Cuốn sách bị đánh cắp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
Chiếc xe khách như con trâu kiệt sức, phì phò thở hắt ra mấy lượt rồi bất động. Gã tài xế trẻ măng vặn vặn mấy cái nút, cố khởi động lại nhưng chiếc xe vẫn im ru.

Gã mở cửa, chạy xuống phía đuôi xe, giở thùng xe ra xem. Rồi gã đóng sập, đưa chân đá mạnh vào thân xe và lẩm bẩm chửi. Không biết đây là lần thứ bao nhiêu chiếc xe này giở chứng hư giữa đường. Gã là lái xe thuê, chứ là xe của gã chắc đã tống nó ra bãi phế liệu rồi. Gã bước lên xe, nhăn nhó thông báo với hành khách là xe hư giữa đường, mọi người xuống nghỉ ngơi tạm để gã gọi trạm sửa xe lưu động, chắc cỡ vài tiếng nữa mới khởi hành lại. Mọi người nhốn nháo, miễn cưỡng rời khỏi xe.

Minh họa: HIỂN TRÍ

Minh họa: HIỂN TRÍ

Bà Hương ngồi hàng ghế cuối, nãy giờ mải ngắm mấy cụm hoa dại ven đường không để ý lời tài xế. Khi thấy mọi người xuống hết bà già mới giật mình xuống theo. Chiếc xe đò lên thành phố, hư đúng đoạn đường chẳng có quán xá gì. Vài ngôi nhà khang trang rải rác, ẩn sâu trong những vườn cây trái sum sê. Gần hai mươi người ngáp ngắn ngáp dài, kẻ đứng người ngồi xổm trước cánh cổng một ngôi nhà đưa ánh mắt mỏi mệt nhìn chiếc xe.

Chừng mươi phút, cánh cổng cọt kẹt mở, một người đàn ông trung niên bước ra. Ông lướt nhìn chiếc xe cũ kỹ nằm bên vệ đường rồi nhanh nhẹn cúi xuống mở chốt cửa, đẩy rộng hai cánh sang hai bên, rồi bảo trong lúc đợi sửa xe mọi người có thể vào sân nhà mình nghỉ mệt, có lu nước mát rửa mặt cho khỏe.

Mọi người dòm vào cái sân gạch đỏ au được bao trùm bởi bóng mát của cây xoài xanh um rồi mạnh chân bước vào. Bà Hương cũng rón rén bước theo sau. Không khí mát mẻ làm bà thấy dễ chịu hẳn.

Vườn rộng, toàn cây ăn trái lâu năm. Bên cạnh sân còn treo mấy giò phong lan nở bông tím ngắt. Chủ nhà bưng ra một thùng trà đá đặt lên bộ bàn ghế đá ngoài hiên. Ông nhanh tay rót vài ly đặt lên bàn rồi mời mọi người uống. Bà nhìn cái dáng tất bật của ông, thấy ngờ ngợ mà không thể nhớ nổi là ai.

Khi chủ nhà bưng ly trà tới đưa cho bà thì bất chợt kêu lên, ly nước trên tay ông bị nghiêng chảy xuống đất:

- Cô Hương… có phải là cô Hương không?

- Anh là…?

- Dớn đây, Dớn ngày trước ở làng Xa Xôi đây, cô nhớ em không?

Cái tên Xa Xôi nhắc cho bà Hương về một đoạn đời chẳng thể nào quên. Hồi đó Hương mới ra trường, được phân công về dạy một trường miền núi xa lắc xa lơ. Bởi xa quá nên người ta mới đặt tên là Xa Xôi.

Xe đò thả Hương xuống ven đường, lơ xe đưa tay chỉ, lội qua con suối, đi bộ nửa tiếng là tới trường. Bữa đầu tiên ấy Hương ngơ ngác nhìn cái trường chỉ có một lớp học lợp bằng lá đã cũ nát, bên cạnh là chỗ ăn ở của giáo viên.

Trưởng làng nhìn vẻ mặt ngơ ngác của cô giáo, ông đưa tay chỉ một ngọn đồi bảo bên kia đồi có một trường điểm, bên đó người ta xây khang trang nhưng xa quá tụi trẻ con ở đây không đến được.

Trưởng làng về rồi, Hương kinh hãi nhìn mấy con chuột cắn lộn, đuổi nhau chí chóe dưới cái bếp ăn. Da gà nổi lên, Hương ra sân vơ lấy cục đá ném xuống. Lũ chuột nghe tiếng động rúc vào góc bếp nhưng chỉ vài giây sau chúng lại tiếp tục chạy ra cắn mấy củ sắn dưới gầm mà chẳng mảy may sợ người.

Hương không sợ trời, không sợ đất, chỉ sợ chuột. Tối ngủ lũ chuột vẫn không thôi dọa cô bằng tiếng chít chít ghê rợn. Cô trùm chăn kín đầu, nghe tiếng gió thổi u u ngoài rừng vắng, tiếng chim cú mèo kêu ngoài cây cổ thụ gần trường. Cô xoay trái, xoay phải, cả đêm không ngủ được vì sợ.

* * *

Ở làng Xa Xôi, người ta chỉ quan tâm đến cái bụng, ít ai nghĩ cho tương lai nên họ thường lắc đầu khi Hương đến nhà bảo cho con họ đi học. Những sườn đồi khô khốc đá chỉ toàn những cây sắn dặt dẹo. Mấy đứa con nít ốm nhom ốm nhách nhe răng cười khi cô giáo đến nhà. Vận động mãi rồi mười mấy đứa con nít cũng đến lớp, lớn nhỏ được gom lại thành một lớp.

Khi đè viên phấn lên cái bảng đen sờn cũ bong tróc Hương suýt rơi nước mắt. Cô dạy tụi nhỏ chữ O, chữ A. Tụi nhỏ mắt sáng trưng, đọc chữ xong chúng quay qua nhe răng cười với nhau. Ngồi trong lớp học, thỉnh thoảng Hương thấy một đầu tóc lấp ló sau mấy bụi cỏ ngang bụng bên hông trường.

Dạy xong, Hương xuống bếp nhen lửa nấu cơm ăn. Lần nào xuống bếp cũng cầm cái cây, đập đập vào vách, vào mấy cái bọc treo gần đó bởi sợ những con chuột ăn vụng có thể phóng ra bất cứ lúc nào. Buổi chiều rảnh rỗi Hương lôi mấy cuốn sách ra đọc.

Sách cũ, đọc đi đọc lại có đoạn thuộc lòng nhưng không đọc sách thì Hương chẳng biết làm gì ở nơi chỉ có gió và núi này. Một bữa, Hương để cuốn sách đọc dở lên cái bàn gỗ rồi xuống bếp nấu cơm. Quay lên thấy cuốn sách đã biến mất tự khi nào. Cô nhìn ngược nhìn xuôi bốn bề vắng lặng, tự hỏi hổng lẽ nơi này có ma?

* * *

Một chiều, Hương đi hái rau về cải thiện bữa ăn thì bị trượt chân té xuống suối. May sao lúc chới với giữa dòng nước có đứa trẻ chăn trâu gần đó nhảy xuống kéo cô lên bờ. Nhìn cô giáo tóc tai rũ rượi, quần áo ướt mem nó cười khùng khục.

Hương chưa hết bàng hoàng vì suýt chết đuối đã thấy nó lanh lẹ đi men bờ suối, vạch trong đám lá xanh um nó bẻ tanh tách từng ngọn rau dớn non mởn. Chỉ một loáng nó đã chìa trước mặt Hương bó rau “cho cô nè”. Hương đưa tay nhận bó rau hỏi nó tên gì, học lớp mấy.

- Tui tên Dớn. Dớn là rau dớn á cô. Tại nhà tui ăn rau dớn miết nên má tui đặt tên tui vậy á. Tui không đi học bữa nào nên không có học tới lớp mấy.

- Sao Dớn không đi học?

- Tại nghèo quá á cô. Tiền đâu học. Với lại cũng đâu có thời gian học, dưới tui còn 5 đứa em nữa.

Nói xong Dớn quay lưng đi về hướng con trâu đang thủng thẳng ăn cỏ gần đó. Hương nhìn theo cái dáng nhỏ xíu mà rắn rỏi đoán chừng nếu đi học Dớn cũng học lớp 5 rồi. Mà ở làng này, chuyện con nít không đi học cũng bình thường như chuyện mặt trời lặn mọc. Một bữa, Hương đang lúi húi dưới bếp thì giật mình vì có người đứng sau lưng. Hương quay lại thì thấy Dớn cười lỏn lẻn, chìa cho cô mớ rau dớn.

- Tui mới hái được ở dưới suối đó. Để lâu lâu tui hái cho cô giáo, sợ cô ra suối té chết à.

Chưa kịp nghe Hương nói lời cảm ơn, Dớn đã ù chạy. Từ bữa đó, những buổi chiều Dớn thường dong trâu ngang trường để cho Hương khi thì mớ ốc đá, nhúm rau rừng, có khi mấy trái sim mập mạp. Những buổi chiều có Dớn ghé ngang, làm cho Hương thấy vui trong những buổi chiều nhìn nắng rúc dần sau đỉnh núi thâm u.

Một chiều, Dớn chìa cho Hương bó rau rồi chìa tiếp quyển sách, bảo trả cho cô giáo. Hương tròn xoe mắt nhìn cuốn sách bị mất của mình hôm bữa. Dớn gãi đầu, gãi tai, mặt đỏ lựng rồi lí nhí bảo mình cũng muốn đọc sách, lén trộm về lật tới lật lui chỉ thấy trong sách như kiến xếp từng hàng. Thỉnh thoảng Dớn cũng len lén chăn trâu gần trường, nghe lỏm tụi nó đọc chữ A, chữ O. Lúc đó Hương mới biết Dớn không biết chữ.

- Em có muốn học không, cô dạy em, chiều chiều tới đây, học mỗi ngày một chút thôi, để em biết đọc biết viết.

- Thiệt hông cô? Cô dạy tui thiệt hả?

- Thiệt, nhưng đừng xưng tui, xưng là em nghe!

Những buổi chiều sau đó, hai cái đầu chụm lại ở cái bàn gỗ cũ. Hương dạy Dớn chữ A, chữ O. Bàn tay to bè, thô kệch của Dớn hái rau, mò ốc nhanh nhẹn mà viết chữ còn cực hơn người ta đi cày. Dớn mím môi viết. Dớn trệu trạo ráp vần. Rồi Dớn cũng đọc được cái tiêu đề sách, đọc được dòng đầu, rồi đọc nguyên một trang. Mới có mấy tháng mà đã đọc trôi chảy không cần đánh vần.

Khi Dớn đọc thông thạo, Hương đưa Dớn cuốn sách “Những người khốn khổ” mà hôm bữa Dớn lấy trộm bảo đọc đi. Khi trả lại sách cho Hương mặt Dớn buồn thiu. Dớn nói sách buồn quá, Dớn không hiểu hết nhưng thấy người ta khổ mà Dớn buồn, có đoạn Dớn còn chảy nước mắt nữa. Hương nhìn cậu học trò trước mắt, tự nhiên thấy lòng êm ru như ánh chiều đang rớt trên cánh đồng.

Biết Hương sợ chuột, Dớn kiếm ít mỡ trăn bôi quanh bếp, quanh nhà. Chỉ một hôm mà lũ chuột chạy mất dạng. Đêm đêm Hương đã có thể ngủ ngon lành. Mỗi bận về xuôi thăm nhà quay lên, Hương đều thấy Dớn đợi sẵn khi Hương bước xuống xe đò. Dớn lại đỡ cái bọc nặng trĩu quàng lên vai mình rồi dắt Hương qua suối. Trong cái bọc là mớ sách Hương mang lên cho Dớn.

Dớn say mê đọc hết cuốn này đến cuốn khác. Có lúc đọc mà nước mắt chảy ròng ròng không để ý cô giáo nhìn mình. Hương dạy ở Xa Xôi hơn một năm thì được chuyển về xuôi. Ngày chia tay, Dớn rưng rưng nước mắt. Hương tặng Dớn cuốn “Những người khốn khổ”, bảo Dớn đã biết đọc biết viết thì mai mốt xuống xuôi học lấy cái nghề, đừng quanh quẩn mãi với sắn, với bắp…

* * *

Ông Dớn nắm lấy bàn tay gầy gò của cô Hương lắc lắc. Ông bảo tìm cô mãi mà hồi xưa cô đi không địa chỉ, không điện thoại biết đâu mà tìm. Nghe lời cô, thằng Dớn xuống xuôi đi học nghề điện. Từ thằng thợ rồi cũng lên thầy, rồi có cái cửa hàng điện dân dụng to đùng ngoài thị trấn. Vợ Dớn làm văn phòng, hai đứa con Dớn đã đi học đại học cả.

Bà Hương định nói mà cơn xúc động khiến bà không cất lời được nên cứ đưa đôi mắt rưng rưng nhìn học trò cũ. Dớn nắm lấy tay cô như hồi xưa dắt Hương qua suối dẫn vào căn nhà khang trang. Bà đưa mắt nhìn quanh căn nhà bóng lộn rồi dừng ở cái kệ xếp đầy những sách. Ông Dớn đứng trước kệ, với tay lấy cuốn sách dày cộm đã ngả màu thời gian rồi đưa cho bà Hương.

Bà Hương lật sách, trang đầu tiên có dòng đề tặng: “Tặng học trò thân yêu của cô Hương”. Những dòng nước mắt cứ chảy ròng ròng từ đôi mắt đầy vết chân chim của bà Hương mà không cách nào kìm lại được. Dớn đưa đôi mắt đỏ hoe nhìn bà Hương, bảo nhờ cái lần trộm sách ấy mà Hương đã cho Dớn một cuộc đời khác...

Tiếng còi xe ting ting giục hành khách ngoài cổng. Bà Hương chùi nước mắt chào Dớn rồi quày quả bước ra sân. Bà bảo phải lên kịp chuyến xe, con gái bà đang nằm viện trên thành phố. Dớn chạy theo, dúi vội vào tay bà số điện thoại rồi nói với theo: “Cô lên trước, mai em nhất định lên thành phố tìm cô”… Xe ậm ì rời chỗ, qua cửa kính bà Hương vẫn nhìn thấy Dớn đứng trông theo cho đến khi chỉ còn là một cái chấm nhỏ xíu…

Theo NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN (QNO)

Có thể bạn quan tâm

Thương những bờ xanh

Thương những bờ xanh

(GLO)- Từng có những bờ xanh thật xanh, mãi cứ ngời biếc ở một khoảng nào đó trong tâm thức chúng tôi, những đứa trẻ đã từng lớn lên giữa trong lành xa xưa ấy.
Nhà

Nhà

(GLO)- Bạn từ phố về quê chơi. Suốt đêm đầu tiên, tôi nghe tiếng bạn trở mình, lục đục đi ra, đi vào. Sáng dậy, mắt bạn đỏ kè, ngồi uống cà phê còn ngâm nga câu: “Thức đêm mới biết đêm dài”.
Ngóng mẹ đi chợ về

Ngóng mẹ đi chợ về

(GLO)- Ngóng mẹ đi chợ về luôn là cả một niềm yêu thích với tuổi thơ của chị em chúng tôi. Mỗi lần mẹ đi chợ là chị em mau mải chạy ra cổng hoặc tận đầu ngõ, trốn dưới một bóng cây nào đó và mắt thì cứ liên tục ngóng ra phía mẹ đi về.
Chuyện tình ở xóm Đá Côi

Chuyện tình ở xóm Đá Côi

“Đá Côi”, tên xóm có từ khi nào không ai biết, kể cả ông Sáu, người lớn tuổi nhất vùng lớn lên từ thời Pháp thuộc, trải qua 20 năm kháng chiến chống Mỹ, giờ vẫn còn trụ lại với bà con nhiều thế hệ.
Ngồi ngắm sương mù

Ngồi ngắm sương mù

(GLO)- Nhiều lần, tôi thấy mình cứ nhớ thương một thứ gì đó rất mơ hồ, hình như là sương mù. Bạn tôi cười bảo: “Sương mù ở đâu mà chẳng có, ngay trong thành phố này, cứ thức dậy thật sớm để chạy bộ ven hồ, trong công viên... là thấy được sương mù giăng tầng tầng lớp lớp”. 
Chờ mùa

Chờ mùa

(GLO)- Ông bà thường nói: Mưa lúc nào mát mặt lúc ấy! Đó là khi trời oi bức, khô hanh, chứ lê rê mãi hoài món “đặc sản” mưa cao nguyên thì quả thực là... rát mặt. Thức dậy trong tiếng mưa rơi ràn rạt trên mái hiên sau một đêm chập chờn, hẳn là nhiều người sẽ có tâm trạng chờ mùa, chờ nắng.
Bao la tình mẹ

Bao la tình mẹ

Chị không thương con như cách những người mẹ khác hay làm, nhưng chị là một người mẹ vĩ đại. Đó là những gì mà tôi và nhiều người nhìn thấy ở chị- một người phụ nữ bị thiểu năng trí tuệ, yếu thế trong xã hội.
Thân thương quà tặng

Thân thương quà tặng

(GLO)- Tặng quà và nhận quà là một phần trong cuộc sống của mỗi người, trong mọi nền văn hóa. Dù ở hoàn cảnh khác nhau, món quà không giống nhau, nhưng tình cảm dành cho nhau luôn là điều đáng quý.
Nỗi lo mùa mưa

Nỗi lo mùa mưa

(GLO)- Hồi trước, vào những ngày mưa dầm, má tôi thường nhìn trời mà than: Mưa vầy đồng ngập nước hết, lúa hư lấy gì mà ăn đây!
Gác bếp ngày mưa

Gác bếp ngày mưa

Nhìn cơn mưa đổ xuống như trút mà hắn thở dài. Cả tháng nay mưa liên miên. Mưa lang thang qua những mái ngói nâu trầm, rỉ rả trong từng kẽ hở của thưng ván.
Sự chân thành

Sự chân thành

(GLO)- Sau khi bố mất, bạn tôi đưa mẹ lên thành phố sống cùng. Vì vốn quen với cuộc sống nông thôn, với anh em, hàng xóm láng giềng ở quê nên bà thường bảo buồn, muốn về nhà. Con cái động viên kiểu gì bà cũng không chịu ở.

Hoàng hôn Tây Nguyên

Hoàng hôn Tây Nguyên

(GLO)- “Người đã hẹn đi về phía núi/để thấy hàng thông châm lá vào chiều/khi nỗi nhớ gối lên hoàng hôn ngủ/ta thành ngọn đá chờ trông”. Văng vẳng bên tai mấy câu thơ trong bài “Đá núi” của tác giả Lữ Hồng, khi tôi đang lặng người ngắm hoàng hôn buông nơi núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.
Trốn tìm

Trốn tìm

(GLO)- Cách đây vài chục năm, quê tôi chưa có điện đường. Điện thắp trong nhà cũng chỉ là những bóng đèn sợi tóc với ánh sáng tù mù, yếu ớt. Tối tối, lũ trẻ con chúng tôi thường rủ nhau chơi trốn tìm.
Căn bếp ngày xưa

Căn bếp ngày xưa

(GLO)- Con trai tôi từ nhà hàng xóm trở về với khuôn mặt đầy nhọ. Thằng bé nhoẻn miệng cười tươi, trên tay là củ khoai lang nướng. Con đưa tay quệt ngang trán, lớp nhọ trộn lẫn với mồ hôi khiến mặt càng thêm nhem nhuốc. Chỉ bấy nhiêu thôi mà lòng tôi lại rộn lên bao xúc cảm.

Chiếc đèn bão

Chiếc đèn bão

(GLO)- Mấy hôm nay, trời mưa dầm dề khiến tôi lại nhớ tới chiếc đèn bão. Mẹ tôi nói, chiếc đèn này có mặt trong gia đình trước lúc tôi chào đời. Sở dĩ người ta gọi là đèn bão vì nó có khả năng chịu gió bão rất tốt.
Tình bạn

Tình bạn

(GLO)- Tôi có một ông bạn đã quá cố. Khi còn sống, cuộc sống gia đình ông không mấy hạnh phúc. Bù lại, ông có rất nhiều bạn.

“Như vị muối chung lòng biển mặn”

“Như vị muối chung lòng biển mặn”

(GLO)- Nhiều lần, tôi thử đứng trước những cánh đồng muối để tìm cho được vẻ đẹp lấp lánh trong những câu chuyện về đời muối. Những hạt muối đi vào đời sống, nếp nghĩ của bao người và chứa đựng cả một đại dương yêu thương.