TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng T.Ư (NIMPE), cho biết nhiều thông tin được lan truyền trong cộng đồng, cho rằng người nhóm máu O hoặc "thịt thơm" bị muỗi đốt nhiều hơn. "Tuy nhiên, thông tin này hiện chưa có cơ sở khoa học chứng minh", ông Dũng nói.
Mùi hương khác nhau từ cơ thể thu hút muỗi ở các mức độ khác nhau. ẢNH: SHUTTERSTOCK |
Về "năng lực" của muỗi khi tìm người để hút máu - nguồn "thực phẩm" của một số loài muỗi truyền bệnh, ông Dũng cho biết, muỗi có bộ phận cảm thụ nằm ở râu, được ví là "ăng ten cảm thụ" của chúng. Đây là cơ quan xác định phương hướng được muỗi dùng để tìm tới người và đốt. Bộ phận "ăng ten cảm thụ" của muỗi rất mẫn cảm với mùi.
"Không phải "thịt thơm" là muỗi thích, mà thực ra chúng rất mẫn cảm với mùi thơm. Ví như mùi nước hoa là thứ muỗi không thích và muỗi sẽ không dám tới gần", ông Dũng cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, một số mùi hương muỗi cũng thường không thích như: sả, tinh dầu tràm, bạc hà… Dựa vào cơ chế này, con người đã sản xuất ra các sản phẩm xua đuổi muỗi hiệu quả.
"Với nhóm máu cũng như vậy, chưa có cơ sở chứng minh người có nhóm máu O muỗi sẽ đốt nhiều hơn các nhóm máu khác", ông Dũng thông tin.
Chất dẫn dụ thu hút muỗi
Về thực tế có người bị muỗi đốt nhiều hơn, ông Dũng lý giải, trường hợp này có liên quan tới việc cơ thể tiết ra pheromone (chất dẫn dụ) thu hút muỗi.
Cơ thể của một số người tiết ra một chất pheromone hấp dẫn cảm thụ muỗi cho nên người này thường bị muỗi đốt nhiều. Muỗi đương nhiên sẽ đốt người, nhưng trong gia đình hoặc quần thể sẽ có người tiết ra chất pheromone hấp dẫn được muỗi thì sẽ thu hút muỗi hơn.
Vì mỗi người sẽ tiết ra những chất pheromone khác nhau, có loại thu hút cảm thụ của muỗi, có loại thì không, do đó mới có thực tế là, có người bị muỗi đốt nhiều và người khác thì ít thu hút muỗi hơn.
Muỗi truyền virus gây sốt xuất huyết thường đẻ trứng tại các dụng cụ chứa nước trong các gia đình. ẢNH: LIÊN CHÂU |
Ông Dũng cho biết thêm, bản thân muỗi cũng tiết ra pheromone để thu hút bạn tình.
Trong tự nhiên, muỗi đực thường tiết ra pheromone để thu hút bạn tình (muỗi cái) đến giao phối. Nếu quan sát vào buổi sáng hoặc chiều tối chúng ta sẽ thấy những đàn muỗi thường bay thành vòng tròn, đó chính là muỗi đực. Muỗi đực vừa bay vừa tiết ra pheromone để thu hút muỗi cái.
Đặc tính của "muỗi sốt xuất huyết"
Trước diễn biến thời tiết tại một số tỉnh, thành bắt đầu có mưa sau nắng nóng, là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển, GS Vũ Sinh Nam, chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (NIHE), lưu ý trong các giống muỗi hút máu người, truyền bệnh, muỗi Aedes aegypti là loài nguy hiểm nhất.
Muỗi này có màu đen, trên thân và chân có những đốm trắng nên thường được gọi là muỗi vằn, lây truyền virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết.
Muỗi vằn luôn theo sát lịch sinh hoạt của con người. Sáng sớm và chiều tối là hai thời điểm muỗi vằn hoạt động mạnh nhất, đó cũng là khi con người vừa ngủ dậy và đi làm về.
Chúng "cư trú" trong nhà, ở các góc tối, trên quần áo hay chăn màn và các đồ dùng. Đặc biệt, muỗi vằn cái chỉ thích hút máu người và chỉ khi có máu người thì trứng muỗi mới có thể phát triển và chọn đẻ trứng ở nơi có nước sạch.
"Sự tồn tại của virus Dengue trong cộng đồng cùng với quần thể muỗi vằn khiến dịch bệnh sốt xuất huyết dai dẳng và dễ dàng bùng phát. Cùng với vắc xin ngăn ngừa sốt xuất huyết, cộng đồng cũng cần lưu ý diệt lăng quăng, diệt muỗi truyền bệnh", ông Sinh Nam lưu ý.