Người dân Gia Lai đi tiêm vắc xin sốt xuất huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Theo Trung tâm tiêm chủng VNVC Pleiku, đơn vị đã có vắc xin sốt xuất huyết (SXH)-Qdenga đáp ứng nhu cầu tiêm chủng phòng bệnh cho người dân. Lần đầu tiên người dân Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng có cơ hội tiếp cận vắc xin này sau nhiều năm mong đợi.

Đảm bảo nhu cầu tiêm vắc xin SXH

Bác sĩ Hà Thị Thùy Dung-Trung tâm tiêm chủng VNVC Pleiku thông tin: Vắc xin SXH do Hãng dược phẩm Takeda nghiên cứu và phát triển trong gần 45 năm, đã được triển khai tiêm rộng rãi tại hơn 40 quốc gia trên thế giới. Vắc xin đáp ứng đầy đủ các hướng dẫn về thử nghiệm lâm sàng của WHO để đảm bảo hiệu lực và tính an toàn và góp phần trong chiến lược kiểm soát toàn diện SXH. Đây cũng là loại vắc xin có hiệu lực bảo vệ cao phòng mắc và nhập viện, giúp cơ thể sinh miễn dịch bền vững, an toàn.

z5898036145937-a5b5e71e1de00f2b137c964b9a73bc8b-3147.jpg
Vắc xin SXH Qdenga đảm bảo hiệu lực và tính an toàn và góp phần trong chiến lược kiểm soát toàn diện SXH. Ảnh: Như Nguyện

Vắc xin phòng đầy đủ 4 chủng virus gây bệnh SXH gồm Den-1, Den-2, Den-3, Den-4 và có hiệu quả phòng bệnh hơn 80%, ngăn ngừa nguy cơ nhập viện do bệnh lên đến 90%. Do đó, trẻ em và người lớn tiêm vắc xin sẽ phòng nguy cơ mắc bệnh cũng như nhập viện, biến chứng do bệnh SXH gây ra. Hiện Trung tâm tiêm chủng VNVC Pleiku có đủ lượng vắc xin SXH đáp ứng nhu cầu tiêm chủng phòng bệnh cho người dân.

Theo bác sĩ Dung, vắc xin SXH tiêm cho người từ 4 tuổi trở lên, không phân biệt từng nhiễm SXH hay chưa. Vắc xin có lịch tiêm hai mũi cách nhau ba tháng, có thể tiêm đồng thời với các loại khác tùy loại. Phác đồ khác nhau phụ thuộc vào lịch sử chủng ngừa, tiền sử mắc bệnh. Do vậy, mỗi người cần được bác sĩ tư vấn cụ thể trước khi tiêm.

Trường hợp người đã mắc SXH nên hoãn tiêm ít nhất 6 tháng kể từ ngày có kết quả chẩn đoán mắc SXH. Vắc xin SXH không sử dụng cho những nhóm sau: Người đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai trong vòng một tháng sau khi tiêm vắc xin, đang cho con bú. Người bị suy giảm miễn dịch, gồm: đang điều trị bằng liệu pháp ức chế miễn dịch như hóa trị liệu hoặc liều cao corticosteroid toàn thân, liệu trình dài hai tuần trở lên. Những người nhiễm HIV có triệu chứng hoặc nhiễm HIV không có triệu chứng kèm theo suy giảm chức năng miễn dịch. Người gặp phản ứng quá mức với hoạt chất, liều vắc xin Qdenga trước đó hoặc với bất kỳ tá dược nào. Ngoài ra, vắc xin cũng được khuyến cáo hoãn tiêm khi bị sốt nặng cấp tính.

z5898036124987-1ed1b93c8222956d9e26a08a03580ccc-2268.jpg
Nhân viên Trung tâm tiêm chủng VNVC Pleiku tư vấn về vắc xin SXH cho người dân. Ảnh: Như Nguyện

Người dân phấn khởi đi tiêm chủng

Ngày 20-9-2024, Hệ thống tiêm chủng VNVC chính thức ra mắt và triển khai tiêm vắc xin SXH đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh. Đến nay, vắc xin này chính thức có tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Pleiku là tin vui đối với nhiều người dân trên địa bàn tỉnh.

Đưa con đến tiêm chủng tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Pleiku, chị Nguyễn Thị Tuyết Vương (tổ dân phố 8, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) chia sẻ: Để phòng bệnh cho các con và gia đình, tôi rất quan tâm đến việc cho con tiêm đầy đủ các loại vắc xin. Hiện nay, đã có vắc xin SXH, tôi sẽ sớm sắp xếp để tiêm vắc xin này cho gia đình mình.

Dẫn gia đình đến Trung tâm tiêm chủng VNVC Pleiku để tiêm vắc xin SXH, anh Nguyễn Văn Tam (tổ 8, phường Ia Kring, TP. Pleiku) phấn khởi nói: Biết Trung tâm tiêm chủng VNVC Pleiku đã có vắc xin SXH nên hôm nay gia đình tôi đến tiêm vắc xin để phòng bệnh cho cả nhà. “Trước đây, tôi từng mắc bệnh SXH và đó là khoảng thời gian hết sức mệt mỏi, sức khỏe bị ảnh hưởng. Ngoài ra, bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy việc tiêm vắc xin phòng bệnh hết sức quan trọng”- anh Tam nói.

z5898036097817-4fd32a4bf9e2944fb7af90a5382322a6-9262.jpg
Vắc xin SXH hiện đã có tại Gia Lai đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho người dân. Ảnh: Như Nguyện

Còn chị Nguyễn Thị Hòa (tổ 5, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) cho hay: Tôi đang quan tâm, tìm hiểu về vắc xin phòng bệnh SXH và thời gian tới sẽ cho gia đình đi tiêm vắc xin phòng bệnh SXH. Việc tiêm vắc xin giúp bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng nên nếu có điều kiện mọi người nên tiêm đầy đủ vắc xin để phòng bệnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nay mỗi tuần, Gia Lai ghi nhận từ 150 ca mắc SXH trở lên. SXH không có thuốc điều trị đặc hiệu, nhiều ca bệnh diễn biến nặng, biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh. Hiện việc phòng bệnh SXH chủ yếu dựa vào diệt muỗi và lăng quăng, cũng như sự phối hợp của các cấp, ngành và sự chung tay của cộng đồng trong công tác này.

Vắc xin SXH sẽ là một trong những vũ khí phòng bệnh hữu hiệu và góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng-chống SXH trên địa bàn tỉnh. Ngành Y tế kêu gọi bên cạnh truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh, kiểm soát vét tơ lây truyền bệnh, giám sát chặt chẽ bệnh, người dân cần tiêm chủng vắc xin để phòng bệnh SXH hiệu quả.

Đặc biệt, vắc xin SXH có hiệu quả phòng tái nhiễm cho người từng mắc SXH, điều này rất có ý nghĩa bởi hiện số người từng mắc SXH ít nhất một lần khá cao, với tình trạng lần mắc bệnh sau thường nặng hơn lần trước thì việc tiêm vắc xin kịp thời giúp người bệnh được bảo vệ tốt sức khoẻ và tính mạng.

Có thể bạn quan tâm

Bác sĩ nói gì về ăn cay và các cơn đau tim?

Bác sĩ nói gì về ăn cay và các cơn đau tim?

Cuộc tranh luận từ lâu về tác động của ăn cay đối với sức khỏe tim mạch vẫn tiếp diễn. Trong khi một số người tin rằng cách ăn này tốt cho tim, những người khác lại lo lắng về những nhược điểm tiềm ẩn của nó.