Trong một lần dừng chân bên bờ sông Tiền thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang, tôi tình cờ gặp một cụ bà gương mặt phúc hậu tuổi ngoài 80, sau biết tên cụ là Huỳnh Thị Chín. Cụ cho hay gia đình từ bên Bến Tre về đây sinh sống được mấy chục năm, có năm anh chị hi sinh trong hai cuộc 2 cuộc kháng chiến.
Di ảnh liệt sĩ Huỳnh Thị Rỉ. Ảnh: TS |
Trong đó, cụ trăn trở nhất là trường hợp chị gái liệt sĩ Huỳnh Thị Rỉ, có cuộc đời đầy bi tráng.
Tình cờ tìm được mộ chị gái liệt sĩ
Huỳnh Thị Rỉ đã hi sinh hơn 40 năm nhưng chưa tìm được phần mộ. Nỗi niềm ấy cứ đau đáu trong lòng cụ Chín. Vào năm 2002, một hôm cụ Chín ra cầu cảng, thấy một chị chèo ghe cập bến, tay cầm tờ báo cũ ve vẩy làm quạt, ngoài bìa thoáng thấy có dòng chữ Cà Mau.
Cụ Chín ấn tượng với địa danh này vì các anh chị của cụ đều hoạt động và hy sinh nơi đây. Cụ bèn vào nhà lấy một cái quạt đề nghị đổi tờ báo. Như duyên trời, giở tờ báo xem, cụ thảng thốt giật mình khi thấy một bài báo có tựa đề “Viếng mộ em” viết về nữ liệt sĩ Huỳnh Thị Rỉ. Ngay hôm sau, cụ Chín bắt xe xuống Cà Mau, liên hệ tác giả bài báo nhờ dẫn đi tìm mộ chị Bảy Rỉ.
Đó là tờ Bán đảo Cà Mau của Hội Văn học nghệ thuật Minh Hải phát hành vào tháng 6.1996, có bài viết Viếng mộ em của tác giả Quách Văn Bảy. Ông là đồng đội với chị Huỳnh Thị Rỉ.
Ông Bảy rất ngạc nhiên và xúc động, lập tức dẫn cụ Chín đến thăm mộ chị Bảy Rỉ xã Mỹ Bình-huyện Trần Văn Thời-tỉnh Cà Mau. Được tin, cả gia đình cụ Chín mừng rơi nước mắt. Sau mộ chị Bảy Rỉ được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ huyện Trần Văn Thời.
Tác giả viếng mộ liệt sĩ Huỳnh Thị Rỉ. Ảnh: PV |
Cuộc đời bi tráng
Thời kỳ đó, ông Bảy làm Bí thư xã Đoàn thanh niên lao động xã Khánh An. Trong bài báo, Quách Văn Bảy viết về chị Bảy Rỉ sau lần đầu bị bắt, bị hành hạ và thoát nạn vì địch tưởng chị đã chết, chúng vứt xác chị bên vệ đường. Chị được đồng bào cứu chữa rồi chuyển đến công tác xã Khánh An.
“Vừa công tác đoàn lại làm nghề đỡ đẻ giỏi có tiếng, sợ địch biết được nên khó ở yên nơi cũ, Đảng phân công em sang công tác cùng chúng tôi và được tập thể Ban chấp hành phân công phụ trách ấp 10, xã Khánh An, trực tiếp làm việc với các phân đoàn trại trú Ông Bường, Bến Gỗ… Lúc ấy là năm 1958. Em vừa công tác đoàn vừa liên kết đỡ đẻ cho nhiều sản phụ, tình cảm uy tín rất nhiều nơi vùng em công tác.
Một ngày nọ, lính dân vệ đồn Vàm Cái Tàu, do tên cảnh sát Danh chỉ huy, càn vào ấp 10 bắt được em dẫn về đồn. Về đồn, tên Danh bảo: “Hãy làm vợ tôi thì được tự do hạnh phúc, bằng không sẽ bị giải ra Cà Mau tù tội suốt đời, vì em là cán bộ nằm vùng, Việt cộng chính cống”.
Em trả lời dứt khoát: “Tôi là gái có chồng, là phụ nữ gia đình, vô tội, các ông phải thả về”… Không thuyết phục được em, chúng tìm mọi cách điều tra để tìm cơ sở, em chỉ đáp “không biết, không nghe, không thấy”.
Bọn chúng sấn lại, thay nhau hãm hiếp, em chết ngất. Em tỉnh, chúng lại tiếp tục đánh, em lại ngất đi. Lúc tỉnh dậy thấy mình nằm trong chuồng cọp. Không khai thác được gì, sau một thời gian giam cầm, cuối cùng chúng phải thả em ra, trở về căn cứ giữa rừng U Minh Hạ….”.
Bảy Rỉ luôn hăng hái trong nhiệm vụ được giao, nhưng chẳng may lại sa vào lưới giặc lần thứ ba và cũng là lần cuối. Lần này bọn lính đi càn bắt được chị cùng một đồng chí khác. Thừa lúc địch sơ hở, em mở dây trói cho đồng chí cán bộ thoát thân, còn mình bị bắt lại.
Địch tra tấn, hành hạ, dẫn đi khắp xóm, rồi chúng bắn chị. Huỳnh Thị Rỉ anh dũng hy sinh vào năm 1959 tại ấp Mỹ Bình, xã Phú Mỹ B, huyện Trần Văn Thời, lúc đó vừa tròn 21 tuổi.
Cảm phục trước tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ Huỳnh Thị Rỉ, đồng chí Minh Phượng đã viết thơ bài thơ "Em là tấm gương trong" làm dậy sóng lòng biết bao tâm hồn Tây Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Tấm lòng kiên trung của người liệt nữ là gương trong, sáng soi miền châu thổ yêu thương.
“Em là một tấm gương soi rạng rỡ/Tuổi hai mươi thơm ngát vị yêu đời/Thù Mỹ - Ngô, thề chẳng đội chung trời/Em dấn bước hiến mình dâng Tổ quốc… Gương em nghìn thuở trong ngần/Rạng danh con Triệu, cháu Trưng anh hùng”.
Trăn trở của đồng đội
Ông Nguyễn Xuân Kỹ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre cũng là đồng đội với chị Bảy Rỉ. Trong thời kỳ hoạt động, ông Kỹ là Bí thư xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, xác nhận: “Bà Huỳnh Thị Rỉ được giao nhiệm vụ đội viên đội tự vệ mật phụ trách theo dõi phục vụ võ trang diệt trung đội Bảo An Tổng Báo Đức tại Tiên Thủy.
Bà được giao làm quân báo theo dõi tình hình xây dựng công sự, đổi thay quy luật tuần tiễu của trung đội bảo an. Bà cung cấp tình hình rất chính xác cho ta lúc bấy giờ.
Bà Rỉ được kết nạp lực lượng nòng cốt đối tượng kết nạp Đảng viên Đảng Cộng sản. Sau đó vì địch tình nghi theo dõi, chúng tôi chủ trương cho bà đi theo người cha vào miền Tây từ đó”.
Ông Huỳnh Văn Thanh, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thới Bình trăn trở khi chúng tôi đề cập đến các chế độ, chính sách cho liệt sĩ Huỳnh Thị Rỉ. “Chị Rỉ là một biểu tượng cho chúng tôi học tập. Tôi nhớ vào thời kỳ đầu thập niên 60, tấm gương sáng của chị còn hơn cả danh hiệu anh hùng. Chính quyền Cà Mau còn thiếu sót trong việc lập hồ sơ, trong đó có trách nhiệm bản thân tôi”, ông Thanh nói.
Thái Sơn (LĐO)