Như cau trước bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lúc gia đình tôi chuyển về nơi ở mới, ngay trước cửa đã có hàng cau thẳng tắp. Cây nối nhau, cao tầm hơn chục mét, như chiếc lược lớn chải vào mây trời.

Để chụp bức ảnh lấy được hết dáng cây, tôi phải ngồi rịt xuống đất mới và loay hoay một hồi. Có khi, tôi cứ đắn đo chuyện nên để lại hay bỏ đi, hạ xuống hay giữ nguyên những hàng cau nươm gió ấy.

Theo quan niệm dân gian, khi chọn nơi làm nhà ở, ngoài thế đất còn phải xem hướng trồng cây. Trước nhà, cau được chọn để trồng vì chiếm ít diện tích đất. Cau thanh lọc bớt khí nóng, lại đón được sớm mai để lấy gió mát vào nhà. Tàu lá xòe ra xạc xào gió đung đưa vừa hữu tình, đón bắt sinh khí để tiếp thêm sức sống và không che khuất tầm nhìn, lại như một hàng rào danh dự trấn giữ, bảo vệ cho ngôi nhà. Thân cau chỉ bằng bắp chân người lớn, càng lên cao, thân càng nhỏ lại.

Những cây cau dáng thanh cao vươn thẳng lên trời vi vút xanh. Khi trồng mấy cây cau này, hẳn người chủ nhà trước đó đã hiểu rất rõ câu nói của cha ông “Cây cau trước ngõ, bụi chuối sau nhà” hay “Chuối sau, cau trước” khi bài trí mảnh sân, góc vườn.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Minh họa: HUYỀN TRANG

Sau này, qua nhiều tài liệu, tôi đọc thấy có giải thích rằng, sở dĩ ông bà đúc kết kinh nghiệm trồng cau trước nhà là vì cây cao lớn, vươn lên trời, có khả năng đón nắng gió rất tốt. Do vậy, khi được trồng trước nhà, cau sẽ giúp không khí lưu chuyển, mang theo luồng sinh khí mạnh mẽ cho ngôi nhà.

Tôi thì không thể nghĩ nhiều được như thế, rộng sâu đến vậy, nhưng vẫn nhận ra rằng không gian quanh mình sẽ dịu dàng và gần gũi biết bao khi trước nhà xanh mướt hàng cau, nhất là khi nơi phố xá đã “đất chật, người đông”. Nhất là giữa muôn trùng lạ xa, người người bộn bề công việc, bỗng như thấy quê nhà đâu đây, gần gũi, thân thương.

Trở lại với câu chuyện hàng cau nhà tôi trước bão. Bây giờ thì tôi có thêm lý do để mà giữ lại “những anh chàng gầy còm, xanh xao”. Chuyện là, mấy hôm trước, chỗ tôi ở bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Những cơn gió bạo ngược, như cố vặn mình để hất bật cây cau khỏi mặt đất. Tôi đóng kín cửa, ngồi trong nhà nhưng đôi mắt lo âu vẫn nhìn về phía hàng cau qua khe cửa.

Khi bão ập đến, đất trời như cuộn lên cơn giận dữ, mây đen vần vũ, gió rít từng cơn, cây cối nghiêng ngả, có lúc tưởng chừng như sắp gục ngã. Giữa không gian ấy, hàng cau vẫn đứng đó, vươn mình kiêu hãnh. Có những lúc tưởng chừng chúng sẽ bị gió giật gãy làm đôi hoặc đổ rạp, nhưng không, loài cây ấy vẫn vững vàng và thần kỳ vượt qua cơn bão.

Có lẽ việc cây cau không có cành và thiếu các tán cây xòe to lại đem đến lợi thế cho cau khi đối mặt với gió bão. Lực cản gió trên tán cau thực ra rất thấp. Các tán lá của nó được cấu tạo từ những chiếc lá có một gân sống lớn, găm trên đó là những lá nhỏ và mảnh dài, dễ dàng cho gió xuyên qua. Lá cau có thể bị xé rách tả tơi trong gió bão, nhưng bù lại, lực cản gió của nó sẽ giảm xuống khiến cây khó bị đổ.

Dáng cau mảnh khảnh, tưởng như dễ bị quật ngã bởi sức mạnh của thiên nhiên, lại trở thành hình ảnh của sự kiên cường, bền bỉ chống chọi trước giông gió. Đó là việc biết thích ứng với khó khăn. Trong gió bão, tàu lá cau dài rũ xuống, đong đưa theo từng cơn gió mạnh, mềm mại mà không yếu ớt. Lá cau không hề rơi rụng, mà khẽ lắc mình theo nhịp điệu của tự nhiên.

Mai mốt, tôi sẽ kiếm thêm vài dây trầu không leo dưới gốc cau. Rồi đặt thêm cái chum và gáo dừa ở đó. Tôi vẫn luôn cho rằng, cây cũng như người, cần có bầu có bạn, gắn kết nghĩa tình.

Giờ thì hàng cau vẫn đứng đó, lặng lẽ như chưa từng trải qua những cuồng nộ, cuồng phong vần vũ nào. Mỗi tàu lá, giọt nước đọng lại trên thân cau như kể câu chuyện về sự bền bỉ và gieo lên mỗi chúng ta niềm hy vọng từ những mưa giông cuộc đời.

Cây cau trước bão không chỉ là biểu tượng của thiên nhiên mà còn gợi lên những suy tư sâu xa, những ẩn dụ cho sức sống của con người.

Giống như cây cau, con người sẽ phải đối mặt với rất nhiều sóng gió trong cuộc sống. Có lúc, ta cũng sẽ bị cuốn theo những khó khăn, thách thức, có lúc tưởng chừng như gục ngã. Nhưng nếu biết cách đứng vững, linh hoạt thích ứng, chắc chắn sẽ vượt qua. Và rồi, góc sân nhà tôi vẫn xanh, hàng cau trước gió vẫn xao động mỗi ngày.

Có thể bạn quan tâm

Cái gạc-măng-rê của mẹ

Cái gạc-măng-rê của mẹ

Mấy tuần nay, bà ngoại sắp nhỏ dọn nhà đi nơi khác nên những thứ đồ cũ kỹ được bỏ bớt. Chỉ có cái gạc-măng-rê (garde manger), chuyển mấy lần nhưng mẹ tôi để hoài không nỡ bỏ. Cái gạc-măng-rê được đặt ở góc bếp, lặng im, cũ kỹ nhưng chứa đầy kỷ niệm của từng thành viên.
Hương ổi mùa xa

Hương ổi mùa xa

(GLO)- Tôi không lớn lên giữa đồng bằng miền Bắc để được biết đến cái ngọt ngào và tinh túy của đất trời vào thu bằng hương cốm hay hương thị đẫm hồn xưa.
Tự “chữa lành” cho bản thân

Tự “chữa lành” cho bản thân

(GLO)- Cứ gần đến ngày nghỉ lễ là các anh chị đồng nghiệp lại xúm xít hỏi nhau: “Lễ này đi chơi ở đâu?”. Còn tôi thì chỉ muốn nghỉ ngơi bên gia đình. Đã rất nhiều năm rồi, tôi không có khái niệm đi chơi ngày lễ, nhất là những chuyến đi chơi xa dài ngày.
Bất chợt mùa lá rụng

Bất chợt mùa lá rụng

(GLO)- Mùa thu ở xứ sở nhiệt đới như nước Việt chúng ta, sự chuyển đổi của thiên nhiên không rõ ràng, đặc tả như ở trời Âu. Nhưng sắc thái của mùa lá rụng cũng đủ để làm xao động lòng người, ghi dấu ấn vào thi ca, nhạc họa từ xưa đến nay
Sắc lan mùa phố

Sắc lan mùa phố

(GLO)- Người chơi lan vẫn có câu: “Kiến giả thị bảo, bất kiến giả thị thảo” (Nghĩa là: Biết thì là bảo vật, không biết thì chỉ là cỏ). Vì thế, mỗi người chơi lan sẽ có một cách ứng xử riêng với hoa.
Quê cũ

Quê cũ

(GLO)- Xe bắt đầu rẽ vào con đường bê tông rộng rãi. Trước mắt là xóm làng với những ngôi nhà cao tầng, mái lợp ngói đỏ nhấp nhô. Bên trái là cánh đồng lúa sắp vào vụ gặt, vàng ươm trải dài.

Tháng Chín...

Tháng Chín...

Tháng Chín khiến người ta nhớ và bâng khuâng khi vấn vương một tà áo trắng, một ánh mắt cười trong ngày khai giảng. Mới đó mà đã gần hai mươi năm trôi qua. Không dưng thèm bé lại, được hồn nhiên tung tăng cắp sách tới trường như thuở nào.
Nghĩa tình hàng xóm

Nghĩa tình hàng xóm

(GLO)- Mặc dù chuyển đến nơi ở mới đã lâu nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn về thăm những người hàng xóm cũ. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, nói chuyện hoài không hết, tôi lại càng thấm thía hơn lời dạy của người xưa “Hàng xóm tối lửa, tắt đèn có nhau”.
Tháng Chín yêu thương

Tháng Chín yêu thương

Ngày đầu tiên của tháng Chín, tôi đi trong nắng thu vàng mà lòng trào dâng nhiều cảm xúc. Xin gửi lời chào tháng mới yêu thương, với Tết Độc lập của dân tộc và những ngày đầu đến trường sau kỳ nghỉ hè.

Chòi rẫy

Chòi rẫy

(GLO)- Trong rẫy của người Jrai bao giờ cũng có một cái chòi. Sau khi thu hoạch nông sản, tất cả sẽ được cất giữ tại chòi rẫy.
Thương những bờ xanh

Thương những bờ xanh

(GLO)- Từng có những bờ xanh thật xanh, mãi cứ ngời biếc ở một khoảng nào đó trong tâm thức chúng tôi, những đứa trẻ đã từng lớn lên giữa trong lành xa xưa ấy.
Nhà

Nhà

(GLO)- Bạn từ phố về quê chơi. Suốt đêm đầu tiên, tôi nghe tiếng bạn trở mình, lục đục đi ra, đi vào. Sáng dậy, mắt bạn đỏ kè, ngồi uống cà phê còn ngâm nga câu: “Thức đêm mới biết đêm dài”.
Ngóng mẹ đi chợ về

Ngóng mẹ đi chợ về

(GLO)- Ngóng mẹ đi chợ về luôn là cả một niềm yêu thích với tuổi thơ của chị em chúng tôi. Mỗi lần mẹ đi chợ là chị em mau mải chạy ra cổng hoặc tận đầu ngõ, trốn dưới một bóng cây nào đó và mắt thì cứ liên tục ngóng ra phía mẹ đi về.
Chuyện tình ở xóm Đá Côi

Chuyện tình ở xóm Đá Côi

“Đá Côi”, tên xóm có từ khi nào không ai biết, kể cả ông Sáu, người lớn tuổi nhất vùng lớn lên từ thời Pháp thuộc, trải qua 20 năm kháng chiến chống Mỹ, giờ vẫn còn trụ lại với bà con nhiều thế hệ.
Bao la tình mẹ

Bao la tình mẹ

Chị không thương con như cách những người mẹ khác hay làm, nhưng chị là một người mẹ vĩ đại. Đó là những gì mà tôi và nhiều người nhìn thấy ở chị- một người phụ nữ bị thiểu năng trí tuệ, yếu thế trong xã hội.
Làng tôi

Làng tôi

(GLO)- Chuyến về quê lần này, tôi theo vợ chồng chú em Huỳnh Văn Hòa ra ruộng mướp vào một sáng mùa hè để tận hưởng không gian thoáng đãng cùng người làng tôi, đất làng tôi.
Ngày hè đã xa

Ngày hè đã xa

(GLO)- Khi những cơn gió Lào bắt đầu xao xác rặng tre gầy, cái ran rát đã cảm nhận được trên da thịt cũng là lúc ngày nghỉ hè chính thức bắt đầu.
Nhớ thu xưa

Nhớ thu xưa

(GLO)- Ngày ấy, khi những cây mù u trong vườn nhà nở chùm hoa trắng phảng phất hương thơm thì tôi biết trời đã sang thu.
Thân thương quà tặng

Thân thương quà tặng

(GLO)- Tặng quà và nhận quà là một phần trong cuộc sống của mỗi người, trong mọi nền văn hóa. Dù ở hoàn cảnh khác nhau, món quà không giống nhau, nhưng tình cảm dành cho nhau luôn là điều đáng quý.