Tận tâm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bằng trái tim yêu nghề, mến trò và tinh thần trách nhiệm, những năm qua, đội ngũ nhà giáo đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh nhà. Công tác chăm lo cho đội ngũ này cũng được các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm, qua đó, tiếp thêm động lực để các thầy-cô giáo tiếp tục bám lớp, tận tâm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Những cống hiến lặng thầm

Từ quy mô nhỏ bé ban đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách phải đối mặt, hiện nay, ngành Giáo dục Gia Lai đã có sự phát triển đáng ghi nhận. Hệ thống trường lớp không ngừng mở rộng, số lượng học sinh tăng nhanh. Chất lượng giáo dục đại trà lẫn mũi nhọn dần được nâng lên, tạo được dấu ấn ở khu vực Tây Nguyên cũng như trên cả nước.

Thầy Vũ Văn Tùng-giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện ia Pa) được tuyên dương tại Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023. Ảnh NVCC

Thầy Vũ Văn Tùng-giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện ia Pa) được tuyên dương tại Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023. Ảnh NVCC

Năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT là 97,79%; 14 trường có 100% học sinh lớp 12 “vượt vũ môn” thành công. Tại kỳ thi học sinh giỏi các cấp, tỉnh cũng có nhiều học sinh đạt giải. Cụ thể: 332 em đạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh; 122 em đạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp tỉnh bảng A và 416 em đạt giải ở bảng B; 23/58 học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia THPT (1 giải nhất, 4 giải nhì, 11 giải ba, 7 giải khuyến khích). Bên cạnh đó, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học có 38 dự án xuất sắc được trao giải; 2 dự án được chọn đại diện tỉnh tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia có 1 dự án đạt giải nhì. Ngoài ra, Gia Lai còn có 1 dự án đạt giải nhì tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” và Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V.

Bước vào năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 757 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông với 418.185 học sinh/12.265 lớp. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp đạt 93,25%, bậc tiểu học đạt 99,9%, THCS đạt 96%, THPT đạt 63%. Chất lượng dạy và học tiếp tục được cải thiện; toàn tỉnh có 63,4% trường học đạt chuẩn quốc gia. Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức thành công kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp tỉnh (bảng A) với 153 học sinh đạt giải; đồng thời, chọn ra 9 đội tuyển để bồi dưỡng, chuẩn bị cho kỳ thi cấp quốc gia.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định, cùng với sự phát triển của nền giáo dục tỉnh nhà, đội ngũ nhà giáo cũng ngày càng lớn mạnh. Từ vài trăm người sau ngày giải phóng, đến nay, toàn tỉnh đã có trên 21.500 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Chất lượng đội ngũ dần được nâng lên, chuẩn hóa về trình độ chuyên môn với 4 tiến sĩ và hơn 700 thạc sĩ. “Thành tích mà ngành Giáo dục tỉnh đã đạt được trong 41 năm qua là kết quả của sự chung sức, đồng lòng của toàn ngành; trong đó có sự hy sinh thầm lặng, kiên trì bám lớp của biết bao thầy-cô giáo ở những buôn làng xa xôi. Những giọt mồ hôi mà các thầy cô đổ xuống đã giúp cho thế hệ trẻ tỉnh nhà hoàn thiện tâm hồn, thể lực, trí tuệ và vững tin mở cánh cửa bước vào tương lai”-Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.

Cô Nguyễn Thị Như Yến (giáo viên Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn, xã Yang Trung, huyện Kông Chro) hướng dẫn học sinh làm bài tập. Ảnh: M.T

Cô Nguyễn Thị Như Yến (giáo viên Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn, xã Yang Trung, huyện Kông Chro) hướng dẫn học sinh làm bài tập. Ảnh: M.T

Là một trong những nhân vật của VTV trong chương trình truyền hình trực tiếp “Thay lời tri ân” 2023 nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vào tối qua (19-11), cô Nguyễn Thị Như Yến-giáo viên Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn (xã Yang Trung, huyện Kông Chro) đã mang đến cho khán giả cả nước câu chuyện đầy cảm xúc. Với ước mong “thắp sáng” tương lai cho học trò vùng khó, suốt 16 năm trong hành trình 23 năm gắn bó với nghề, cô Yến đã đưa những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc chưa thông thạo tiếng Việt về nhà dạy dỗ và nuôi ăn ở miễn phí trong suốt thời gian kèm cặp. Nhờ sự tận tâm của cô, nhiều học sinh, nhất là các em học sinh dân tộc Bahnar đã từng ngày tiến bộ, đọc thông, viết thạo và tự tin theo đuổi giấc mơ con chữ.

“Tôi nghĩ rằng, việc làm của mình chẳng là gì so với sự hy sinh của nhiều giáo viên khác ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, tôi cảm thấy may mắn và vinh dự khi được chọn tham gia chương trình để chia sẻ về nghề. Càng vui hơn khi đi cùng tôi còn có cô giáo Đinh Thị Anenh-người từng là học trò của tôi, hiện công tác tại Trường Tiểu học và THCS Lê Lợi (xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro). Đây là minh chứng cho sự “truyền lửa” nghề cũng là nguồn động viên, khích lệ to lớn để chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng học sinh vùng khó hướng đến một tương lai tươi sáng hơn”-cô Yến chia sẻ.

Trước đó, 11 tập thể và 90 cá nhân thuộc ngành Giáo dục tỉnh cũng đã nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vì có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2022-2023; trong đó có tập thể Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Cô Bùi Thị Phương Hoa-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định đối với chất lượng, mọi thắng lợi của nhà trường. Vào đầu mỗi năm học, cán bộ, giáo viên đều đăng ký danh hiệu thi đua, tuần dạy tốt, giờ dạy tốt. Việc nghiên cứu, viết sáng kiến kinh nghiệm phục vụ công tác giảng dạy hàng năm cũng được thầy cô nhiệt tình hưởng ứng; có nhiều sáng kiến đạt chất lượng cao, được phổ biến, áp dụng rộng rãi trong thành phố và toàn ngành. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên còn không ngừng tự trau dồi, nâng cao nghiệp vụ và học hỏi lẫn nhau để đáp ứng với yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với bối cảnh địa phương. Đến nay, 100% giáo viên của trường có trình độ đạt chuẩn, trình độ tin học ứng dụng chiếm 95%.

Một giờ lên lớp của cô Phan Thị Khánh (Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Chí Thanh, xã Ia Bă, huyện Ia Grai)-1 trong 2 giáo viên của tỉnh Gia Lai được Bộ GD-ĐT tuyên dương nhà giáo tiêu biểu năm 2023. Ảnh: M.T

Một giờ lên lớp của cô Phan Thị Khánh (Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Chí Thanh, xã Ia Bă, huyện Ia Grai)-1 trong 2 giáo viên của tỉnh Gia Lai được Bộ GD-ĐT tuyên dương nhà giáo tiêu biểu năm 2023. Ảnh: M.T

Tiếp tục chăm lo đội ngũ nhà giáo

Bên cạnh phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, thời gian qua, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh còn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, giáo viên, người lao động bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo để đội ngũ của ngành yên tâm công tác, tiếp tục thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài”.

Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thái Văn Hùng cho hay: Hiện Công đoàn ngành đang quản lý 56 Công đoàn cơ sở với 3.025 đoàn viên. Những năm qua, Công đoàn ngành tập trung chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, đặc biệt là các nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, bị bệnh hiểm nghèo; đồng thời, không ngừng cải thiện đời sống tinh thần cho đoàn viên, người lao động bằng nhiều phong trào, hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao. Công đoàn ngành cũng phối hợp, giám sát, đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện đúng, đủ, kịp thời chế độ chính sách, tiền lương, phụ cấp và các khoản phúc lợi đối với nhà giáo, người lao động.

Trong năm 2023, Công đoàn ngành Giáo dục đã thăm hỏi, hỗ trợ cho 10 nhà giáo, người lao động khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán; phối hợp với Sở GD-ĐT vận động, giúp đỡ 1 gia đình giáo viên của Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Đak Đoa) bị bệnh hiểm nghèo với số tiền hơn 70 triệu đồng; đề nghị hỗ trợ nhà “Mái ấm Công đoàn” cho 1 đoàn viên thuộc Công đoàn cơ sở Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Phú Thiện) với số tiền 50 triệu đồng.

Ông Thái Văn Hùng-Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh thăm, tặng quà đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán. Ảnh Mộc Trà

Ông Thái Văn Hùng-Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh thăm, tặng quà đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán. Ảnh Mộc Trà

Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT, từ năm 2022 đến nay, toàn ngành có 37 tập thể, 179 cá nhân được tôn vinh vì đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập; có thành tích nổi bật, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trước thềm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Gia Lai có 3 giáo viên tiêu biểu được vinh danh tại các hoạt động tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Cô Rah Lan H'Hen-nhân viên Văn thư Trường THPT Võ Văn Kiệt-bày tỏ: “Tôi công tác trong ngành Giáo dục đã hơn 10 năm. Sau khi ly hôn, tôi cùng 2 con nhỏ đến sống nhờ ở nhà bố mẹ đẻ tại buôn Rưng Ma Đoan, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên dù được bố mẹ cho lô đất để xây nhà ở riêng nhưng tôi chưa đủ tiền xây dựng. Vừa qua, được Công đoàn nhà trường, Công đoàn ngành xem xét đề nghị Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, tôi xúc động và biết ơn lắm. Đây là món quà có ý nghĩa vô cùng thiết thực đối với mẹ con tôi”.

Trước thực trạng thiếu giáo viên và nhân viên như hiện nay, ngành Giáo dục tỉnh cũng đề ra nhiều giải pháp để vừa duy trì chất lượng dạy học, vừa đảm bảo không gây nhiều áp lực cho giáo viên, nhân viên. Điển hình như: thực hiện việc dồn ghép học sinh/lớp đạt đến mức tối đa; dồn ghép các điểm trường phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; tiếp tục rà soát, sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ, hình thành trường có nhiều cấp học; sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm biên chế được giao và bố trí nhân lực đảm bảo đủ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình.

“Đến thời điểm hiện tại, Sở GD-ĐT và 10 huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyển dụng được 580 giáo viên cho năm học 2023-2024. Trong đó, ưu tiên tuyển giáo viên các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và cho các trường ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, tại kỳ họp lần thứ 14 HĐND tỉnh vào tháng 10 vừa qua, ngành Giáo dục đã được giao 1.244 chỉ tiêu giáo viên. Thời gian tới, Sở GD-ĐT và UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ tiếp tục tuyển dụng hết chỉ tiêu số lượng người làm việc được giao để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao”-Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.