Tăng tốc giải ngân vốn Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi nhằm mục đích làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Hiện tỉnh Gia Lai đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cũng như giải ngân nguồn vốn chương trình này.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, tổng vốn ngân sách nhà nước phân bổ cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là 1.397,21 tỷ đồng. Trong đó, vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 426,146 tỷ đồng; vốn năm 2023 là 971,064 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương 884,901 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 88,875 tỷ đồng). Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển là 416,17 tỷ đồng (ngân sách trung ương 380,452 tỷ đồng, ngân sách địa phương 35,718 tỷ đồng), kế hoạch vốn đã giải ngân tính đến giữa tháng 9-2023 là 57,7 tỷ đồng, đạt 13,77% kế hoạch; vốn sự nghiệp là 554,894 tỷ đồng (ngân sách trung ương 504,449 tỷ đồng, ngân sách địa phương 50,455 tỷ đồng), đã giải ngân tính đến giữa tháng 9-2023 là 51,9 tỷ đồng, đạt 9,35% kế hoạch.

Chương trình thực hiện trên địa bàn tỉnh bao gồm 27 nhiệm vụ với 3 dự án, 8 tiểu dự án và 16 nội dung được tách riêng. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân của chương trình vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi.

Ông Kpă Đô-Trưởng ban Dân tộc tỉnh-cho biết: “Đến tháng 8-2023, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tài chính mới ban hành các thông tư sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn cho các chương trình. Sau đó, các sở, ngành mới hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định dẫn đến việc giải ngân vốn bị chậm”.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn. Ảnh: Hà Duy

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn. Ảnh: Hà Duy

Cụ thể, đối với Dự án 1 về hỗ trợ nhà ở, do nguồn ngân sách tỉnh chậm cấp để thanh toán nợ đối với các hộ dân đã được phê duyệt năm 2022 nên một số chủ đầu tư chậm triển khai trong năm 2023. Mặt khác, nhiều hộ dân được thụ hưởng từ dự án chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nên không thể đăng ký xây dựng nhà ở. Hơn nữa, hầu hết cán bộ xã, ban quản lý xã, ban phát triển thôn không có chuyên môn nên công tác lập hồ sơ gặp rất nhiều khó khăn. Về thủ tục đất đai, các hộ dân chưa đăng ký kế hoạch sử dụng đất năm 2023 nên gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn.

Đối với Dự án 2, đến giữa tháng 9-2023, 4 tiểu dự án đã có quyết định đầu tư gồm: Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư khu vực biên giới xã Ia O (huyện Ia Grai); Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư các làng Tăng Lăng, Hro, Sơ Lam, Klếch (xã Krong, huyện Kbang); Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện); Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Le 2 (xã Ia Lang, huyện Đức Cơ). Bên cạnh đó, 4 dự án đã trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi gồm: Dự án sắp xếp, bố trí ổn định các hộ DTTS du canh, du cư buôn Ma Giai (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa); Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Pờ Yầu, Đê Bơ Tơk, Đê Kôn (thuộc các xã Lơ Pang, Đak Jơ Ta, Hà Ra, huyện Mang Yang); Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư xã Pờ Tó (huyện Ia Pa); Dự án sắp xếp, ổn định dân cư làng Phung, thôn Piơr 1 (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông).

Ngoài ra, Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư xã Hà Đông (huyện Đak Đoa); Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Díp (xã Ia Kreng, huyện Chư Păh); Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư khu vực biên giới xã Ia Púch (huyện Chư Prông) đang thực hiện bước lập quy hoạch chi tiết. “Nguyên nhân là do một số dự án chưa phê duyệt quy hoạch chung cấp xã nên chưa lập quy hoạch chi tiết; vướng mắc do đền bù giải phóng mặt bằng và công tác quy hoạch sử dụng đất. Sau khi phê duyệt quy hoạch mới tổ chức lập dự án (thiết kế 2 bước mất trung bình 3 tháng), vì vậy, các dự án chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra”-ông Nguyễn Hữu Nguyên-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết.

Một số tiểu dự án trong chương trình cũng đang khó khăn, vướng mắc như: Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5 chưa được phân bổ kinh phí chi tiền công đối với người tình nguyện tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ từ nguồn ngân sách địa phương; Dự án 6 phải chờ UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025 để địa phương có cơ sở điều chỉnh phân bổ kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 phù hợp.

Thành phố Pleiku tổ chức lớp xóa mù chữ ban đêm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: H.D

Thành phố Pleiku tổ chức lớp xóa mù chữ ban đêm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: H.D

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, ngày 20-10-2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 62/2023/NQ-HĐND quy định mức chi ngân sách. Cụ thể, định mức chi ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện không quá 2 tỷ đồng/dự án, kế hoạch phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị do cấp tỉnh phê duyệt; không quá 1,5 tỷ đồng/dự án, kế hoạch liên kết do cấp huyện phê duyệt; không quá 500 triệu đồng/dự án, phương án sản xuất, dịch vụ của cộng đồng.

Tại hội nghị chuyên đề đánh giá việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn được giao, đặc biệt là kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023; kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, xem đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương hỗ trợ nhà ở cho dân; bố trí ngân sách địa phương thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ được hỗ trợ nhằm đảm bảo đời sống cho người dân.

Có thể bạn quan tâm

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

(GLO)- Sáng 11-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bước vào ngày làm việc cuối cùng với phần chất vấn và trả lời chất vấn; đồng thời, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 40 nghị quyết quan trọng.