Hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15-3)

Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tin cậy cho người tiêu dùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2024, công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (NTD) gắn với chủ đề “Thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn” nhằm nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tin cậy cho NTD.

Lan tỏa thông điệp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Ngày 15-3 hàng năm đã được công nhận là Ngày Quyền của NTD Việt Nam, nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi NTD, góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả NTD và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Năm 2024, công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tiếp tục gắn với chủ đề “Thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn”. Ảnh: V.T

Năm 2024, công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tiếp tục gắn với chủ đề “Thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn”. Ảnh: V.T

Năm 2024, công tác bảo vệ quyền lợi của NTD tiếp tục gắn với chủ đề “Thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn”. Với ý nghĩa đó, thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đề cao trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-chia sẻ: “Co.op Mart luôn đặt quyền lợi của NTD lên hàng đầu. Siêu thị kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tem nhãn mác đầy đủ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các tiêu chuẩn chứng nhận, niêm yết giá cho mỗi sản phẩm tại quầy kệ.

Chúng tôi có bộ phận kiểm soát chất lượng đầu vào và thường xuyên tăng tần suất kiểm soát trong vấn đề nhập hàng hóa trước khi đưa đến tay NTD. Đồng thời, tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng, chặt chẽ trong vấn đề giao nhận hàng, trưng bày hàng trên quầy kệ để kịp thời loại bỏ những sản phẩm không phù hợp. Nếu sản phẩm bị lỗi về mẫu mã, chất lượng thì khi khách hàng có phản ánh, góp ý, chúng tôi kiểm tra sản phẩm và phản hồi đến nhà sản xuất với mục tiêu đảm bảo quyền lợi của NTD”.

Bên cạnh niêm yết giá và bán đúng giá, tổ chức các hoạt động tri ân khách hàng, tư vấn, giải quyết khiếu nại của NTD, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh cũng xây dựng các kênh bán hàng hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bà Võ Thị Bình-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Đức Khang Gia Lai-cho biết: Hợp tác xã sản xuất các loại tinh dầu, dầu gội thảo dược, nước lau sàn… Vừa sản xuất vừa trực tiếp đưa sản phẩm đến tận tay NTD nên HTX luôn đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết.

Ngoài đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến để đưa sản phẩm tốt nhất đến tay NTD, HTX cũng chú trọng vấn đề minh bạch về thông tin, nguồn gốc sản phẩm thông qua việc xây dựng mã vạch, bao bì nhãn mác.

“Hiện nay, ngoài phân phối cho các đại lý, bán trực tiếp tại cửa hàng, HTX còn đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ khách hàng luôn được quan tâm nhằm đảm bảo quyền lợi cho NTD”-bà Bình nói.

Trò chuyện cùng P.V, bà Nguyễn Thị Hiền (tổ 2, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) cho hay: “Hiện nay, trên thị trường, hàng hóa rất đa dạng, phong phú với nhiều nhà sản xuất khác nhau. Vì vậy, để lựa chọn được sản phẩm tốt, chúng ta nên mua sản phẩm ở những nơi bán hàng uy tín, nói không với sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Trong quá trình sử dụng sản phẩm, nếu gặp vấn đề vướng mắc hay sự cố ngoài ý muốn thì nên có sự phản hồi để ngành chức năng, cơ quan bảo vệ quyền lợi NTD hỗ trợ giải quyết. Đây cũng là một trong những cách cùng chung tay vì một môi trường kinh doanh và tiêu dùng lành mạnh”.

Triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Ngày 26-1-2024, Sở Công thương đã ban hành Kế hoạch số 05/KH-SCT triển khai chương trình phát triển các hoạt động bảo quyền lợi NTD năm 2024. Theo đó, Sở tổ chức các hoạt động nhằm kêu gọi, khuyến khích, động viên sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và NTD trên địa bàn tỉnh vào các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD; góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh.

Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị và chính quyền các cấp trong công tác ngăn chặn vi phạm pháp luật về sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; từng bước đưa Ngày Quyền của NTD thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống xã hội.

Năm 2024, công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tiếp tục gắn với chủ đề “Thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn”. Ảnh: V.T

Năm 2024, công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tiếp tục gắn với chủ đề “Thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn”. Ảnh: V.T

Theo kế hoạch này, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ NTD và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tiếp tục được triển khai. Cùng với đó là triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 1122/KH-UBND ngày 15-5-2023 của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án chống hàng giả và bảo vệ NTD trong thương mại điện tử đến năm 2025; thông tin về những vụ việc, hàng hóa vi phạm và thủ đoạn vi phạm để NTD chủ động cảnh giác, bảo vệ quyền lợi của bản thân.

Điểm mới của công tác tuyên truyền năm nay là nhấn mạnh đến sự an toàn của NTD trong quá trình lựa chọn, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi của NTD trên môi trường trực tuyến.

Bên cạnh đó, xây dựng và ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD giữa các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi NTD.

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD số 19/2023/QH15 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024. Trong đó có một số quy định mới về đối tượng áp dụng như xác định rõ “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích tiêu dùng, sinh hoạt và không vì mục đích thương mại”.

Như vậy, chỉ cần mục đích mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ liên quan tới “mục đích thương mại”, chủ thể liên quan sẽ không được coi là NTD; bổ sung đối tượng người có ảnh hưởng là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể theo quy định của Chính phủ để qua đó xác định rõ trách nhiệm của những người này trong việc bảo vệ quyền lợi NTD.

Xác định rõ các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng để qua đó xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình thực hiện các giao dịch với NTD… Luật Bảo vệ quyền lợi NTD cũng bổ sung một số quyền mới của NTD, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với NTD.

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD xác định rõ các nhóm NTD dễ bị tổn thương (bao gồm người cao tuổi; người khuyết tật; trẻ em; người dân tộc thiểu số; người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người bị bệnh hiểm nghèo và thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật) để tăng cường bảo vệ quyền lợi NTD.

Cùng với đó, quy định trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó nổi bật là trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời, Luật cũng bổ sung một số hành vi bị cấm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh; tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số. Quy định bồi thường thiệt hại, phương thức giải quyết tranh chấp.

Tại Kế hoạch số 2950/KH-UBND ngày 26-10-2023 của UBND tỉnh về việc triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi NTD trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 1122/KH-UBND của UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án chống hàng giả và bảo vệ NTD trong thương mại điện tử đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh đều nhấn mạnh đến công tác bảo vệ NTD.

Không chỉ mang lại lợi ích tiêu dùng mà việc bảo vệ quyền lợi NTD còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh cho cá nhân, doanh nghiệp, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định.

Đặc biệt là việc nâng cao hiệu quả bảo vệ NTD trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin cho NTD trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, NTD, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững. Vì vậy, bảo vệ quyền lợi NTD không chỉ là trách nhiệm của riêng cơ quan quản lý nhà nước mà cần có sự chung tay góp sức, đồng hành của toàn xã hội.

Có thể bạn quan tâm

Rộn ràng chợ phiên Đăk Rơ Wa

Rộn ràng chợ phiên Đăk Rơ Wa

Đa dạng các sản phẩm cây nhà lá vườn đã được những người nông dân chất phác ở xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum đưa ra chợ phiên từ sáng thứ 7.

Kiểm soát hàng hóa qua sàn điện tử

Kiểm soát hàng hóa qua sàn điện tử

Một trong những nguyên nhân khiến lộ lọt thông tin từ camera an ninh của nhiều gia đình, mà Thanh Niên phản ánh trên số báo hôm nay, chính là mua phải hàng trôi nổi trên thị trường, trong đó số lượng không nhỏ đến từ các sàn thương mại điện tử đang bùng nổ mạnh mẽ tại VN.

Sản phẩm đặc trưng địa phương sẵn sàng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Sản phẩm đặc trưng địa phương sẵn sàng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 diễn ra từ ngày 6 đến 12-11 tại khu vực sân nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Ngoài hoạt động văn hóa-thể thao đặc sắc, sự kiện này còn là dịp để quảng bá các mặt hàng truyền thống của địa phương.