Quỹ TDND ở Gia Lai: Tăng trưởng đi đôi với kiểm soát chất lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, 6 Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đi vào hoạt động ổn định, từng bước tăng trưởng tín dụng, đảm bảo tỷ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai có 6 Quỹ TDND hoạt động, gồm: Thắng Lợi, Trà Bá (TP. Pleiku), Đak Đoa (huyện Đak Đoa), An Khê (thị xã An Khê), Kon Dơng (huyện Mang Yang), Ia Kha (huyện Ia Grai). Cả 6 quỹ này đều được thành lập từ năm 1995 trở về trước, hoạt động ổn định trong thời gian dài với tổng số 7.633 thành viên, trong đó có 3.578 thành viên đang vay vốn. Thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội “về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, các quỹ đã xây dựng phương án và được Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh phê duyệt, báo cáo định kỳ hàng quý tình hình thực hiện. Về phía Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh cũng đã chủ động lên kế hoạch thanh-kiểm tra và đưa ra những khuyến nghị, giải pháp để các quỹ thực hiện nhằm nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, quản trị điều hành đồng thời xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tế.  
 Quỹ TDND Kon Dơng (huyện Mang Yang) là quỹ có quy mô tín dụng lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Ảnh: S.C
Quỹ TDND Kon Dơng (huyện Mang Yang, Gia Lai) là quỹ có quy mô tín dụng lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Ảnh: S.C
Từng bước tăng trưởng về nguồn vốn qua các năm là tín hiệu tích cực nhất từ các quỹ TDND. Trong đó, Quỹ TDND Kon Dơng hiện là đơn vị có quy mô tín dụng lớn nhất trên địa bàn tỉnh. “Những năm gần đây, chúng tôi chủ động tăng nguồn vốn tự có, các thành viên của Quỹ thống nhất nhập lợi tức cổ phần vào vốn góp. Nhờ nguồn vốn tăng trưởng đều đặn đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của thành viên trên địa bàn thị trấn Kon Dơng và các xã Đak Djrăng, Đak Yă. Tính bình quân, các món vay của Quỹ từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/món. Bên cạnh đó, chúng tôi tích cực cải tiến hồ sơ, thủ tục cho vay lẫn phương thức giao dịch hàng ngày nên các thành viên ngày một gắn bó với Quỹ hơn”-bà Trần Thị Kim Yến-Giám đốc Quỹ TDND Kon Dơng-chia sẻ.  
Tính đến cuối tháng 3-2019, Quỹ TDND Kon Dơng có 1.392 thành viên, tổng nguồn vốn đạt 99 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 88,4 tỷ đồng, chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 1,62%/tổng dư nợ. Bên cạnh đó, Quỹ đã thể hiện vai trò hỗ trợ thành viên theo đúng tôn chỉ, mục đích, trở thành điểm tựa đáng tin cậy của bà con nông dân ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn. “Tôi tham gia làm thành viên của Quỹ TDND Kon Dơng từ năm 2012 và được hỗ trợ vay vốn để làm ăn. Thủ tục và thời gian giải quyết hồ sơ vay vốn tại đây rất nhanh gọn, phù hợp với nhu cầu của tôi”-ông Hoàng Minh Phương (tổ 2, thị trấn Kon Dơng) bộc bạch. Nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ TDND Kon Dơng, gia đình ông Phương có điều kiện chăm sóc vườn cà phê 1,7 ha, khoảng 2.000 trụ hồ tiêu cũng như tháo gỡ kịp thời khó khăn về tài chính cho gia đình.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, 6 Quỹ TDND trên địa bàn đã tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu như: cơ cấu lại về quản trị điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ; tăng cường tính minh bạch, công khai trong quản trị, tài chính và hoạt động của Quỹ; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Qua thanh tra, giám sát cho thấy, hầu hết các quỹ đều chấp hành tốt và không vi phạm các tỷ lệ an toàn trong hoạt động, 3/6 Quỹ đã hoàn thành quy định chuyển tiếp theo Thông tư số 04/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Tính đến cuối tháng 3-2019, tổng nguồn vốn hoạt động của các quỹ đạt hơn 316,8 tỷ đồng, tăng hơn 72,9 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Tổng nguồn vốn huy động từ dân cư đạt hơn 178,8 tỷ đồng, tăng gần 32,5 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Trong đó, nguồn vốn huy động từ thành viên đạt 106,77 tỷ đồng, huy động ngoài thành viên đạt hơn 72,1 tỷ đồng, tỷ lệ tiền gửi của thành viên trên tổng tiền gửi đạt 59,7%. Tổng dư nợ của các quỹ đạt hơn 291,6 tỷ đồng, tăng hơn 63,3 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Một chỉ số đáng lưu ý là chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ là 1,03%. Trong quý I-2019, các quỹ đã thu hồi được 18 món nợ xấu với dư nợ 1,46 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hoạt động của các quỹ vẫn còn gặp một số trở ngại, khó khăn. Nguồn vốn của các quỹ chủ yếu là đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nhưng thời gian qua tình hình thời tiết không thuận lợi, năng suất cây trồng giảm, giá cả nông sản xuống thấp nên một số thành viên gặp khó khăn trong việc thực hiện phương án sản xuất kinh doanh. Mặt khác, một số hộ vay cố tình dây dưa trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ; khả năng huy động vốn trong thành viên thấp, đa phần bà con thiếu vốn trong sản xuất kinh doanh mới có nhu cầu gia nhập thành viên. Việc đảm bảo tỷ lệ tiền gửi thành viên/tổng tiền gửi tại các quỹ trong mọi thời điểm theo quy định tại Thông tư 04/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước còn gặp khó khăn do có những thời điểm như cuối năm, dịp Tết, nhu cầu rút tiền gửi của khách hàng tăng cao.
“Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các quỹ TDND, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chấn chỉnh, củng cố hoạt động của quỹ, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đổ vỡ quỹ. Đến nay, hoạt động của các quỹ đã đi vào ổn định, chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, kết quả kinh doanh có bước tiến bộ”-ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-cho biết.  
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.