng” với trật tự an toàn xã hội
Tình hình an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội là vấn đề được nhiều đại biểu đem ra thảo luận tại kỳ họp lần này. Trong đó, nổi bật nhất là trong năm 2015, tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, tăng cả 3 chỉ số so với cùng kỳ năm 2014, với 208 vụ (tăng 36 vụ) làm chết 243 người (tăng 50 người), bị thương 161 người (tăng 42 người). Tai nạn giao thông liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 38,46% tổng số, đều gây hậu quả rất nghiêm trọng (trung bình gần 2 người chết và bị thương/vụ). Đại biểu Hồ Văn Niên cho rằng, trong vấn đề này, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền các cấp và người đứng đầu chưa cao; việc triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông tại nhiều địa phương, nhiều ngành chưa quyết liệt.
Vấn đề trật tự an toàn xã hội được nhiều đại biểu quan tâm. Ảnh: Minh Triều |
Đồng quan điểm, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Mang Yang-ông Lương Ngọc Thiệp nêu ý kiến: “Chúng ta chỉ tăng cường công tác triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nhưng chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền về an toàn giao thông dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật giao thông, nhất là trong lứa tuổi thanh thiếu niên, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có sự chuyển biến. Trong khi đó, hoạt động của Ban An toàn giao thông tỉnh trong 6 tháng cuối năm còn nhiều hạn chế và có phần lơ là”.
Cũng liên quan vấn đề trên, ông Hoàng Công Lự-Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Phú Thiện, nêu giải pháp: “Tỉnh ủy cần có nghị quyết về đảm bảo an ninh trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, cả hệ thồng chính trị phải có trách nhiệm vào cuộc. HĐND tỉnh cũng cần có nghị quyết chuyên đề, để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá trách nhiệm của các cấp, các ngành về vấn đề này”.
Ngoài ra, các đại biểu còn tỏ ra băn khoăn trước thực trạng tội phạm về trật tự xã hội diễn biến phức tạp, tăng cả về số vụ cũng như tính chất, hậu quả nghiêm trọng. Đáng chú ý là số vụ việc trong đồng bào dân tộc thiểu số tăng, xảy ra nhiều vụ giết người chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ, thiếu kiềm chế. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra, song sự xuống cấp của các giá trị đạo đức (nhất là một bộ phận thanh-thiếu niên) là nguyên nhân khiến đa số đại biểu cảm thấy lo ngại. Đại biểu Nay Hồng Tâm (đơn vị Ayun Pa) phân tích: “Tội phạm thanh-thiếu niên ngày càng có chiều hướng gia tăng trong khi ý thức lẫn đạo đức của một bộ phận này lại ngày càng xuống cấp là một vấn đề đáng báo động hiện nay. Động cơ phạm tội của các em phần nhiều xuất phát từ nghiện game online, trong đó có những trò đánh đấm, bạo lực. Ngoài vung tiền vào game, các em còn có xu hướng bắt chước theo các nhân vật trong trò chơi”. Trên cơ sở lập luận của mình, đại biểu Tâm cũng đề nghị tỉnh cần có giải pháp kiểm soát đối với game online; đồng thời ngành giáo dục, phụ nữ, thanh niên cần phối hợp với gia đình có phương án quản lý con em, học sinh, thanh niên của mình, góp phần hạn chế tội phạm thanh-thiếu niên trong những năm tới.
Ảnh: Minh Triều |
Bên cạnh đó, vấn nạn tự tử, tình trạng nghi ma lai-thuốc thư… trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng được đại biểu đưa ra thảo luận sôi nổi. Qua đó, các đại biểu đề nghị cần có giải pháp hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn, giải quyết triệt để thực trạng trên, góp phần đảm bảo an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội.
Ngày mai (10-12), kỳ họp thứ 11-HĐND tỉnh khóa X sẽ tiếp tục diễn ra với phần báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri của Thường trực HĐND tỉnh; UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết và trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri, của Thường trực HĐND, các Ban HĐND và Ủy ban MTTQ tỉnh tại kỳ họp. Vào chiều cùng ngày, HĐND tỉnh sẽ tiến hành miễn nhiệm và bầu bổ sung một số chức danh lãnh đạo trong Thường trực HĐND và UBND tỉnh. GLO sẽ thông tin chi tiết đến bạn đọc.
Hồng Thi-Minh Triều