Sản xuất cà phê theo hướng bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mục tiêu hỗ trợ các hộ trồng cà phê trên địa bàn tỉnh tiếp cận phương thức sản xuất theo hướng bền vững, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) Gia Lai đã và đang tích cực triển khai đến 26 xã, thị trấn ở 3 huyện: Đak Đoa, Ia Grai và Chư Prông. Trong đó, việc hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất cà phê bền vững tại cộng đồng để người dân tham quan học tập, áp dụng vào thực tiễn là kết quả nổi bật.

Những năm trước đây, vườn cà phê 3 ha của gia đình chị Chu Thị Phất (thôn Chư Hậu 6, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) cho năng suất 4 tấn nhân/ha. Năm 2016, gia đình chị được Dự án VnSAT Gia Lai hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất cà phê bền vững trên diện tích 1,2 ha. Chị  được mời tham dự lớp tập huấn phương thức canh tác cà phê mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, chọn giống, làm cành, bón phân, phòng trừ dịch hại, tưới nước tiết kiệm... Nhờ đó, vụ thu hoạch này, 1,2 ha cà phê của gia đình chị cho năng suất 4,5 tấn nhân/ha.

 

Nhờ tham gia mô hình sản xuất cà phê bền vững, vườn cà phê nhà chị Phất năm nay cho năng suất 4,5 tấn nhân/ha. Ảnh: N.D
Nhờ tham gia mô hình sản xuất cà phê bền vững, vườn cà phê nhà chị Phất năm nay cho năng suất 4,5 tấn nhân/ha. Ảnh: N.D

Chị Phất cho biết thêm: Những năm trước, gia đình chủ quan phát hết cây che bóng mát trong vườn cà phê. Nhưng từ ngày được tập huấn kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững, nhận thấy việc trồng cây che bóng rất hữu ích nên gia đình chú trọng phát triển lại. Ngoài ra, gia đình sử dụng phân hữu cơ nhiều hơn, giảm lượng phân hóa học; các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cũng được áp dụng nên năng suất và chất lượng cà phê rất tốt.

Cũng tại xã Ia Bă, diện tích cà phê của gia đình anh Trần Khắc Hà (thôn Văn Mỹ) mặc dù không nằm trong danh sách mô hình trình diễn về sản xuất cà phê bền vững của dự án nhưng vẫn cho năng suất khá cao. Có được thành quả đó là nhờ năm 2016, anh Hà áp dụng kỹ thuật canh tác cà phê bền vững trên 1 ha cà phê trồng năm 2000. Qua kết quả thu bói, dự kiến vụ năm nay, vườn cà phê nhà anh đạt 5,5-6 tấn nhân/ha. Hiện nay, tổ hợp tác liên kết sản xuất cà phê bền vững Ia Bă do anh Hà làm Tổ phó đã có 150 hộ tham gia với tổng diện tích khoảng 200 ha. Được Dự án VnSAT Gia Lai tập huấn về kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững và sắp đến sẽ nâng cấp 1 tuyến đường ra khu sản xuất nên các hộ tham gia rất phấn khởi.

Cũng theo anh Hà, việc sản xuất cà phê bền vững của các hộ tham gia Dự án hiện nay rất tốt vì hầu hết bà con đều sản xuất cà phê sạch, có nơi tiêu thụ ổn định. Trong thời gian tới, tổ có thể phát triển thành hợp tác xã, đồng thời vận động bà con tái canh những vườn cà phê già cỗi bằng những giống mới, năng suất cao, góp phần nâng cao thu nhập.

Việc sản xuất cà phê theo hướng bền vững cũng được ông Ngô Tình Bài (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) hưởng ứng tích cực. Theo ông Bài, sản xuất cà phê bền vững phải bắt đầu từ kỹ thuật, phân bón, tưới nước bằng béc... Nhờ đó, năng suất vườn cà phê của ông năm nay dự kiến đạt khoảng 6,5 tấn nhân/ha, cao hơn 2,5 tấn nhân/ha so với những năm trước. “Quy trình kỹ thuật của Dự án rất đúng đắn, phù hợp nên những năm tới, vườn cây sẽ tiếp tục phát triển ổn định, cho năng suất cao hơn”-ông Bài nói.

Ông Nguyễn Xuân Vỵ-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT Gia Lai, cho biết: Trước những biến đổi của khí hậu và thực trạng nhiều diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh đã già cỗi, năng suất thấp, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững hình thành đã tạo ra cơ hội mới cho người trồng cà phê ở địa phương. Trong đó, mục tiêu cao nhất là giúp nông dân sản xuất cà phê bền vững, tăng thu nhập, giảm tác động tiêu cực tới môi trường.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.