(GLO)- Những năm qua, cấp ủy, chỉ huy Sư đoàn 2 (Quân khu 5) đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành, giúp đỡ sĩ quan trẻ vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Sĩ quan trẻ đối mặt với khó khăn
Sư đoàn 2 có hơn 74% sĩ quan trẻ (tuổi đời dưới 35). Đây là lực lượng nòng cốt, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý bộ đội, quản lý vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật. Song, lực lượng sĩ quan trẻ của đơn vị đang chịu sự tác động nhiều mặt của đời sống xã hội và áp lực từ cường độ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao; hoàn cảnh gia đình của một số đồng chí còn rất khó khăn.
Thượng úy A Ngoan-Trung đội trưởng Trung đội thông tin (Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 38) cưới vợ hơn 4 năm nhưng vẫn chưa có con, chưa có nhà riêng. Bố mẹ mất, vợ chồng A Ngoan sống với anh chị ở huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum. Do đặc thù công tác nên vài ba tháng anh mới về thăm nhà một lần. “Thế mà lương thượng úy của em với lương giáo viên mầm non của vợ phải tằn tiện lắm mới đủ sống anh ạ. Cũng chẳng biết đến bao giờ mới mua được ngôi nhà cho riêng mình”-A Ngoan trải lòng.
Sĩ quan trẻ của Đại đội 5 (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1) kiểm tra tác phong bộ đội. Ảnh: Sơn Tùng |
Thượng úy Đoàn Ngọc Phước-Chính trị viên Đại đội 17 (Trung đoàn 1) có vợ làm công nhân cho công ty cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Do dịch Covid-19 và sinh con nên vợ anh phải nghỉ việc từ nhiều tháng nay. Giờ cả nhà chỉ trông chờ vào tiền lương của anh Phước và phải sống chật vật với cảnh nhà thuê. Với phương châm “khéo co thì ấm”, sau khi nhận lương (khoảng 8,3 triệu đồng/tháng), anh chỉ giữ lại một ít phục vụ sinh hoạt cá nhân còn lại gửi về cho vợ con.
Đồng hành với sĩ quan trẻ
Hiểu rõ hoàn cảnh của A Ngoan, Đảng ủy Trung đoàn 38 một mặt chỉ đạo các cấp tạo điều kiện tốt nhất cho anh chăm sóc vợ. Mặt khác, giúp anh xây dựng kế hoạch phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; cử cán bộ thường xuyên gặp gỡ động viên, khích lệ, ghi nhận và biểu dương từng thành tích, nỗ lực phấn đấu của A Ngoan. Nhờ đó, trong 3 năm (2019-2021), anh đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. Bên cạnh đó, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 1 cũng thường xuyên quan tâm động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện giúp các sĩ quan trẻ khác như Thượng úy Đoàn Ngọc Phước hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Thiếu tá Nguyễn Nhất Quang-Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 38-cho biết: “Sĩ quan trẻ bên cạnh những ưu điểm được đào tạo bài bản, có sức khỏe, kiến thức tốt, nhanh nhạy với cái mới thì vẫn còn những hạn chế như bản lĩnh, tư tưởng chưa ổn định, dễ nản chí và phần lớn hoàn cảnh gia đình còn rất khó khăn… Chính vì thế, Đảng ủy Trung đoàn yêu cầu các cấp ủy, chi bộ tăng cường giáo dục, định hướng, giúp đỡ sĩ quan trẻ. Mọi sĩ quan trẻ phải xây dựng kế hoạch phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện theo các tiêu chí phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và báo cáo để chi bộ thảo luận, bổ sung, thông qua, giám sát thực hiện; thông qua sinh hoạt các tổ chức, bảng tin, truyền thanh nội bộ, hệ thống pa nô tuyên truyền về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nhắc nhở những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Qua đó, từng bước “gột rửa” những thói hư, tật xấu, giúp sĩ quan trẻ “mài giũa” bản thân, phấn đấu để ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Theo Trung tá Đinh Thế Thuận-Phó Chính ủy Trung đoàn 1, để khích lệ sĩ quan trẻ vượt qua khó khăn cần quan tâm đến tâm tư, tình cảm của họ, tăng cường khen họ trước tập thể, còn phê bình, uốn nắn riêng là chủ yếu. Từ thực tế này, khi kiểm tra đơn vị, bao giờ Trung tá Thuận cũng dành thời gian gặp riêng sĩ quan trẻ để trò chuyện và chỉ ra những hạn chế giúp mỗi người tiếp thu, sửa chữa. Đảng ủy Trung đoàn 1 cũng đặc biệt quan tâm giáo dục truyền thống và tổ chức học tập các tấm gương rèn luyện, trưởng thành để sĩ quan trẻ noi gương phấn đấu làm theo. Định kỳ hàng tháng, quý, năm, những sĩ quan trẻ có thành tích trong công tác đều được Trung đoàn bình công khen thưởng cũng như phân công cán bộ có năng lực, kinh nghiệm kèm cặp, giúp đỡ sĩ quan trẻ mới ra trường, mới được bổ nhiệm.
SƠN TÙNG