Trước vụ việc nữ quan chức ở tỉnh Đăk Lăk chỉ mới học hết cấp hai, làm nhân viên tiệm tóc bị phanh phui, từng có câu chuyện tương tự diễn ra vào năm 2017 tại tỉnh Thanh Hóa.
Mới đây, trả lời về việc bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) dùng bằng cấp 3 của chị gái mình để công tác ở văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Nguyễn Thượng Hải - Chánh văn phòng Tỉnh ủy cho biết quá trình xác minh đơn tố cáo, bà Thảo thừa nhận toàn bộ sai phạm của mình. Ngoài việc dùng bằng cấp của chị, trong lý lịch của mình bà Thảo khai gia đình có 11 anh chị em và không có ai tên Trần Thị Ngọc Thảo.
Bà Thảo cũng có đơn xin thôi việc gửi Văn phòng Tỉnh ủy. Trong đơn bà Thảo cho rằng, do điều kiện khó khăn, tuổi đời còn trẻ nên nhận thức chưa đầy đủ. Do đó bà đã dùng bằng cấp của chị chỉ nhằm mục đích kiếm một công việc để sinh sống.
Bà Thảo cũng cho biết, trong đơn, bà đã nhận thấy việc làm trên là hoàn toàn sai trái và sẽ chấp nhận mọi hình thức kỷ luật.
Trước đó, tối 3/10, trên internet lan truyền thông tin về một nữ quan chức ở Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk tên Trần Thị Ngọc Ái Sa, có tên, họ, ngày sinh, số CMND, tên cha mẹ trùng khớp với một cán bộ ở 1 bệnh viện tỉnh Lâm Đồng.
Nữ trưởng phòng này chỉ mới học xong cấp 2, làm nhân viên tiệm tóc và rất xinh đẹp, nhưng đã "lên" như diều gặp gió.
Bác sĩ Lê Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng cũng xác nhận có 1 cán bộ tên Ái Sa sinh ngày 25/5/1973, đang công tác tại bệnh viện này.
Tưởng chừng như đây là những người phụ nữ có năng lực, chuyên môn cao, có khả năng lãnh đạo nhưng khi sự thật được phơi bày nhiều người tỏ ra khó hiểu vì không hiểu tại sao những phụ nữ này lại "lên" nhanh đến vậy.
Nữ cán bộ sử dụng bằng của chị ruột để thăng tiến.
Cả nhà làm quan
Năm 2018, một câu chuyện khác đươc phản ánh tại tỉnh Sóc Trăng: Từ một nhân viên hợp đồng làm văn thư lưu trữ của xã, hơn một năm sau lên Bí thư Xã đoàn, 6 tháng sau trở thành công chức làm cán bộ Tư pháp hộ tịch xã mà không phải qua bất cứ hình thức thi tuyển, xét tuyển nào. Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Hoài Thương (SN 1993), cán bộ Tư pháp hộ tịch xã Thới An Hội (Kế Sách, Sóc Trăng).
Ngoài ra, cha ruột bà Thương là ông Nguyễn Nhựt Phương hiện là Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Kế Sách. Chồng bà Thương là ông Trần Huy Thịnh hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Thới An Hội, đại biểu HĐND xã.
Các chức vụ khác cùng họ hàng với bà Thương tại xã Thới An Hội gồm: ông Nguyễn Văn Ngoan (chú ruột bà Thương) công tác tại Văn phòng Đảng ủy xã; ông Nguyễn Văn Kháng (chú ruột bà Thương) là Phó ban nhân dân ấp Đại An; ông Lê Văn Hây (em rể ông Phương) là cán bộ công chức trạm y tế; ông Trần Hồng Tươi (cha chồng của bà Thương) là Trưởng ban nhân dân ấp Ninh Thới, đại biểu HĐND xã; ông Trần Huy Linh (em ruột ông Tươi) là Phó ban nhân dân ấp Xóm Đồng 1, đại biểu HĐND xã; bà Lâm Hồng Thúy Ngân (cháu sui gia của ông Phương) là Thủ quỹ kiêm văn thư lưu trữ.
UBND xã Thới An Hội.
Quan lộ "thần tốc" của hotgirl Thanh Hóa
Trần Vũ Quỳnh Anh sinh ngày 15/10/1986, trú tại số 39 Đàn Xã Tắc, phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, vốn là nhân viên tạp vụ của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa.
Sự nghiệp quan lộ của người phụ nữ này được cho bắt đầu đi lên từ tháng 1/2011 khi được nhận vào làm việc tại Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa.
Theo bảng kê chi tiết từ Bảo hiểm xã hội, từ tháng 1/2011 đến tháng 6/2011, Trần Vũ Quỳnh Anh làm thủ quỹ tại Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng (là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Sở Xây dựng Thanh Hóa), hưởng mức lương 1,98 (hệ số cao đẳng); tháng 7/2011 đến tháng 4/2012, vẫn là thủ quỹ tại đơn vị này, nhưng với mức lương tăng lên 2,34.
Bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
Tháng 5/2012, bà Quỳnh Anh được chuyển sang làm chuyên viên Sở Xây dựng Thanh Hóa. Được 16 tháng thì bà Quỳnh Anh nghỉ thai sản từ tháng 10/2013 đến tháng 3/2014.
Khi trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản, bà Quỳnh Anh đã được lên chức Phó trưởng Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản từ tháng 4/2014 và đúng 6 tháng sau, bà thăng chức lên Trưởng phòng này.
Trong khoảng thời gian từ năm 2013 - 2015, bà Quỳnh Anh vừa nghỉ thai sản, vừa theo học thạc sĩ thế nhưng vẫn được bầu vào Ban Chấp hành Đảng ủy Sở.
Đặc biệt, ngày 9/7/2014, Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy họp, thống nhất danh sách rà soát, bổ sung quy hoạch chức danh lãnh đạo các ban, sở, ngành, cơ quan cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, giai đoạn 2015 - 2020 để gửi xin ý kiến các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Sau khi xin ý kiến các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngày 27/8/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp, trong chương trình họp có nội dung rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ thuộc quyền quản lý, giai đoạn 2015 - 2020.
Ngày 29/10/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giai đoạn 2010 - 2014 ban hành Quyết định số 1661-QĐ/TU phê duyệt quy hoạch A2 cán bộ lãnh đạo, quản lý Sở Xây dựng, giai đoạn 2015 - 2020, trong danh sách có bà Trần Vũ Quỳnh Anh quy hoạch Phó giám đốc sở phụ trách lĩnh vực quản lý hoạt động xây dựng.
Tuy nhiên, con đường “quan lộ” đang trên đà thăng tiến thì bất ngờ bà có đơn xin thôi việc, đến ngày 23/9/2016, bà được Sở Xây dựng cho thôi việc nhưng Sở này không báo cáo Sở Nội vụ và không thông báo cho cán bộ, công chức trong cơ quan.
Hồ sơ công chức gốc của bà Quỳnh Anh cũng đồng thời “biến mất”, người được cho là đã bàn giao hồ sơ gốc cho bà này là ông Trần Xuân Hoàn, Chánh văn phòng Sở Xây dựng.
Căn biệt thự được cho là của bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
Sau khi bà Trần Vũ Quỳnh Anh nghỉ việc, nhiều thông tin được đưa lên internet với nội dung người phụ nữ này là “bồ nhí” của một lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Nhận được thông tin, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Công văn số 297-CV/TU bác bỏ những tin đồn được cho là bịa đặt, sai sự thật.
Ở khía cạnh khác, với thu nhập hằng năm khoảng 60 triệu đồng như trong hồ sơ tự khai, gia đình không mấy khá giả, nhưng Trần Vũ Quỳnh Anh được cho là có khối tài sản “khủng” lên tới hàng chục tỷ đồng gồm một căn biệt thự lớn 3 mặt tiền tại khu đô thị bắc đại lộ Lê Lợi (khu đô thị Bình Minh), phường Đông Hương, TP Thanh Hóa (hiện căn biệt thự này đã được bà Anh chuyển nhượng cho... mẹ ruột) và một chiếc xe Cadillac Escalade trị giá nhiều tỷ đồng.
Cuối năm 2017, ông Ngô Văn Tuấn (tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa) bị cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng do để xảy ra nhiều vi phạm được đánh giá là rất nghiêm trọng, trong đó có việc "nâng đỡ không trong sáng" đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh. Đầu năm 2018, ông Tuấn bị cách chức Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa và miễn nhiệm tư cách đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa.
Sau khi bị cách hết các chức vụ, ông Ngô Văn Tuấn được công tác tại Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa và với chức danh Tổ trưởng Tổ giúp việc.
Ông Ngô Văn Tuấn bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng vì để xảy ra chuyện "nâng đỡ không trong sáng".
Tiếp theo liệu sẽ có những quan chức nữ thăng tiến thần tốc nào nữa hay không? Câu chuyện chưa thể nói trước, nhưng rõ ràng đây không là những biệt lệ, rõ ràng công tác cán bộ của chúng ta có nhiều lỗ hổng cần chấn chỉnh.
Tháng 8 vừa qua, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh phát hiện bà Đinh Thị Lưu (Phó chủ tịch Hội nông dân xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp khi trường này liên kết mở lớp tại Đắk Lắk. Đảng uỷ xã đã thi hành kỷ luật bà Lưu bằng hình thức Cảnh cáo. |
Quý An (Kiến Thức)