Sản xuất nông nghiệp không theo quy hoạch: Thiệt đơn, thiệt kép - Bài 1: Đổ xô trồng cây “bạc tỷ”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
LTS: Trồng trọt tự phát, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng, không theo quy hoạch vùng trồng đang diễn ra tràn lan tại nhiều khu vực trên cả nước.

Từ đó kéo theo nhiều hậu quả, hệ lụy nghiêm trọng: cung vượt cầu, gây bất ổn thị trường; chất lượng, năng suất nông sản giảm sút, lợi nhuận thấp; nông dân nhiều nơi bị mất trắng chi phí đầu tư khi không né được thời tiết cực đoan…

Sau gần 3 năm thị trường Trung Quốc mở cửa cho trái sầu riêng Việt Nam (Nghị định thư được ký vào tháng 9-2022) thì giá thu mua loại trái cây này đã tăng rất cao. Hàng ngàn nông dân nhiều tỉnh thành ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng Tháp Mười… đã phá bỏ các loại cây trồng truyền thống như khóm, hồ tiêu, cà phê, điều, cao su... để chuyển sang trồng sầu riêng với hy vọng đổi đời nhanh chóng.

Bất kể thổ nhưỡng

Câu chuyện phá bỏ các loại cây khác để trồng sầu riêng đã trở thành chuyện thời sự ở tỉnh Bình Phước thời gian gần đây. Đi đến đâu cũng nghe chuyện phá bỏ hồ tiêu, cà phê, điều, kể cả cao su được ví như “vàng trắng” để chuyển sang trồng sầu riêng vì thu nhập từ loại cây trồng này hiện quá hấp dẫn.

Sau nhiều vụ mất mùa, mất giá, ông Nguyễn Tuấn Thinh (ngụ xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) đã quyết định phá bỏ 1,5ha hồ tiêu lâu năm để trồng 200 gốc sầu riêng. Hiện vườn cây đang phát triển tốt và ông Thinh hy vọng sau này có thể đổi đời nhờ sầu riêng. Năm 2023, ông Bùi Văn Nho (ngụ xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng) cũng quyết định phá bỏ 2ha cao su và 1ha điều cho thu hoạch nhiều năm qua để trồng hơn 300 gốc sầu riêng giống Musang King.

Nông dân huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) thu hoạch sầu riêng. Ảnh: MAI CƯỜNG

Nông dân huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) thu hoạch sầu riêng. Ảnh: MAI CƯỜNG

“Tôi thấy giá mủ cao su 7, 8 năm qua ở mức rất thấp, 1 mẫu cao su sau khi trừ chi phí nhân công, phân bón, các vật dụng phục vụ cho cạo mủ thì chỉ còn được 50-60 triệu đồng/năm, thậm chí có năm chỉ được 25-30 triệu đồng. Còn cây điều thì phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thời tiết, cứ gặp sương muối, nắng hạn, sâu bọ… là xem như huề vốn, có khi mất trắng. Khi trúng mùa cũng chỉ được 2 tấn/mẫu, với giá đầu vụ từ 25.000-26.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, 1 mẫu điều cũng chỉ cho thu nhập từ 40-50 triệu đồng/năm. Với giá sầu riêng hiện nay (60.000-65.000 đồng/kg) thì chỉ cần 5-6 cây sầu riêng là có thể cho thu nhập bằng 1 mẫu điều/năm, 10 cây sầu riêng bằng 1 mẫu cao su/năm”, ông Nho lý giải.

Dù mang lại giá trị kinh tế cao nhưng sầu riêng rất kén điều kiện (thổ nhưỡng, khí hậu) sinh trưởng, do đó ngành nông nghiệp đã quy hoạch vùng trồng và khuyến cáo nông dân không trồng loại cây ăn quả này ở những vùng đất nhiễm phèn, mặn.

Thế nhưng, bất chấp khuyến cáo, thời gian gần đây, khi giá sầu riêng tăng cao, hàng trăm hộ dân ở Đồng Tháp Mười (vùng đất nổi tiếng nhiễm phèn chua) cũng đua nhau chặt phá chanh, khóm, nhổ bỏ lúa 2 vụ để trồng sầu riêng. Từ Tân Phước (Tiền Giang) ngược về Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa (Long An), qua Tháp Mười, Tam Nông (Đồng Tháp), đâu đâu chúng tôi cũng thấy rợp bóng sầu riêng. Việc trồng sầu riêng tự phát, không theo quy hoạch vùng trồng đã khiến không ít nông dân ở Đồng Tháp Mười phải… ôm sầu!

Gặp chúng tôi khi đang tháo bầu, vô phân hữu cơ cho những gốc sầu riêng bị héo rũ, ông Nguyễn Văn Tùng (50 tuổi, ở huyện Tân Phước, Tiền Giang) cho biết: “Cuối năm 2022, thấy nhiều hộ dân ở Cai Lậy trồng sầu riêng thu bạc tỷ mỗi vụ, gia đình tôi chặt bỏ 5 công khóm để trồng loại cây này với hy vọng đổi đời. Lúc mới lên liếp, bơm cát, cải tạo đất, cán bộ nông nghiệp khuyến cáo không nên trồng vì đất vùng này nhiễm phèn nặng, sầu riêng khó phát triển. Nghĩ nơi khác làm được, mình cũng làm được nên gia đình vẫn trồng. Nhưng rồi, hơn 1 năm sau, cây sầu riêng bị khô lá, chết dần. Hiện hơn 1 nửa diện tích sầu riêng đã chết”.

Dù nỗ lực chăm sóc vườn sầu riêng bị hư hại, song theo ông Tùng nguy cơ mất trắng là rất lớn, trong đó, gia đình đã đầu tư hơn 300 triệu đồng tiền công, cây giống, vật tư….

Diện tích tăng chóng mặt

Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, diện tích trồng cây sầu riêng tại địa phương này năm 2022 có 4.802ha. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, Bình Phước trở thành tỉnh có diện tích sầu riêng lớn ở khu vực Đông Nam bộ, với hơn 6.000ha. Theo Sở NN-PTNT tỉnh, đến nay, Bình Phước có 65 mã số vùng trồng, với tổng diện tích hơn 2.412ha, do Cục Hải quan Trung Quốc cấp phép. Từ khi thị trường Trung Quốc mở cửa cho trái sầu riêng Việt Nam thì giá thu mua loại trái cây này đã tăng rất cao. Điều này đã khiến nhiều nông dân ở tỉnh ồ ạt phá bỏ các loại cây trồng truyền thống để chuyển sang trồng sầu riêng.

Tương tự, theo Đề án Phát triển cây sầu riêng của tỉnh Tiền Giang, năm 2025, tỉnh có 13.635ha. Thế nhưng, đến nay, diện tích sầu riêng ở địa phương này đã lên đến gần 16.000ha. Tốc độ tăng trưởng diện tích trung bình cây sầu riêng ở Tiền Giang thời gian qua là 7,9%/năm, cao hơn 3,8%/năm so với mục tiêu của đề án đặt ra (2,4-4,1%/năm). Hầu hết diện tích sầu riêng phát sinh nằm ngoài vùng quy hoạch, chủ yếu chuyển đổi từ các cây trồng khác.

Người dân huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước phá vườn điều để trồng sầu riêng. Ảnh: BÙI LIÊM
Người dân huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước phá vườn điều để trồng sầu riêng. Ảnh: BÙI LIÊM

Trong khi đó, ngược lên Tây Nguyên, thống kê của tỉnh Gia Lai cho thấy có hơn 5.600ha sầu riêng, sản lượng ước đạt 44.150 tấn, tập trung nhiều tại các huyện Chư Prông, Chư Sê, Ia Grai, Đức Cơ... Còn tại tỉnh Đắk Nông, diện tích sầu riêng toàn tỉnh hiện xấp xỉ 10.000ha, trong đó chỉ riêng năm 2022 đến nay đã tăng hơn 3.500ha.

Tỉnh Lâm Đồng cũng đã phát triển lên khoảng 15.000ha sầu riêng. Mùa sầu riêng năm 2024, theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, tỉnh này đã có bước tăng trưởng ngoài sức tưởng tượng khi từ một tỉnh trồng sầu riêng “được chăng hay chớ” trở thành dẫn đầu cả nước về quy mô trồng với 32.785ha. Hiện Đắk Lắk có nhiều vườn sầu riêng mới trồng và được coi là cây trồng chủ chốt tại tỉnh này thay vì cà phê. Hiện Trung Quốc đã cấp 68 mã vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích khoảng 2.521ha cho tỉnh Đắk Lắk, trong đó, huyện Krông Pắc có 37 vùng trồng với tổng diện tích khoảng 1.857ha.

Ông Lê Anh Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, lo lắng, thị trường sầu riêng tại Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang bị thả nổi. Việc bẻ cọc, đạp giá, tranh giành mua hàng hỗn loạn tại vườn đã và đang diễn ra ở một số nơi. Hiệp hội nhận thấy, điều cơ bản nhất để đảm bảo chất lượng là cần kiểm tra mẫu sản phẩm trước khi bán cũng chưa thực hiện được. Trước thực trạng này, lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương tại một số khu vực ở Tây Nguyên cũng nhận định, rất đáng lo ngại vì nhiều nơi có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp với cây sầu riêng.

Số liệu thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), năm 2023, diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam ước tính đạt 131.000ha, tăng gần 20% so với năm 2022. Trong đó, nhiều nhất là vùng Tây Nguyên chiếm 40,4%; ĐBSCL chiếm 34,6%; Đông Nam bộ chiếm 19,4% và Duyên hải Nam Trung bộ chiếm 5,6%.

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, hầu hết nông dân đều có chung tâm lý cây trồng nào mang lại hiệu quả kinh tế cao thì lựa chọn để sản xuất, bất chấp quy hoạch lẫn cảnh báo của cơ quan chuyên môn cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Hàng chục ngàn ha sầu riêng đang được trồng vội vã hôm nay sẽ cho thu hoạch ổn định vào 5-6 năm tới là khoảng thời gian khá xa để có thể đoán trước thị trường sẽ ra sao.

Trong khi đó, việc xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đòi hỏi phải tuân thủ nhiều yêu cầu kỹ thuật về chất lượng. Thế nhưng, trên thực tế không ít nông hộ, hợp tác xã (HTX) mạnh ai nấy làm dẫn đến sản phẩm không đồng nhất, khó tiếp cận thị trường khó tính. Nhiều nông dân còn sản xuất theo kiểu truyền thống, chưa bắt kịp yêu cầu khắt khe về chất lượng, đảm bảo điều kiện của vùng trồng và việc tuân thủ quy trình sản xuất.

Trước thực trạng nông dân đổ xô trồng sầu riêng, Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT đã có công văn chỉ đạo phát triển cây sầu riêng tại các tỉnh, thành miền Nam. Cục cảnh báo việc tăng diện tích cây sầu riêng một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, nhất là tại các vùng trồng không phù hợp như nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng thiếu nước tưới sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất, chất lượng sầu riêng của Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.

Các sản phẩm khởi nghiệp thu hút người tiêu dùng tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Gia Lai năm 2024. Ảnh: M.K

“Làn sóng khởi nghiệp” chuyển động mạnh mẽ

(GLO)- 3 năm qua, Gia Lai đã từng bước tạo lập môi trường thuận lợi nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). “Làn sóng khởi nghiệp” ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, từng bước đi vào chiều sâu, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp.

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.