Siết chặt quản lý thị trường phân bón

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những quy định mới trong Nghị định 108/2017/NĐ-CP của Chính phủ về công tác quản lý phân bón, đặc biệt là việc quy về một đầu mối trong quản lý nhà nước (do Sở Nông nghiệp và PTNT) phụ trách sẽ là cơ sở quan trọng để tăng cường kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón hiện nay, góp phần lành mạnh hóa thị trường này.

Thống nhất  đầu mối quản lý

Theo ông Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Trước đây, công tác quản lý nhà nước về phân vô cơ do Sở Công thương phụ trách, còn phân hữu cơ do Sở Nông nghiệp và  PTNT đảm nhiệm. Điều này gây nên một số bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý. Vì vậy, việc thống nhất quản lý lĩnh vực này từ trung ương đến địa phương, giao nhiệm vụ cho một ngành chịu trách nhiệm sẽ tránh chồng chéo hoặc quản lý không tốt...

 

Nghị định 108 siết chặt quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón (ảnh minh họa).
Nghị định 108 siết chặt quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón (ảnh minh họa).

Nghị định 108 của Chính phủ sẽ giúp các đơn vị quản lý nhà nước quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ. Đồng thời, hướng dẫn và làm rõ hơn điều kiện hoạt động của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này. Mục đích cuối cùng và cao nhất là lành mạnh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh phân vô cơ, trong đó đối tượng sử dụng chủ yếu là nông dân.

Tại Gia Lai, hoạt động sản xuất phân bón vô cơ hiện chưa phát triển, chủ yếu là phân phối, lưu thông và sử dụng. Do vậy, việc quản lý hoạt động kinh doanh phân bón vô cơ là nhiệm vụ hết sức nặng nề, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ cơ sở, địa phương, nhất là người tiêu dùng. Nắm bắt tất cả thông tin và thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để phát hiện những loại phân bón vô cơ giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường là việc làm thường xuyên, kịp thời để hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận những loại phân bón chất lượng. “Sau khi tiếp nhận nhiệm vụ này, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh tổ chức các hội nghị tập huấn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh để thực hiện theo đúng quy định, góp phần đưa ngành kinh doanh này đi vào quy củ hơn, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng làm tốt công tác quản lý, qua đó, giúp người tiêu dùng tiếp cận cơ sở kinh doanh đủ điều kiện, có địa chỉ rõ ràng để mua bán”-ông Nguyễn Nhĩ cho biết thêm.

Về phân hữu cơ, ông Nguyễn Nhĩ cho rằng, lâu nay Sở vẫn quản lý lĩnh vực này. “Tuy nhiên, khái niệm sản xuất phân hữu cơ tương đối rộng, có thể dùng nguyên liệu hữu cơ, nguyên liệu từ lòng đất, kể cả nguyên liệu sắt... Vấn đề là chất lượng của phân hữu cơ thế nào. Hiện nay, chúng ta đang tham mưu, quản lý, nắm bắt chắc hơn để có điều kiện khuyến cáo, hỗ trợ người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc kiểm định chất lượng còn gặp khó khăn”-ông Nhĩ nói.

Nhiều quy định chặt chẽ

Ngoài việc “quy về một mối” trong việc quản lý phân bón, Nghị định số 108/2017/NĐ-CP cũng có nhiều quy định mới, chặt chẽ hơn, chi tiết hơn trong quản lý phân bón, từ việc kiểm nghiệm, đăng ký nhãn mác cho đến các quy định về điều kiện kinh doanh, thậm chí các nội dung quảng bá sản phẩm, tổ chức hội thảo cũng phải được kiểm duyệt, thẩm định trước khi triển khai.

Chẳng hạn trước đây, việc mở đại lý, cơ sở kinh doanh phân bón khá đơn giản, cũng như những mặt hàng bình thường khác. Song theo Nghị định 108, các tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón ngoài đáp ứng các điều kiện như: đăng ký hoặc thành lập theo quy định của pháp luật; có cửa hàng buôn bán phân bón; có biển hiệu, sổ ghi chép, bảng giá bán công khai và khu vực chứa phân bón… thì người trực tiếp bán phân bón phải có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón (trừ trường hợp đã có trình độ trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học). Cũng theo nghị định này, phân bón là sản phẩm hàng hóa kinh doanh có điều kiện, phải được Cục Bảo vệ Thực vật công nhận lưu hành tại Việt Nam. Mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận 1 tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón đăng ký.

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 528 cửa hàng, đại lý và khoảng 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón. Trong đó, có 1 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón vô cơ.

Trao đổi với P.V, ông Võ Mạnh Hùng-Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT, cho rằng, việc  phân công một ngành chịu trách nhiệm sẽ góp phần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh, sản xuất phân bón trên địa bàn, tránh kiểm tra chồng chéo, góp phần xác minh tin đồn thất thiệt hoặc việc giả mạo cán bộ để thanh-kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón nhằm trục lợi. Thời gian qua, đã có tin đồn cán bộ từ Trung ương về kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn, song thực tế, Sở không hề biết việc kiểm tra trên và cũng chưa hề có sự phối hợp nào. Do đó, thống nhất về một mối do ngành Nông nghiệp và PTNT phụ trách, việc triển khai các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra sẽ đảm bảo theo kế hoạch của UBND tỉnh, đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện để cơ sở, đại lý kinh doanh phát triển lành mạnh.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.