Hữu duyên
Đêm xuống, trung tâm huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông hiện lên dưới ánh đèn lung linh, đầy màu sắc. Chị bạn đồng nghiệp từng có thời gian dài gắn bó với nơi đây nói rằng, những năm trước, ban đêm là cảm giác tĩnh lặng giữa một miền rừng hoang vu, chỉ có tiếng gió rít và côn trùng rả rích, những mái nhà thấp thoáng trong sương đêm. Đang dở câu chuyện, chúng tôi dừng trước ngôi nhà cấp 4 của gia đình thiếu tá Đinh Văn Bộ, công tác tại Công an huyện Đắk Glong, nằm yên bình bên đường nhựa phẳng lỳ. Bước vào ngôi nhà như chứa cả một thế giới lưu trữ dòng chảy của mạch nguồn văn hóa các dân tộc bản địa. Tôi cảm giác đang lạc vào cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân tộc Tây Nguyên cả trăm năm trước.
Anh Đinh Văn Bộ chia sẻ về quá trình sưu tầm các hiện vật về văn hoá Tây Nguyên |
Ngay lối ra vào, “tấm bản đồ” thu nhỏ được chủ nhân kỳ công sắp xếp từ rất nhiều chiếc cồng chiêng. Anh Bộ chia sẻ, đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, cồng chiêng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh. Có thời điểm, một số bon, làng nạn “chảy máu cồng chiêng”, những báu vật theo chân các thương lái rời khỏi Tây Nguyên. Âm thanh quen thuộc dần vắng bóng trong các buổi sinh hoạt cộng đồng. Nguy cơ mai một nét văn hóa đặc sắc đã thôi thúc anh dày công sưu tầm cồng, chiêng cổ.
Câu chuyện bên bếp lửa ủ dưới nền nhà đưa chúng tôi ngược dòng thời gian 24 năm trước. Năm 2000, gia đình anh từ quê Thái Bình vào Đắk Nông sinh sống, lập nghiệp. Anh gặp gỡ, kết thân với nhiều bạn là người dân tộc bản địa. Anh thích tính cách đơn giản, lối sống giản dị, chất phác thật thà của họ.
Năm 2010, sau khi tốt nghiệp trường nghiệp vụ, anh về công tác tại Công an huyện Đắk Glong. Do đặc thù công việc, thường xuyên đi địa bàn, về các bon làng anh nhận thấy nhiều điều thú vị trong đời sống văn hóa, sinh hoạt của người dân tộc thiểu số và anh bị “đồng hóa” lúc nào không hay.
Ngôi nhà của gia đình anh là không gian trưng bày các hiện vật về văn hoá Tây Nguyên |
Hiện vật đầu tiên anh sở hữu là một chiếc chóe có màu men xanh ngọc. Anh kể, một lần đến xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, vào gia đình người dân tộc Mạ chơi. Anh thấy nơi góc bếp một chiếc chóe bị bụi phủ kín. Lân la hỏi chuyện, chủ nhân cho biết, chóe thời ông bà truyền lại giờ không dùng nữa, muốn bán. Biết điều đó, anh Bộ vay mượn tiền mua được chóe mang về. Tình yêu, đam mê sưu tầm hiện vật, văn hóa Tây Nguyên trong anh bắt đầu từ đó.
“Năm 2014, tôi bắt đầu sưu tầm các hiện vật văn hóa để trưng bày. Quá trình tìm hiểu, nếu bà con muốn lưu giữ thì tôi khuyến khích họ giữ. Nếu họ muốn bán thì gọi cho mình. Có nhiều hiện vật chủ nhân đòi giá rất cao, tích cóp dần mới đủ tiền mua lại”, anh Bộ tâm sự.
Cổ vật huyền bí
Ngôi nhà của anh như một bảo tàng thu nhỏ với trên 1.000 hiện vật. Các cổ vật được trưng bày rất khoa học, gồm các nhóm: gốm, trang sức, nhạc cụ, đan lát, săn bắn, vũ khí... Các hiện vật có tuổi đời từ vài chục đến hàng trăm năm tuổi.
Anh Bộ sưu tầm được 8 chiếc chóe thế mạng |
Hơn 10 năm nay, anh Bộ đi khắp các bon làng để sưu tầm các hiện vật. Anh Bộ chia sẻ, anh dành nhiều thời gian nghiên cứu, gặp gỡ người già trong các bon làng. Sau nhiều năm sưu tầm, anh nhận ra văn hóa, hồn cốt của mỗi dân tộc đều nằm ở những món đồ cũ đã lưu dấu thời gian. Mỗi hiện vật, anh bắt được cái hồn của nó, tìm ra thông điệp, chứa đựng những câu chuyện văn hoá sau nó.
Ẩn sâu sau chiếc choé thế mạng là cả một phong tục văn hoá. Chiếc chóe cổ này người dân tộc bản địa Tây Nguyên xếp vào hàng quý hiếm nhất trong các loại chóe. Theo lời kể của một số già làng, chiếc chóe quý đến mức khi xảy ra sự cố chết người, muốn không bị đền mạng, chỉ cần đem chiếc chóe này đền cho gia đình, hoặc bon, làng nơi có người bị chết là mọi chuyện sẽ được hóa giải. Có chuyện kể rằng, khi người đàn ông muốn lấy thêm vợ có thể dùng chóe này để hỏi thêm một người vợ mới.
Trong gia tài gần 300 chiếc chóe, anh sưu tầm được 8 chóe thế mạng. Hồi xưa, phải chục con trâu mới đổi được. Hiện ở các bon làng huyện Đắk Glong vẫn còn một số gia đình lưu giữ chóe này.
Đứng giữa hàng nghìn hiện vật, mới thấy được đam mê, đau đáu của anh trong việc tìm kiếm, sưu tầm. Có những hiện vật anh phải mất không ít thời gian, công sức, chi phí. Đó là dòng chóe cây mai, hoa văn đắp nổi hình con phượng. Để có được chiếc chóe này, anh phải mất 5-6 năm trời, chủ nhân mới nhượng lại cho anh. Anh kể, chiếc chóe của một cặp vợ chồng người Mnông. Bước vào ngôi nhà lợp tranh của ông bà, anh ấn tượng bởi cách sắp xếp các vật dụng sinh hoạt theo nét văn hoá xưa. Chiếc giường kê bên bếp lửa, chóe, dụng cụ sinh hoạt truyền thống được để gọn gàng từng ngóc ngách ngôi nhà.
Những ngày tháng nắm địa bàn, anh luôn được bà con yêu quý bởi sự chân thành, tính cách thân thiện. Vì thế, vợ chồng ông đặc cách dẫn anh Bộ lên gác tận thấy chóe quý gia truyền. Năm 2020, khi ông mất, vợ ông cảm được tấm lòng và tình yêu văn hóa Tây Nguyên nên tặng anh chiếc chóe quý.
Những hiện vật của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hằng ngày vẫn đang được anh nâng niu, trân quý như chính tình cảm mà họ đã dành người thiếu tá công an. Trong bảo tàng thu nhỏ ấy, có hàng trăm loại vật dụng làm bằng tre, nứa được sử dụng từ thuở sơ khai của người Bana, Gia Rai, Êđê, Mnông, Mạ... với nhiều người có thể là đồ bỏ, nhưng với anh nó vô giá.
Hơn 10 năm lặn lội, sưu tầm, thiếu tá Đinh Văn Bộ, cán bộ Công an huyện Đắk Glong đã sở hữu hơn 1.000 hiện vật mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Trong số này, chiếm nhiều nhất là các trang phục thổ cẩm, chóe, cồng, chiêng… của người Mnông, Mạ, Ê đê, Gia Rai.