Quảng bá hình ảnh Gia Lai qua cầu truyền hình chung kết Đường lên đỉnh Olympia

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ở vòng chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 24, em Nguyễn Quốc Nhật Minh-lớp 12C2A, Trường THPT Chuyên Hùng Vương đã xuất sắc mang cầu truyền hình về với Gia Lai. Đây không chỉ là sự kiện mang tính trí tuệ mà còn góp phần quảng bá hình ảnh về bản sắc văn hóa, du lịch của tỉnh nhà.

Lần đầu tiên Gia Lai có Cầu truyền hình Chung kết năm

Giành được vòng nguyệt quế vòng thi quý II với 250 điểm, em Nguyễn Quốc Nhật Minh-lớp 12C2A, Trường THPT chuyên Hùng Vương đã chính thức sở hữu tấm vé vào chung kết Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24. Với thành tích này, Nhật Minh trở thành học sinh đầu tiên mang cầu truyền hình Olympia về với phố núi Pleiku.

cau-th-1-8089.jpg
Nam sinh Gia Lai Nguyễn Quốc Nhật Minh xuất sắc giành vòng nguyệt quế vòng thi quý II Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24. Ảnh: Curtis

Cầu truyền hình chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” diễn ra 8h 30 ngày 13-10-2024 trong sự đón đợi nồng nhiệt của người thân, thầy cô và cổ động viên tỉnh nhà.

Hành trình chinh phục “đỉnh núi” tri thức của Nhật Minh khởi đầu bằng việc thử sức ở các kỳ thi thử do Câu lạc bộ Huyền thoại Vua Hùng của Trường THPT Chuyên Hùng Vương tổ chức. Với kết quả khả quan đạt được, em đã mạnh dạn đăng ký thi Đường lên đỉnh Olympia cấp trường mùa 7 (năm học 2023-2024).

Vượt qua 2 vòng loại, bán kết rồi đến chung kết, Nhật Minh đã xuất sắc giành chiến thắng và trở thành gương mặt đại diện cho Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 của VTV.

Với sự nỗ lực và quyết tâm của mình, Nguyễn Quốc Nhật Minh đã xuất sắc sở hữu tấm vé bước vào trận chung kết năm thứ 24 của cuộc thi. “Em rất vui vì đã chiến thắng bản thân và gặt hái được thành tích ở lĩnh vực mà mình theo đuổi. Em càng hạnh phúc hơn khi mình là người đầu tiên mang cầu truyền hình Olympia về với Trường THPT chuyên Hùng Vương và tỉnh nhà”-Nhật Minh chia sẻ.

cau-th-2-4544.jpg
Nhật Minh trở thành học sinh đầu tiên mang cầu truyền hình Olympia về với Gia Lai. Ảnh: ĐVCC

Đón đợi Nhật Minh “bùng nổ” ở vòng chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” , hàng ngàn cổ động viên Gia Lai, đặc biệt là gia đình, thầy cô và bạn bè bày tỏ sự tự hào, phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Huyền (mẹ Nhật Minh) bày tỏ niềm vui khi con trai của mình đã góp phần nhỏ đưa hình ảnh quê hương đến với bè bạn khắp cả nước.

“Trong thời gian này, bên cạnh động viên, tạo điều kiện tốt nhất con tập trung ôn luyện kiến thức, gia đình tôi còn thường xuyên nhắc nhở con giữ gìn sức khoẻ và rèn luyện thể thao”-bà Huyền cho hay.

Bà Huyền mong rằng, với sự cỗ vũ, động viên, khích lệ từ mọi người, Nhật Minh sẽ bình tĩnh và tự tin, tiếp tục duy trì bản lĩnh để đạt được kết quả tốt ở trận chung kết sắp đến.

Cô Lê Thị Thu-Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương-cho hay: Sau 24 năm tham gia, năm nay, học sinh của trường cũng đã mang về cầu truyền hình Olympia đầu tiên cho tỉnh Gia Lai. Đây là niềm vui, sự tự hào không chỉ của bản thân, gia đình Nhật Minh mà còn là của nhà trường và ngành Giáo dục tỉnh. Nhà trường và gia đình luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để Nhật Minh tham gia cuộc thi một cách tốt nhất.

Đồng thời, trường đã phân công tổ cố vấn đảm trách nhiệm vụ tập luyện, tổ chức các buổi test để Nhật Minh cọ xát, rèn luyện tâm lý bình tĩnh khi gặp các tình huống thử thách.

cau-th-3-7792.jpg
Khu trưng bày "Thiên đường Tây Nguyên"-Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) là nơi tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 24 tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: Bi Ly

“Nhà trường cũng đã phối hợp với Ban Sản xuất các chương trình giải trí (VTV3-Đài Truyền hình Việt Nam) thực hiện kế hoạch quay phóng sự về em Minh, về trường và một số cảnh đẹp của tỉnh Gia Lai. Hy vọng với sự chuẩn bị chu đáo, cầu truyền hình trực tiếp “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 24 tại tỉnh Gia Lai sẽ là dịp để quảng bá hình ảnh, con người, truyền thống hiếu học, văn hóa, lịch sử của tỉnh nhà trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam”-cô Thu thông tin.

Cơ hội quảng bá hình ảnh Gia Lai

Cầu truyền hình chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 24 tại Gia Lai không chỉ là sự kiện mang tính trí tuệ mà còn góp phần quảng bá hình ảnh về bản sắc văn hóa, du lịch của địa phương. Đây là cơ hội để Gia Lai khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch và giáo dục của cả nước, đồng thời nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ tỉnh nhà.

Để sản xuất chương trình Cầu truyền hình chung kết tại điểm cầu tỉnh Gia Lai, đoàn công tác Ban Sản xuất các chương trình giải trí (VTV3-Đài Truyền hình Việt Nam) đã đến TP. Pleiku để khảo sát địa điểm. Theo đó, đoàn đã thống nhất chọn địa điểm khu trưng bày "Thiên đường Tây Nguyên"-Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) làm nơi tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 24 tại tỉnh Gia Lai.

cth-6-238.jpg
Đoàn công tác Ban Sản xuất các chương trình giải trí (VTV3-Đài Truyền hình Việt Nam) khảo sát địa điểm và chọn khu trưng bày "Thiên đường Tây Nguyên"-Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) làm nơi tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 24. Ảnh: Quang Trương

Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương cho rằng: Vị trí này cơ bản phù hợp và thuận lợi cho học sinh và điều kiện nhà trường, phù hợp với mục tiêu của chương trình. Không gian mang đậm dấu ấn của văn hóa Gia Lai. Diện tích đủ rộng để số lượng lớn học sinh và khán giả đến xem và cổ vũ cho em Nhật Minh.

Đây cũng là sự kiện cầu truyền hình trực tiếp Chung kết Olympia lần đầu tiên được tổ chức tại Gia Lai nên chọn Quảng trường Đại Đoàn kết sẽ có hiệu ứng lan tỏa tích cực, phù hợp với quy mô sự kiện. Đoàn công tác cũng đã xác định chủ đề, xây dựng kịch bản cho cầu truyền hình trực tiếp với quy mô dự kiến có sự tham gia của khoảng 3.500 học sinh.

Là đơn vị được UBND tỉnh giao chủ trì, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đoàn thể, đơn vị liên quan và Ban Sản xuất các chương trình giải trí (VTV3-Đài Truyền hình Việt Nam) tổ chức sản xuất cầu truyền hình trực tiếp tại điểm cầu tỉnh Gia Lai.

Ông Trần Bá Công-Phó Giám đốc sở GD-ĐT-cho biết: Sở đã chỉ đạo Trường THPT chuyên Hùng Vương thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ để phối hợp tổ chức sản xuất cầu truyền hình trực tiếp Chương trình; chuẩn bị công tác cỗ vũ cho thí sinh Nguyễn Quốc Nhật Minh và đội tuyển Olympia tại điểm cầu Gia Lai; huy động và chuẩn bị các điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giáo viên tham gia, cổ vũ cuộc thi và hỗ trợ các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ lực lượng cổ vũ.

Cùng với đó, phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, UBND TP. Pleiku chuẩn bị các điều kiện về sân khấu, đại biểu và khán giả tại khu vực khán đài… Sự kiện này nhằm cổ vũ tinh thần học tập và sự phấn đấu không ngừng nghỉ của thế hệ trẻ tỉnh Gia Lai; kết hợp truyền thông giới thiệu, quảng bá về truyền thống giáo dục, văn hóa, du lịch, kinh tế-xã hội và an ninh, quốc phòng cũng như sự quan tâm về giáo dục của tỉnh Gia Lai đến với khán giả cả nước.

cau-th-4-2181.jpg
Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai tổ chức cuộc họp triển khai phối hợp sản xuất chương trình Cầu truyền hình Chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2024 tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Trần Dung

“Sở GD-ĐT cũng phối hợp cùng một số sở, ban ngành, đơn vị của tỉnh triển khai tốt công tác tổ chức sản xuất chương trình, đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định, có tính kỷ luật, giáo dục cao, lan tỏa được giá trị và thông điệp của chương trình trong học sinh và mọi tầng lớp nhân dân.

Trong quá trình thực hiện, tùy theo tình hình thực tế, có thể điều chỉnh, bổ sung nội dung của kế hoạch cho phù hợp”-Phó Giám đốc sở GD-ĐT Trần Bá Công nhấn mạnh.

Cầu truyền hình chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 24 tại Gia Lai là cột mốc đánh dấu một trong những thành công của thầy và trò Trường THPT chuyên Hùng Vương nói riêng và của ngành Giáo dục tỉnh nhà nói chung. Qua đó cổ vũ phong trào xây dựng xã hội học tập và tinh thần học tập suốt đời.

Đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh, con người, truyền thống hiếu học, văn hóa, lịch sử của tỉnh trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Vì vậy, ngoài phóng sự giới thiệu về truyền thống hiếu học với khán giả cả nước, chương trình còn quảng bá hình ảnh và du lịch Gia Lai trong quá trình ghi hình thí sinh dự thi và các cảnh quay lồng ghép.

cau-th-5-8675.jpg
Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương Lê Thị Thu cho rằng Cầu truyền hình trực tiếp chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” là dịp để quảng bá hình ảnh, con người, truyền thống hiếu học, văn hóa, lịch sử của tỉnh nhà. Ảnh: Trần Dung

Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-kỳ vọng: “Khu trưng bày "Thiên đường Tây Nguyên"-Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) được chọn làm nơi tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 24 tại tỉnh Gia Lai. Đây là cơ hội để Pleiku quảng bá hình ảnh về một thành phố xanh, năng động, một “Cao nguyên xanh về sức khoẻ” giàu bản sắc, thân thiện và gần gũi”.

Còn hơn một tuần nữa là em Nguyễn Quốc Nhật Minh (Trường THPT chuyên Hùng Vương) sẽ chính thức bước vào chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 24. Cầu truyền hình không chỉ là một chương trình truyền hình đơn thuần mà còn là cầu nối, là sợi dây gắn kết tình cảm giữa người dân Gia Lai với bạn bè cả nước. Thông qua màn ảnh nhỏ, hình ảnh của tỉnh nhà sẽ được lan tỏa, giúp mọi người hiểu hơn về mảnh đất cao nguyên Gia Lai giàu bản bản sắc.

cau-th-thay-rmah-231.jpg
Thầy Rmah Kmlă-Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai

“Thành tích của Nhật Minh là niềm tự hào không chỉ riêng của nền Giáo dục tỉnh nhà mà còn là niềm tự hào của người dân Gia Lai. Thời gian qua, trong các buổi chào cờ, nhà trường luôn tích cực tuyên truyền, khích lệ học sinh trong trường phấn đấu học tập, noi gương em Nhật Minh. Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, nhà trường đã chuẩn bị trang phục, phân công, sắp xếp khoảng 100 em học sinh tham gia cầu truyền hình nhằm cổ vũ và tiếp thêm động lực cho Nhật Minh. Đây cũng là dịp lan toả bản sắc văn hoá của tỉnh và nét đẹp của học sinh người DTTS ở Gia Lai đến khắp cả nước”.

cau-th-hai-6882.jpg
Em Dương Tiến Hải-Cựu học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, người từng đạt giải nhất tuần hai (tháng 1, quý II) chương trình Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 23

“Không khỏi tự hào khi Nhật Minh đem cầu truyền hình lần đầu tiên về với Gia Lai. Với em đó là một món quà xứng đáng cho công sức của hơn 24 năm các thế hệ học sinh của tỉnh đã liên tục nuôi dưỡng đam mê và nhiệt huyết cho cuộc thi này. Em Nhật Minh trở thành thí sinh vòng chung kết năm sẽ là một động lực để cho các thế hệ sau tiếp tục hành trình này. Em cũng muốn gửi gắm đôi điều đến Nhật Minh trước khi chính thức bước vào cuộc đua cam go. “Nhật Minh, em hãy cố gắng hết sức để khi nhìn lại quãng thời gian này, em sẽ thấy thật sự tự hào nhé”. Qua sự kiện này, Gia Lai sẽ có một hình ảnh hiện đại và sôi động hơn trong mắt người dân cả nước”.

cau-th-thao-ngan-316.jpg
Em Nguyễn Thảo Ngân-Lớp 12B, Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku)

"Sự kiện này như một nguồn động lực mạnh mẽ về sự nỗ lực không ngừng trong việc học tập và rèn luyện bản thân. Việc Nhật Minh chinh chiến ở vòng chung kết cũng góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của tỉnh nhà trên đấu trường quốc gia. Đây không chỉ đơn thuần là chiến thắng của riêng cá nhân bạn Minh nữa. Thành tích này sẽ truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh. Qua sự kiện này, hy vọng bạn bè cả nước sẽ có dịp khám phá và chiêm ngưỡng các danh lam thắng cảnh cùng nền văn hóa phong phú của Gia Lai".

cau-th-thai-2336.jpg
Em Siu Thái-lớp 11B, Trường THPT Dân tộc nội trú Đông Gia Lai

"Em vô cùng tự hào vì bạn Nhật Minh đã lọt vào vòng chung kết của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 24 và đưa Cầu truyền hình đầu tiên của chương trình này về tỉnh nhà. Chúng em được truyền cảm hứng rất nhiều từ sự kiện này. Nó chứng minh rằng, với sự nỗ lực và kiên trì, bất kỳ ai cũng có thể đạt được thành tựu lớn. Hành trình của bạn Minh đã tạo động lực giúp em cố gắng học tập chăm chỉ hơn và có thêm niềm tin vào khả năng của bản thân”.

Có thể bạn quan tâm

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Dù đã về hưu nhưng bà Siu H’Prưng vẫn lưu giữ bằng khen do Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng như một kỷ vật trong quãng đời làm nhà giáo. Ảnh: Vũ Chi

Nhà giáo về hưu: Vẫn một tình yêu da diết với nghề

(GLO)- Dù đã về hưu nhưng tình cảm với trường lớp, với học trò vẫn mãi trong tim các thầy, cô giáo. Lắng nghe chuyện nghề của các nhà giáo đã về hưu tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) giúp ta hiểu thêm về những hy sinh thầm lặng của các thầy cô với sự nghiệp “trồng người”.

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.