Tàn phá thiên nhiên và cái giá phải trả: Gây bức xúc từ đầu nguồn tới hạ du

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không phủ nhận những mặt tích cực mà các công trình thủy điện mang lại. Tuy nhiên, việc một khúc sông ngắn mà phải gánh đến hơn chục thủy điện thì không môi trường tự nhiên nào chịu nổi


Dù chưa được đánh giá tác động cũng như ảnh hưởng của việc phá rừng làm thủy điện nhưng trên thực tế, những năm gần đây, khi các tỉnh miền Trung triển khai xây dựng hàng loạt thủy điện thì diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp lại, đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Sông Kôn oằn mình "cõng" thủy điện

Bắt nguồn từ nơi giáp ranh giữa 2 huyện Kon Plông và KBang, tỉnh Gia Lai chảy về các địa phương đồng bằng tỉnh Bình Định, sông Kôn có chiều dài hơn 170 km. Nhằm "tận thu" lợi thế dòng chảy bậc thang của thượng nguồn sông Kôn, những năm qua, Bộ Công Thương đã quy hoạch trên dòng sông này 14 nhà máy thủy điện với tổng công suất lắp máy 312,1 MW. Trong đó, đoạn sông Kôn qua địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định có đến 11 nhà máy.

Khởi đầu hàng loạt dự án thủy điện trên sông Kôn đi qua huyện Vĩnh Thạnh là Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn, công suất 66 MW, được xây dựng và đi vào vận hành từ tháng 12-2004. Tiếp đến là Nhà máy Thủy điện Định Bình, công suất 9,9 MW. Năm 2015, trên sông Kôn tiếp tục có 4 thủy điện vận hành phát điện, gồm Trà Xom (20 MW), Vĩnh Sơn 5 (28 MW), Tiên Thuận (9,5 MW) và Văn Phong (6 MW). Bên cạnh đó, hiện có một số dự án thủy điện trong quy hoạch đang và chuẩn bị được triển khai thi công là: Vĩnh Sơn 2, Ken Lút Hạ, Vĩnh Sơn 3, Vĩnh Sơn 4...

Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân bị cuốn trôi từ khi thủy điện Tiên Thuận trên sông Kôn (Vĩnh Thạnh, Bình Định) đi vào hoạt động Ảnh: ANH TÚ
Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân bị cuốn trôi từ khi thủy điện Tiên Thuận trên sông Kôn (Vĩnh Thạnh, Bình Định) đi vào hoạt động Ảnh: ANH TÚ


Vĩnh Thạnh có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Bình Định với hơn 32.400 ha, chiếm 45% trong tổng số 72.000 ha diện tích tự nhiên của huyện này. Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, phần lớn diện tích rừng ở Vĩnh Thạnh là rừng già đầu nguồn, rừng nguyên sinh, được bảo vệ nghiêm ngặt lâu nay. Thế nhưng, từ khi các công trình thủy điện xây dựng ồ ạt, dòng sông Kôn bị biến dạng, nhiều cánh rừng già đầu nguồn dần bị xóa sổ, hàng ngàn người phải rời khỏi không gian sống bao đời của họ.

Cụ thể, thủy điện Trà Xôm chiếm mất hơn 633 ha rừng phòng hộ, thủy điện Nước Trinh 1 và 2 sẽ lấy mất 20 ha rừng phòng hộ, thủy điện Đắc Blê mất 30 ha rừng phòng hộ. Riêng dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2 cũng sẽ làm mất đi hàng trăm hecta rừng nguyên sinh vùng giáp ranh tỉnh Gia Lai…

Địa phương có thủy điện nhiều nhất nước

Tỉnh Quảng Nam là địa phương có số thủy điện nhiều nhất nước với 43 công trình lớn nhỏ. Trong đó, có 10 dự án thủy điện bậc thang với tổng công suất 1.156 MW, điện lượng bình quân 4.444,52 triệu KWh/năm được Bộ Công Thương phê duyệt. Số còn lại là những thủy điện vừa và nhỏ được chính quyền tỉnh Quảng Nam cấp phép xây dựng. Không thể phủ nhận các thủy điện ở tỉnh Quảng Nam đã góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giúp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, để hàng chục nhà máy thủy điện mọc lên thì đã có hàng ngàn hecta rừng bị đốn hạ hoặc bị dòng nước lòng hồ nhấn chìm.

Dù sở hữu số thủy điện nhiều nhất nước nhưng dường như tỉnh Quảng Nam vẫn chưa muốn dừng lại. Năm 2017, các địa phương trong tỉnh Quảng Nam đề nghị bổ sung tới 18 dự án thủy điện với tổng công suất 231,1 MW vào quy hoạch. Qua xem xét, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định bổ sung 4 dự án thủy điện, gồm Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah và Trà Leng để làm trước. Đề nghị này sau đó đã được HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua và hiện các thủy điện này đang được triển khai xây dựng. Theo tính toán, tổng diện tích lấn chiếm đất của 4 thủy điện này là 144,27 ha, trong đó đất lâm nghiệp 60,1 ha. Mới đây, ngày 30-7, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc quyết định chủ trương đầu tư đối với thủy điện A Vương 4.

Nhiều hệ lụy

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Định, thời gian qua, các nhà máy thủy điện trên sông Kôn đi vào hoạt động đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp, đồng thời tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Bên cạnh đó, hạ tầng kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn các xã có dự án thủy điện được cải thiện…

Dù vậy, thực tế cho thấy sau hơn 15 năm kể từ khi địa phương có nhà máy thủy điện đi vào hoạt động (hiện có 11 nhà máy thủy điện), huyện Vĩnh Thạnh vẫn là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Bình Định và là một trong 62 huyện nghèo nhất nước - theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Theo một lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh, không phủ nhận những mặt tích cực mà các công trình thủy điện mang lại, song một khúc sông ngắn mà phải gánh đến hơn chục thủy điện thì không ổn.

Việc quy hoạch và xây dựng nhiều nhà máy thủy điện trên dòng sông Kôn không chỉ gây bức xúc cho người dân đầu nguồn mà còn khiến cho người dân ở hạ du sông Kôn thuộc các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, Phù Cát nơm nớp lo sợ khi mùa mưa lũ đến.

Đã có hàng ngàn hộ dân phải di dời đến nơi khác để nhường đất cho thủy điện, nhiều hộ dân sống bất an vì động đất, hàng chục ngàn hộ dân dưới hạ du luôn lo lắng khi mùa mưa lũ tới. Chưa kể tình trạng khô hạn, lũ lụt cũng xảy ra một cách bất thường và khó lường từ khi rừng ngã xuống cho thủy điện mọc lên.

Theo Báo cáo số 356/BC-BCT ngày 8-5-2013 của Bộ Công Thương, tới năm 2013, số thủy điện nằm trong các quy hoạch trên cả nước còn lại 899 dự án, trong đó 260 dự án đã vận hành khai thác, 211 dự án đang thi công.

Với 57 dự án thủy điện lớn hơn 50 MW, đã phải tái định cư 46.000 hộ dân, thu hồi khoảng 133.931 ha đất các loại.

Cũng trong năm 2013, theo Báo cáo số 1206/BNN-TCTL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2012, cả nước có 160 dự án thuộc 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện với diện tích 19.792 ha.

(Còn tiếp)


Trần Thường - Đức Anh - Văn Duẩn (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.