Sống nơi phong tỏa: Trong tai ương, lại thấy yêu thương lan tỏa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xưa nay, mỗi khi đồng bào gặp nạn, các cá nhân và tổ chức thiện nguyện phản ứng rất nhanh chóng và hiệu quả. Giờ đây, khi Sài Gòn đổ bệnh, những chuyến hàng tiếp tế nhanh chóng đổ về các khu dân cư bị phong tỏa.

Rau tươi được chở tới tiếp tế cho bà con ở hẻm nhỏ. Ảnh: Đỗ Hùng
Rau tươi được chở tới tiếp tế cho bà con ở hẻm nhỏ. Ảnh: Đỗ Hùng
Chị Mỹ Vân ở Rạch Giá nửa đêm gửi lên một thùng rau củ. Chị Bích Phượng ở Thủ Đức chở tới một xe rau. Cùng những chuyến hàng là tình yêu thương ấm áp dành cho người dân trong con hẻm 77 đường Chuyên Dùng 9, P.Phú Mỹ (Q.7) mà chúng tôi đề cập trong bài trước.
Ở Sài Gòn dạo này hay mưa. Đêm trước, tôi ngủ mà nghe mưa rào rào trên mái. Buổi sáng trong lành, tôi thò đầu ra cửa, thấy anh bảo vệ dân phố ướt đầm, người run run.
“Anh bị sốt hả?”, tôi hỏi. “Không. Đêm qua mưa em ngủ ở đây mà ướt hết, giờ lạnh tê”, anh vừa đáp vừa thay đồ để tiếp tục làm nhiệm vụ. Tôi nhìn ra, chỗ anh ngủ là một cái ghế bố được kê dưới cây dù. Để chống muỗi, anh chụp một chiếc mùng lên ghế. Tôi không hình dung nổi anh đã trải qua một đêm mưa như thế nào trong điều kiện ấy.
Từ 2 anh bảo vệ trước khu nhà trọ bị cách ly này, tôi thử phóng chiếu ra, hình dung những người làm nhiệm vụ chống dịch, từ nhân viên y tế đến các lực lượng chức năng khác, phải căng mình thế nào. Hàng ngàn, hàng chục ngàn, trăm ngàn con người như vậy đang làm việc với cường độ cao nhất, trong những sứ mệnh hiểm nguy mà chưa định rõ bao giờ mới kết thúc.
Tiếp sức cho hẻm nhỏ
Sau giấc ngủ chập chờn ướt sũng, anh bảo vệ xốc lại mình cùng tôi ra hỗ trợ chốt chặn đầu hẻm. Ở đấy người dân tập trung khá đông để nhận hàng, một vài người chờ hàng tiếp tế. Nhiệm vụ của các anh chị phụ trách khu phố, tổ dân phố và lực lượng chốt chặn khá vất vả: một mặt thuyết phục bà con về nhà để đảm bảo giãn cách, mặt khác hỗ trợ chuyển hàng từ các xe tiếp tế bắt đầu đến.
“Bà con cứ ở trong nhà, tổ dân phố sẽ tới giao hàng tận nơi”, anh bảo vệ không ngừng thuyết phục.
Cũng may là sau một hồi nấn ná, nhiều người dân đã chịu về nhà, nhường chỗ cho lực lượng chức năng làm công tác chống dịch và tiếp nhận hàng tiếp tế.

Củ cải vừa đào lên còn dính đất vàng ươm được chuyển tới hẻm nhỏ
Củ cải vừa đào lên còn dính đất vàng ươm được chuyển tới hẻm nhỏ
Xưa nay, mỗi khi đồng bào gặp nạn, các cá nhân và tổ chức thiện nguyện phản ứng rất nhanh chóng và hiệu quả. Chúng ta từng thấy điều đó trong các đợt thiên tai ở miền Trung, và giờ đây, khi Sài Gòn đổ bệnh, những chuyến hàng tiếp tế nhanh chóng đổ về các khu dân cư bị phong tỏa. Dù rằng chuỗi cung ứng có phần bị đứt gãy trong giai đoạn đầu, do các hàng rào chống dịch được dựng lên, nhưng bằng cách nào đấy, những con người tháo vát ấy vẫn tìm được cách để các chuyến hàng tiếp tế đến được địa chỉ cần giúp rất nhanh.
“Chị phải chạy khắp nơi mới lấy được ít rau này đây. Chị làm việc ngoài kia, tiếp xúc với công nhân nhiều, thấy hoàn cảnh thương lắm. Giờ dịch bệnh, mất thu nhập, rất cần sự tiếp sức,” chị Phùng Thị Bích Phượng, cán bộ Chi cục Hải quan ở Khu công nghệ cao tại TP.Thủ Đức, chia sẻ với tôi. Trong những ngày thành phố chống dịch, chị Phượng đã đi khắp nơi, tìm kiếm nguồn hàng rau củ, lương thực, chuyển tới các điểm phong tỏa, khu cách ly, bệnh viện dã chiến. “Nguồn lực cá nhân có hạn nên cần nhiều người cùng chung tay vào. Tới các bệnh viện, khu cách ly, chị thấy lực lượng tuyến đầu rất khổ, chỉ mong mình có thể giúp được chút gì”, chị chia sẻ.
Những ngày tiếp theo, các chuyến hàng rau củ, gạo, cá tươi tiếp tục được chở tới. Nhóm của chị Lan Phương mang cá tươi, gạo và rau; anh Phạm Nghĩa chở theo một xe bán tải rau tươi; anh Bùi Huy chuyển tới 250 kg gạo organic Quảng Trị. Luật sư Minh Thuận gửi rau tươi và gạo. Từ Rạch Giá (Kiên Giang), chị Mỹ Vân tất tả mua rau trong đêm để kịp chuyến xe lên Sài Gòn. Nhóm bạn Minh Thư gửi tới 600 quả trứng và 2 tạ rau. Anh Quang Khang gửi tới 1 tạ gạo và 1 thùng rau củ. Các nhóm từ thiện còn nấu suất cơm mang tới cho lực lượng chức năng và người nghèo trong xóm. Rất nhiều những tấm lòng như thế mà nhất thời tôi không thể kể hết được.
Người đứng phía trong hàng rào phong tỏa nói vọng ra lời cảm ơn, người giao hàng vẫy tay chào rồi vội vã lên xe để đi tới những điểm khác, nơi hàng trăm, hàng ngàn người đang chờ họ.
“Thấy bà con thiếu gì, báo liền cho chị nhé. Cố được chút nào chị sẽ cố”, trước khi rời đi, chị Phượng không quên nhắn lại.
“Mời bà con ra nhận rau”
Nơi con hẻm nhỏ của tôi, những ngày qua người dân được chứng kiến một cảnh tượng ban đầu rất lạ lùng, nhưng đang dần trở nên quen thuộc. Vào mỗi buổi sáng, nhóm tình nguyện viên, theo sự tổ chức của khu phố và tổ dân phố, đẩy xe hàng cứu trợ đi tới từng khu nhà trọ, từng hộ dân.
Tiếng loa chốc chốc lại vang lên: “Mời bà con ra nhận rau. Từng người từng người một”. Tùy hàng tiếp tế trong ngày, mà có lúc người ta phát rau tươi, củ quả, lúc khác lại phát nước mắm, gạo, trứng; lúc khác nữa lại mì gói, cá tươi. Ở các điểm cách ly do có ca nhiễm, hàng tiếp tế được đặt trên bàn, đến khi nhóm tình nguyện rời đi thì người bên trong mới ra lấy. Trước khi lấy đều xịt khử khuẩn kỹ càng. Mọi hành vi nhỏ nhất của mỗi người đều nhằm mục đích chung: cắt đứt các chuỗi lây nhiễm tiềm tàng của vi rút.

Chị Nhung, cán bộ khu phố, đi phát cá tươi tại một dãy nhà trọ trong hẻm
Chị Nhung, cán bộ khu phố, đi phát cá tươi tại một dãy nhà trọ trong hẻm
Đây là củ cải, khoai tây vừa được đào lên từ trang trại trên Lâm Đồng, vẫn còn dính đất vàng ươm. Kia là bó rau muống vừa được hái từ cánh đồng Củ Chi. Rồi bí đỏ, bí xanh, tần ô, cải thìa, xà lách, đậu bắp, đậu que, ớt hiểm từ Đồng Tháp, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… Thêm cá tươi từ Phan Thiết chuyển vào, từ Cần Giờ mang lên. Có cả ruốc sả bà con Huế gửi vô. Trứng từ trang trại dưới Đồng Nai. Mỗi nơi một ít, gom góp chảy về, len lỏi qua từng góc phố, con hẻm, tìm tới những gia đình, làm đầy thêm, tươi thêm những bát cơm, tô canh giữa thời khốn khó.
Không là cao lương mĩ vị, nhưng bó rau, mớ gạo ấy chuyên chở tình nghĩa đồng bào. Không tới mức đủ đầy, nhưng một miếng trong thời khó ấy vừa giúp nhiều người có cái ăn, vừa là nguồn động viên tinh thần to lớn để cùng nhau vượt qua đại dịch.
Tai ương vẫn ẩn tàng
Sau 2 tuần phong tỏa, một buổi chiều, xe bán tải đội phòng chống dịch chạy vào hẻm và lúc quay ra chở theo 2 em bé. Hai em bé tầm lớp 5, lớp 6, là con của một cặp vợ chồng đã được phát hiện dương tính 11 ngày trước đó.
Cuối buổi chiều hôm đó, thêm 2 vợ chồng và 1 em bé nữa rời con hẻm phong tỏa. Họ vừa được đánh dấu theo mã số bắt đầu bằng chữ “BN” trong danh sách những người mới nhiễm Covid-19.
Xe chạy dọc con hẻm dài, người dân 2 bên he hé cửa nhìn ra, ai cũng thắt lòng trước hình ảnh những em bé được chở đi. Chỉ cầu mong việc chữa trị suôn sẻ, để cha mẹ và các em sớm trở về.
Trong con hẻm nhỏ 77 này, khoảng một tuần thì đội y tế tổ chức xét nghiệm một lần. Sau mỗi đợt xét nghiệm lại có vài người được chở đi. Lại thêm một khu nhà nữa bị giăng dây, phong tỏa.
Thành phố đang ở giữa những ngày khó khăn nhất, khi số ca nhiễm mới vẫn còn ở mức cao. Con hẻm nhỏ của tôi cũng vậy, sau 2 tuần phong tỏa, vẫn còn phát hiện thêm những ca nhiễm mới. Bà con vẫn đứng cách xa nhau, vẫn chỉ giao tiếp qua những lần cửa he hé. Khi thành phố tiếp tục một đợt giãn cách mới, với quy định siết chặt hơn, người dân ở con hẻm này cũng dần quen với điều kiện bất tiện, đã trở nên sẵn sàng hơn.
“Có anh ở kế chỗ em, ảnh làm ngoài tàu về, chỉ tiếp xúc vợ con. Hôm qua gia đình ảnh được chở đi rồi. Người ta mới cắm bảng trước nhà ảnh”, chị Oanh trong khu nhà trọ nhắn tôi, “Nhưng anh đừng lo, tụi em vẫn ổn”.
Sau những căng thẳng và âu lo, một tín hiệu tích cực đã đến. Hai tuần cách ly nghiêm ngặt mà không phát hiện thêm ca dương tính nào, khu nhà trọ 55 phòng đối diện nhà tôi đã được tháo dây. Những con người phải chôn chân trong phòng suốt thời gian qua, rốt cuộc đã có thể luân phiên nhau ra ban công hít thở.
Hai anh bảo vệ dân phố cũng đã nhổ trại, nhưng không phải để nghỉ ngơi. Những điểm chốt khác, những khu phong tỏa khác và những đêm ngủ vật vờ khác đang chờ họ.
(còn tiếp)
Theo Đỗ Hùng (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.