(GLO)- Chiều 1-4, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị trực tuyến với các sở, ngành, địa phương để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác quý I-2022 và triển khai nhiệm vụ công tác quý II-2022.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu trung tâm có đại diện lãnh đạo HĐND, các sở, ban, ngành và UBND TP. Pleiku.
Nóng vấn đề “sốt" đất
Quý I-2022, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành của UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ và các đoàn thể cùng sự đồng lòng ủng hộ, nỗ lực của người dân, doanh nghiệp, Gia Lai cơ bản thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.
Kết thúc vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 77.000 ha (đạt 102,1% so với kế hoạch, bằng 110,7% so với cùng kỳ năm 2021). Tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát, nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là chăn nuôi đang tạo được sức hút với các nhà đầu tư.
Trong quý I-2022, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt trên 6.200 tỷ đồng (tăng 16,36% so với cùng kỳ năm 2021); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 18.000 tỷ đồng (tăng 2,86%); kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD (đạt 30,3% kế hoạch, tăng 25%). Thu ngân sách ước đạt trên 1.637 tỷ đồng (bằng 30,2% dự toán trung ương giao, bằng 28,1% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 8,9% so với cùng kỳ). Toàn tỉnh có 230 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 2.507 tỷ đồng. Cùng với đó, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát; các lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm, an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng tốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến. Ảnh: Minh Nguyễn |
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, các sở, ngành, địa phương cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, tồn tại. Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku Võ Phúc Ánh thời gian qua, các giao dịch đất đai, mua bán, sang nhượng trên địa bàn diễn ra rất sôi động, nhất là ở các xã, phường vùng ven như: Biển Hồ, Tân Sơn, Trà Đa và phường Yến Thế, Chi Lăng. Điều này có thể thấy được qua việc đấu giá 181 lô đất mới đây. Giá khởi điểm ban đầu chỉ 104 tỷ đồng, đến khi đấu giá tăng lên 214 tỷ đồng (tăng 109 tỷ đồng so với giá ban đầu). “Đặc biệt, đợt đấu giá đất tại phường Chi Lăng mới đây, giá tăng đột biến. Cụ thể, giá khởi điểm 104 lô đất đưa ra chỉ 21 tỷ đồng, đấu giá thành là 101 tỷ đồng (tăng 79,4 tỷ đồng và gấp 4,6 lần giá khởi điểm). Đáng chú ý, trên 60% số người trúng đấu giá đều là người ngoài tỉnh như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Trước tình trạng này, Sở Tài chính đã mời các sở, ngành liên quan cùng TP. Pleiku họp bàn các giải pháp kiểm tra. Riêng UBND TP. Pleiku đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát lại việc đấu giá này và tiếp tục rà soát, phối hợp sở, ngành đề xuất giải pháp chấn chỉnh”-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku nêu thực trạng.
Thông tin về vấn đề này, ông Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết: Trong quý I-2022 trên địa bàn tỉnh nổi lên vấn đề phân lô, tách thửa. Qua theo dõi tình hình, tình trạng phân lô, tách thửa, san ủi mặt bằng đầu tư hạ tầng giao thông không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Một số tổ chức, cá nhân thu gom đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa rồi thông tin những dự án đầu tư sắp triển khai ở đó để thổi giá đất lên, thu lợi bất chính.
“Sau khi nắm tình hình, Sở đã có văn bản gửi các địa phương tăng cường công tác quản lý đất đai, tránh việc phân lô, tách thửa; đồng thời yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai khi giải quyết hồ sơ tách thửa phải đảm bảo đúng quy định, những trường hợp bất thường phải báo cáo để kịp thời chấn chỉnh. Đối với các địa phương, Sở cũng đề nghị tăng cường công tác quản lý và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý đất đai, nhất là ở khu đô thị, khu dân cư; chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn và công khai các quy hoạch cho người dân được biết”-ông Du nêu giải pháp.
Ông Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin về tình trạng phân lô, tách thửa đất nông nghiệp, thổi giá đất lên cao để đầu tư trục lợi. Ảnh: Minh Nguyễn |
Chỉ đạo trực tiếp vấn đề này ngay tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng: Đây là tiền lệ nguy hiểm. Vì thế, các sở ngành, địa phương liên quan cần có đánh giá cụ thể; đồng thời, thường xuyên theo dõi, đề xuất phương án xử lý kịp thời, không để xảy ra hệ lụy lớn về sau. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc trục lợi thông qua thổi giá đất là đầu cơ bất hợp pháp, gây lũng đoạn thị trường đất đai trên địa bàn tỉnh. Việc này vô tình đưa giá đất tăng ảo, tác động đến các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa của tỉnh cũng như ở các địa phương. Do vậy, các sở, ngành, địa phương cần lưu ý ngăn chặn việc phân lô, tách thửa đối với đất nông nghiệp.
Tăng tốc ngay trong quý II
Tính đến ngày 30-3-2022, toàn tỉnh mới giải ngân được 240,8 tỷ đồng trên tổng nguồn vốn hơn 3.484 tỷ đồng (đạt 6,91%). Ngoài ra, đối với vốn đầu tư công năm 2021 (kể cả vốn kéo dài), tính đến cuối tháng 1-2022, mới chỉ giải ngân được 84,56%, vẫn còn 580 tỷ đồng chưa được giải ngân. Thông tin về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế cho biết: Thời điểm hiện nay, hầu hết các công trình khởi công mới năm 2022 đang triển khai ở bước thủ tục (khảo sát thiết kế, lập dự toán hoặc tổ chức đấu thầu thi công, cung cấp thiết bị); một số công trình đã thiết kế xong, chờ điều chỉnh giá vật liệu xây dựng và giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%. Đặc biệt, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn chậm; đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa hoàn thành, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình, tiến độ giải ngân vốn.
“Thời gian tới, Sở sẽ tích cực đôn đốc các Ban Quản lý dự án và chủ đầu tư triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 được UBND tỉnh giao; đồng thời lập kế hoạch, lộ trình, thứ tự ưu tiên để triển khai các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng; đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, khẩn trương triển khai công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn cho các nhà thầu; thực hiện thanh toán ngay khi có khối lượng nghiệm thu, không chờ đến giữa năm hoặc cuối năm mới thực hiện thanh toán”-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu giải pháp.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế nêu một số giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian đến. Ảnh: Minh Nguyễn |
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ cũng làm cho tổng thu ngân sách của tỉnh ước giảm 620 tỷ đồng. Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng cho hay: Đây là nhiệm vụ nặng nề nhất trong việc đảm bảo dự toán thu ngân sách năm 2022. Do vậy, Sở Tài chính đề xuất các giải pháp như: Thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm thuế của Chính phủ để các tổ chức, cá nhân có điều kiện phục hồi kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng, giải quyết vấn đề an sinh-xã hội gắn với việc tạo ra nguồn thu ổn định cho ngân sách. Ngành Thuế tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng thu ngân sách; đồng thời, rà soát tất cả các khoản thu và khai thác có hiệu quả các nguồn thu phát sinh trên địa bàn; tập trung triển khai thu hút đầu tư đạt được kế hoạch thu tiền sử dụng đất trên 846 tỷ đồng. Cùng với đó, tập trung giải ngân vốn để các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án đưa vào sử dụng, có điều kiện khôi phục kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng, dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác trong quý I-2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục như: tăng trưởng kinh tế mới chỉ đạt khoảng 7,08%; kỷ cương công tác một số ngành, địa phương chưa cao; tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí; các vụ đuối nước tăng. Cùng với đó, công tác quản lý đất đai nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, giải ngân vốn đầu tư công chậm; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư chưa đạt yêu cầu; một số địa phương tiến độ bao phủ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 còn thấp...
Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tập trung xây dựng các giải pháp để giải quyết những tồn tại này, từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. “Trong quý II, các ngành khẩn trương tham mưu thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ngay trong tháng 4; đồng thời sớm hoàn thiện kế hoạch sử dụng đất để các doanh nghiệp triển khai trồng rừng. Thực hiện ngay các giải pháp thực hiện nghị quyết, quyết định của Chính phủ về hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để đẩy nhanh quá trình phục hồi-phát triển kinh tế. Giảm bớt gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp sẽ là điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh; từ đó, sẽ có được nguồn thu để bù vào các khoản hụt thu vì thực hiện các chính sách miễn, giảm. Kích cầu dịch vụ, du lịch để phát triển. Đẩy mạnh các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, làm tốt công tác giải ngân và phải làm nhanh, cải tiến triệt để hơn nữa để triển khai các thủ tục đầu tư”-Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo.
MINH NGUYỄN