Tăng thu nhập nhờ xen canh sầu riêng với cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ chủ động trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê, ông Siu Plô (làng A Mơng, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah, Gia Lai) đã trở thành người Jrai đầu tiên của xã áp dụng thành công mô hình trồng xen canh cho thu nhập cao, được bà con mạnh dạn học hỏi và làm theo.

Năm 2010, ông Siu Plô đã chủ động tìm mua hơn 100 cây giống sầu riêng cơm vàng hạt lép RI6, sầu riêng Thái Lan về trồng xen trong vườn cà phê rộng hơn 2 ha. Sau 5 năm, vườn sầu riêng bắt đầu cho trái bói và đến năm thứ 7 thì chính thức bước vào giai đoạn kinh doanh. So với một số loại cây trồng khác thì trồng sầu riêng nhàn hơn vì tốn ít chi phí đầu tư lẫn công chăm sóc. Theo tính toán của ông Siu Plô, trồng sầu riêng một năm chỉ tốn 2 đợt nước tưới và 1 đợt bón phân bò, ngoài ra ông không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào.

 

Ông Siu Plo trong vườn cà phê trồng xen sầu riêng của mình. Ảnh: S.C
Ông Siu Plo trong vườn cà phê trồng xen sầu riêng của mình. Ảnh: S.C

Do vậy, sầu riêng trong vườn đậu quả lúc nhiều, lúc ít, quả to, quả nhỏ không đều nhau nhưng chất lượng, hương vị lại rất ngon. Khi hơn 100 cây trong vườn bước vào giai đoạn kinh doanh, bình quân mỗi cây cho 15-30 quả/mùa, trọng lượng trung bình 2-4 kg/quả, thậm chí có quả đạt tới 8-9 kg thì thương lái trong vùng đã tìm đến hỏi mua với giá 30.000-50.000 đồng/kg.

Qua gần 3 mùa thu hoạch, sầu riêng khá ổn định về giá lẫn đầu ra. Chỉ riêng năm 2017, sầu riêng được mùa, sai quả nên gia đình ông thu về hơn trăm triệu đồng. Từ ngày có thêm nguồn thu nhập từ sầu riêng, gia đình ông mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng để mua đất mở rộng vườn cây, sửa sang lại nhà cửa. Là một người Jrai cấp tiến, gương mẫu và đã được UBND xã biểu dương vì đã có thành tích trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi (giai đoạn 2012-2017), ông Plô không bao giờ mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà luôn ở tâm thế chủ động. Ông Plô bộc bạch: “Trồng sầu riêng phải hơn 5 năm mới có thu nên tôi phải chủ động tính toán nguồn khác để đầu tư chi phí sản xuất, sinh hoạt trong gia đình. Mặc dù sầu riêng đã bước vào giai đoạn kinh doanh nhưng tôi vẫn tiếp tục duy trì hơn 2 ha cà phê, trồng thêm bơ booth và 100 cây sầu riêng. Lỡ cây này xuống giá thì còn có cây kia hỗ trợ nên yên tâm hơn” .

Hiện nay, tổng diện tích cây trồng của xã Ia Mơ Nông xấp xỉ 1.600 ha. Bên cạnh các loại cây trồng chính như: lúa nước, lúa cạn, bắp, đậu, cà phê, cao su tiểu điền, bời lời, hồ tiêu, chanh dây, điều... người dân trong xã đã mạnh dạn học theo ông Siu Plô phát triển cây ăn quả xen canh cà phê, nâng tổng diện tích cây trồng này lên xấp xỉ 10 ha.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

(GLO)- Hiện nay, một số vùng trọng điểm lúa nước của tỉnh Gia Lai đang thu hoạch lúa trà sớm vụ Đông Xuân 2024-2025. Tuy nhiên, một số vùng bị ảnh hưởng của thời tiết nên bước vào thu hoạch năng suất giảm. Hơn nữa, giá lúa Đông Xuân cũng giảm, nông dân thu lợi nhuận không cao so với năm trước.

Các thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại nhiều điểm bán hàng OCOP. Ảnh: V.T

Xây dựng thương hiệu: Đòn bẩy để nông sản vươn xa

(GLO)- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một bước quan trọng trong phát triển bền vững và là đòn bẩy để nông sản vươn xa. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Vũ Thảo

Niên vụ hồ tiêu 2024-2025: Niềm vui chưa trọn

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024-2025. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là giai đoạn cây ra hoa gặp không khí lạnh kéo dài dẫn đến năng suất giảm 20-30% so với vụ trước.