Những con sông không chỉ làm nên văn minh loài người mà còn là một phần của đời sống con người, gắn bó chặt chẽ với con người, để mỗi khi nhớ về ta lại xúc động.
Nhớ có lần dự trại sáng tác của Hội Nhà văn tổ chức ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), dân khắp nơi tới, chủ yếu ở đồng bằng, mình tôi từ TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) xuống. Có một buổi ngồi trên bờ biển, bỗng mấy ông dân biển khích tôi bơi thi, vì nghĩ tôi là dân Tây Nguyên thì chắc chủ yếu bơi trên… cạn.
Bến đò ngang trên sông quê. |
Nội có sông Hương, ngoại có sông Đáy
Giao kèo xong, tôi nhào xuống biển làm một hơi, 500 m cách bờ, ngoái lại, dăm lão bụng phệ vẫn ngoi ngóp phía xa. Tôi vòng lại, lên bờ, đợi các lão kia lên hết mới thủng thẳng nói: "Mua bia đi. Các ông vừa thách nhà giàu húp tương đấy. Tôi quê nội có sông Hương, quê ngoại có sông Đáy, sinh ra và lớn lên ở sông Mã, giờ đang sống ở sông Ba, ngán chưa?".
Nhà có đến 2 con trai nhưng so với thời ấy thì ba mẹ tôi thuộc dạng sinh ít vì các cụ đều là cán bộ, phải gương mẫu. Các gia đình ở tỉnh Thanh Hóa thời ấy 9-10 đứa con vẫn bình thường. Chiến tranh loạn lạc, đẻ nhiều con để đi bộ đội, thừa đứa nào thì làm ruộng, trẻ con lủn củn như khoai lang khắp làng. Một trong những việc chúng tôi bị cấm tiệt là ra sông. Mà Nhà máy Diêm Thanh Hóa chỗ mẹ tôi làm việc lại ngay bờ sông Mã để tiện bè chở gỗ về làm diêm. Thế giới bè đầy hấp dẫn. Có cái mui bè chui vào đấy nằm thì sướng thôi rồi. Các cây gỗ to dài ở đầu thường đục lỗ để thò những sợi song vào buộc và kéo. Đấy là chỗ những con tôm hay chui vào, chỉ nhẹ nhàng dùng 2 bàn tay bịt 2 đầu là có một chú giãy tê trong tay.
Nhưng đi trên bè cực nguy hiểm, sẩy chân là rơi xuống và nằm dưới gỗ ngay. Sáu tuổi, tôi bắt chuồn chuồn, loại to nhất, cho cắn nát rốn mà khi xuống nước vẫn chìm. Nhưng cái máu trốn mẹ ra bè thì luôn tràn ứ. Một đứa con gái suýt soát tuổi tôi chịu tập bơi cho tôi. Té ra, ngoài việc cho chuồn chuồn cắn rốn, nó còn một vũ khí lợi hại để tập bơi là chính cái quần của nó. Cởi ra, buộc túm 2 đầu, cái quần vải đen nhuộm bùn và lá bàng đến chục nước dày cộp như mo nang thời ấy thành cái phao, nổi được dăm phút thì chìm. Lại phơi khô, lại buộc, lại ùm. Ngày qua ngày, chừng nửa tháng thì tôi biết bơi. Và biết thêm điều nữa là đứa con gái bạn tôi thời ấy, cởi bộ bà ba quần đen áo gụ ra, nó trắng khủng khiếp.
Nhà bà ngoại tôi ở tỉnh Ninh Bình có cái bể nước mưa làm từ trước năm 1945. Ở làng thời ấy, ngoài cái nhà ngói 5 gian thì cái bể nước mưa cũng là một thứ đáng tự hào, đáng để bà con nể phục. Nghe nói ông ngoại tôi dành dụm 15 năm mới làm được cái bể ấy và ông luôn cấm trẻ con leo lên thò đầu vào, bởi rơi vào mà không có người lớn là xong ngay. Tôi thích rình lúc không có ai, leo lên mở nắp, thò đầu vào hét, nghe vọng lại uôm uôm giọng mình mà lại không phải giọng mình. Ngoài việc có một loạt thân cây cau từ mọi mái ngói đổ vào miệng bể để hứng nước mưa thì có những tháng phải gánh nước sông đổ vào. Nửa đêm, bà ngoại gánh thùng ra sông Đáy, lội ra hết mức có thể, vục thùng lấy nước gánh về đổ bể. Ấy là những đêm trăng. Các cô gái làng đi gánh rất nhiều. Lâu lâu ra quê ngoại, cậu học trò cấp III mơ mộng văn chương là tôi rất thích theo bà ra sông, chả phải để đỡ bà mà là ngắm các cô gái đi gánh nước. Trăng luênh loang, mặt sông gợn gợn sóng vàng, quần lụa hoặc phíp đen xắn lên cao vút, những bắp chân loang loáng nước, loang loáng trăng và loang loáng... tiếng tim tôi đập. Lên bờ, các cô hạ gánh, không phải để nghỉ mà để hạ quần xuống rồi mới đi tiếp về nhà, dù lúc ấy thậm chí là 3 giờ sáng. Như giờ, không gánh nước, chỉ đi xe máy, ngồi ô tô, dắt chó đi dạo buổi chiều, vẫn quần ngắn nhất có thể, cộc nhất có thể, chân cứ miên man giữa phố, hỏi sao tai nạn giao thông chả tăng?
Bình yên trên sông quê. |
Sông chết, thủy điện "nở hoa"
Thời sinh viên ở TP Huế, chúng tôi luôn luôn đói, luôn luôn mơ những gì có thể ăn được. Gần sáng thức dậy với bụng sôi ầm ầm và mong tới lúc cầm nửa ổ mì tiêu chuẩn. Trưa thì bo bo toàn tòng, chiều thì 8 phần sắn gạc nai cõng 2 phần gạo hẩm. Nhưng tôi vẫn có những buổi "lao động" sáng chủ nhật trong cái đói như thế. Ấy là xuống sông Hương, đoạn giữa cầu Trường Tiền và cầu Mới.
Thằng bạn thân, nhà ở dốc Phú Cam nuôi lợn. Mỗi tuần một lần nó phải ra sông lặn mấy bao tải rong về cho ăn dần. Nhưng nó còn có thứ quan trọng hơn lợn đang chờ mỗi ngày chủ nhật, ấy là bồ. Sáng chủ nhật nào tôi cũng bị nó thúc dậy sớm, ra sông lặn rong nhanh để nó có thời gian đi gặp người yêu. Đói và lạnh nhưng cứ phải đầy mấy bao tải. Xong, nó đi cà phê với bồ thì tôi về cư xá, chèo queo một mình với cơn đói run người và nỗi mong đến cháy lòng tiếng kẻng cơm cư xá vang lên. Cho nên, nói cho công bằng, trong mấy con sông tôi từng trải qua cho đến lúc ấy, sông Hương là ít thơ mộng nhất trong tôi dù lúc ấy đang là sinh viên văn khoa. Đến giờ, tôi vẫn ám ảnh những cơn đói kinh người thời ấy, vẫn chạnh lòng vì sự "bất công" trớ trêu mà tôi phải chịu.
Lần đầu tiên tôi biết sông Ba là do đọc "Đất nước đứng lên". Thấy tả nó lớn lắm, có cá sấu nữa. Và ông Núp ở đấy, gần sông Ba, "bắn Pháp chảy máu". Giờ, lần gần nhất tôi "gặp" sông Ba là chưa đầy 10 ngày. Một con sông chết đúng nghĩa khi phong trào thủy điện tưng bừng "nở hoa". Sông Ba được chặn làm thủy điện An Khê Kanak và thay vì trả nước cho chính con sông bị ngăn tức tưởi để làm thủy điện, người ta đã đào một con sông nhân tạo khác, đổ nước sau turbin về sông Côn (tỉnh Bình Định), biến sông Ba thành sông chết.
Cá sấu thì không biết có đúng không, nhưng sông Ba có giống cá đá rất ngon. Nó là đặc sản cũng như sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi) có cá bống cát. Nhưng giờ, cá bống sông Trà được kho rồi đóng lọ bán như sản phẩm du lịch, còn cá đá sông Ba chỉ còn trong truyền thuyết như cá sấu thời ông Núp bắn Tây chảy máu.
Khi nhớ lại rưng rưng
Trong cái rủi có điều may. Năm vừa qua, các nhà khảo cổ tận Nga sang, phát hiện ven sông Ba gần triệu năm trước đã có dấu tích của tổ tiên loài người. Nghe nói phát hiện lịch sử này đã đánh đổ nhiều lý thuyết về lịch sử loài người xưa nay.
Thôi thì những vấn đề cao siêu để các nhà khoa học lo, tôi nhớ đã từng đi du lịch và công tác một số nước và được họ đưa đến những nơi vài vạn năm trước con người đã ở đấy. Dấu tích rất mơ hồ. Có khi chỉ là những vân đá có vẻ như là những hình vẽ của con người hoặc những di chỉ có vẻ như là khu bếp nấu và cứ nườm nượp vào chiêm ngắm, xuýt xoa, bái phục. Thế mà ở lưu vực sông Ba này, ít nhất cũng 80 vạn năm có lẻ, dấu tích còn lừng lững đây.
Đấy là những con sông tôi đã có ký ức, đã sống với nó một thời. Còn những con sông tôi đã qua, khá nhiều, từ sông Thao, sông Thương đến sông Gianh, Nhật Lệ, Bến Hải, Hàn, Hoài… xuôi Nam từng qua sông Tiền, sông Hậu đến tận Gành Hào ở cuối đất Cà Mau, sang Ấn Độ tắm và ngắm mặt trời trên sông Hằng nổi tiếng thế giới. Mới thấy, những con sông không chỉ làm nên văn minh loài người mà còn là một phần của đời sống con người, gắn bó chặt chẽ với con người, để mỗi khi nhớ về ta lại rưng rưng, xúc động.
Theo nld