Trăng ngọc ngà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Non đêm, mấy người đàn ông trung niên trong xóm tụ lại trước sân nhà Minh, chơi cờ giết thời gian, ca hát góp vài tiếng lao xao chờ đón trăng lên. Trong đám người lao xao đó có vợ chồng Thụy.

Bữa tiệc đón trăng chỉ là dĩa hạt dưa, bánh trái giản dị quê nhà, cùng với bình trà đen đậm đà, hết vơi lại đầy. Vài cái lồng đèn chạy pin phát nhạc thiếu nhi đung đưa theo nhịp chân tụi trẻ con trong khu phố. Chúng tụ lại nhà anh.

Những đôi mắt tròn xoe tinh nghịch sáng bừng lên khi được nhận bánh nướng thơm phức, xinh xắn từ ông chủ tiệm bánh hào phóng. Minh là ông chủ của tiệm bánh lạ lùng nhất xứ này: mỗi năm tiệm chỉ bật lò nướng bánh đúng lần duy nhất, vào rằm tháng Tám, đón trăng lên.

Minh họa: HIỂN TRÍ

Minh họa: HIỂN TRÍ

Xứ này vừa đi qua cơn bão lịch sử khủng khiếp nhất sau sáu mươi năm. Thụy ngó ra đường, những gốc cây ngã trong bão vừa được moi hết rễ, chuẩn bị cho một cái cây mới mang về thay thế.

Nhớ bữa đó, mọi chuyến bay bị hoãn. Tin tức rúng động về bão khiến hai vợ chồng thắt thỏm không yên nơi xứ người. Bầu trời Singapore vẫn trong vắt. Nhưng lòng người thì quằn quại gió dông. Không cách nào liên lạc được với cha con Minh.

Đêm đó, Thụy ngồi gục trên sofa, chồng Thụy chong mắt vào màn hình điện thoại. Không một tiếng nói, chỉ phập phồng chờ trông. Mọi thứ như đông cứng lại. Cho đến bây giờ, cô không tin được hai vợ chồng có thể trở về đây, còn được mặt đối mặt, tay cầm tay với người nhà.

Minh kể, bữa đó mái nhà lưu lạc theo cơn cuồng phong. Hai cha con, bằng một phép màu nào đó, còn dính mắc vào những rường cột của ngôi nhà. Anh cười, nụ cười của người đi qua dông bão thật lạ lùng, Thụy không sao quên được, cả trong giấc ngủ.

- Kiểu gì thì, cơn bão nó cũng nương tay để anh còn gặp hai đứa đó mà!

Tháng này, nghe nói là tháng có trăng tròn nhất trong năm. Người về giữa độ trăng tròn hẳn, đoàn viên rưng rưng nước mắt, tay bắt mặt mừng, âu cũng là phước lành rất lớn. Trăng lên, rướn mình qua khỏi những ngọn cây. Đêm trăng phủ lên phố nhỏ một màu nhàn nhạt, thành ra buồn.

Mà chốn này có lúc nào không buồn, không lặng. Bão cũng không thổi hết cái thứ buồn lạ lùng đó trôi đi, mà chừng như còn ứa thêm nhiều nỗi buồn khác nữa. Thị trấn buồn tênh. Gió buồn tênh. Và lòng Thụy, cũng buồn tênh như gió trăng kia.

Mái tóc Minh đã lấm tấm bạc. Những nếp nhăn như sóng cuộn trên trán anh. Hồi đám cưới hai vợ chồng Thụy, Minh đứng ra góp lời. Giọng anh run rẩy chúc mừng đôi vợ chồng trẻ. Ngày tiễn ở sân bay, bóng lưng Minh chỉ còn là cái chấm nhỏ khuất lấp sau những xô bồ.

Cô chỉ mong ngày về, đón hai vợ chồng cô sẽ là Minh và một người phụ nữ nào đó, tay đan tay cùng anh. Nhưng hai mươi năm rồi, lần nào trở về, hai vợ chồng cô vẫn không khỏi chạnh lòng. Minh vẫn vậy, chỉ khác là có thêm cô con gái nuôi chạy loanh quanh ôm chân ba, cười tíu tít. Không có bàn tay phụ nữ nào đan vào bàn tay thô ráp của anh. Không một ai.

Ngoài sân, bàn tiệc cũng sắp tàn, giọng Minh nhè nhẹ ngân dài:

Cơn bão tạnh lâu rồi

Hàng cây xanh thắm lại

Nhưng em đã xa xôi

Và cơn bão lòng ta thổi mãi…(*)

Đoạn, Minh kêu con gái tới, dặn dò gì đó. Đứa con gái quày quả đi xuống bếp, ngang chỗ Thụy ngồi, nó ghé lại, rù rì.

*

* *

Mai Thụy bay về Sing. Đêm Trung thu ở quê nhà, sau nhiều năm xa xứ, kiểu gì thì cũng là một đêm trăng thật đẹp, và phải đẹp. Để nó sẽ thành một ký ức đầy ắp thứ ánh sáng lấp lánh của khuôn trăng ngọc ngà kia, mai này.

Có lần chồng hỏi ướm, mai này khi chúng ta già, em sẽ nhớ nhất điều gì? Lúc đó, Thụy im thinh. Không lẽ bây giờ cô nói, điều cô nhớ nhất là nụ cười sau bão của Minh. Người đàn ông tưởng chừng đã ra khỏi cơn bão, nhưng thật ra dông gió vẫn quăng quật trong lòng.

Thụy ôm vai Quỳnh:

- Nhớ thím nhiều không, Quỳnh?

Con nhỏ cười híp mắt:

- Con không nhớ thím, thì nhớ ai!

Quỳnh, đứa con gái cù bất cù bơ bị bỏ trong một đêm trăng sáng nơi đầu ngõ, cất tiếng khóc như tiếng mèo kêu. Cái tiếng khóc đó, nó khiến Minh ở vậy suốt hai mươi năm trời. Hai con người không dây mơ rễ má gì nhau, mà thành cha con, mà thành người một nhà. Có lần Minh nói, “nhờ” lụm được nó mà tui ế tới già!

Con nhỏ kéo Thụy xuống góc bếp. Nó mở cửa gạc-măng-rê, quờ quạng một lúc, kéo ra dĩa bánh nướng thơm lừng, thì thầm:

- Quà của thím! Ba nói thím thích nhất loại này.

Thụy sững người nhìn dĩa bánh trên tay con nhỏ. Là nó đó, những chiếc bánh của hơn hai mươi năm trước. Là mùi thơm đó, mùi nước đường cố hữu, mùi bột, mùi rượu mai quế lộ lẫn trong mùi lạp xưởng, mỡ, mè, mùi lá chanh thơm the…

Là cái bánh được ép từ khuôn gỗ tròn đầy viên mãn. Là bột mì phủ trắng xóa đôi bàn tay của cậu thanh niên lớn tướng, tung tóe lên cả đầu tóc cô và chồng cô, văng vào cả những cặp mắt đang ứa những thèm thuồng. Nhà thiếu đôi tay đàn bà và cả đàn ông, thì đôi tay của cậu thanh niên ấy buộc phải biết nhào bột, thắng nước đường, trộn bột đường bao nhiêu cho “đứng bánh”…

Thụy mê thứ bánh nướng thập cẩm đó, một cái bánh gói ghém biết bao nhiêu nguyên liệu cầu kỳ. Chồng cô lại khác. Anh chỉ thích bánh nướng nhân đậu xanh. Sau này cô mới hiểu, chính sự đơn giản ấy giúp anh sống dễ dàng hơn cô và anh trai mình. Minh nhạy cảm với mọi thứ xung quanh. Sự nhạy cảm khiến anh thu mình lại, như ánh trăng cô độc.

- Ba nói, phần này gói kỹ cho chú thím đem qua đó ăn dần. Biết chú thím về, ba con dành nguyên một ngày làm bánh, đến nỗi quên ăn cơm.

Quỳnh là đứa con gái có thể khiến người đối diện tan chảy vì sự tử tế ngọt ngào của mình. Nó xắn cái bánh nướng, nhón cho Thụy miếng đầy đặn nhất. Thụy nhấp miếng bánh, nghe mùi vị xưa cũ lịm dần trong khoang miệng. Năm nào cô cũng đón trăng xứ người cùng chồng, cũng bánh ngon, trà thơm hảo hạng. Nhưng với cô, cái sự ngon đó cũng trôi tuột đi nhanh chóng.

*

* *

Bọn trẻ con sau khi ăn bánh, uống xá xị no bụng là kéo nhau đi rước đèn, hò hét um cả dãy phố, hòa trong tiếng trống lân xa xa. Quỳnh cười hồn nhiên:

Làm con nít sướng thiệt thím ha! Con ước quay lại làm con nít!

Câu nói của con nhỏ khiến Thụy chột dạ. Thì cô cũng khác gì Quỳnh đâu, cũng mong mỏi mình trở về tuổi nhỏ, dù chỉ một lần. Để được cùng hai anh em Minh đi ra đồng, gặt lúa giữa đêm trăng. Trăng trung thu của hai mươi năm trước sáng vằng vặc, soi rõ cả bóng người trên bờ đê.

Những ngày thu, ban ngày nắng gắt, người xứ này thường rủ nhau ra đồng gặt lúa đêm trăng để trốn nóng. Hồi đó, nơi này chưa đô thị hóa như bây giờ, chỉ vài ngôi nhà có tầng thượng, cây cối cũng không quá um tùm, nên trăng mênh mang cả một vùng.

Trăng vốn đẹp, mọi thứ dưới trăng cũng trở nên lung linh. Thụy nhớ người xứ này hay ví trăng như một cô gái ngọc ngà, quý phái nhưng không kiêu sa, không quá lộng lẫy chói chang như mặt trời. Có lẽ vậy mà những cô thôn nữ đẹp dịu dàng nơi này đều được ví như ánh trăng.

Ba mẹ mất trong một tai nạn bất ngờ, hai anh em Minh nương nhau mà sống. Minh chỉ lớn hơn em trai 2 tuổi. Nhà Thụy cùng dãy nhà anh em Minh, cô lại chung lớp với em trai Minh nên cả 3 thân thiết từ nhỏ. Ba người, cứ vậy mà bên nhau đi qua hết đoạn tuổi thơ.

Minh, có lúc ngồi thừ giữa hiên nhà đầy gió, mắt sớm đọng những nỗi âu lo rất già. Em trai anh vô tư hơn, chỉ biết chú tâm học hành, luôn là học sinh xuất sắc. Minh ngược lại, thường xuyên bỏ lớp vì phải dang nắng ngoài đồng gặt lúa mướn cho người ta.

Những con diều đầy màu sắc Thụy và em trai anh thả lên trời cao đều là do Minh làm. Những lồng đèn đón trung thu con cá, ngôi sao lấp lánh cũng là anh chẻ tre dán giấy mà thành. Rồi đến đoạn Minh phải đi học làm bánh trung thu chỉ để làm cho hai đứa ăn, tiết kiệm tiền mua bánh bên ngoài đắt đỏ. Sau này, mỗi mùa trung thu, anh chỉ làm một ít cho tụi nhỏ trong khu phố.

Minh nhường hẳn suất vào đại học cho em trai. Có lẽ cuộc đời anh sống chỉ biết nhún mình xuống, chưa bao giờ đạp lên vai ai. Cuộc đời Minh, là một điều thương, chín điều nhường…

*

* *

Khi cánh đàn ông cáo lui, Thụy chợt nhớ ra, hỏi Minh:

- Cầu vọng nguyệt, nó còn như trước không, anh Minh?

Minh gật:

- Vẫn còn Thụy à. Nó vẫn ở đó. Vẫn có trăng dưới nước và trăng trên trời. Chỉ có con người là thay đổi thôi.

Minh đưa vợ chồng Thụy ra thăm cầu vọng nguyệt. Cây cầu gỗ nhỏ bắc qua con kênh dẫn nước về đồng năm xưa. Nó vẫn ở đó, được gia cố mỗi năm. Trăng lênh đênh trên mặt nước. Bóng Minh cũng ngả nghiêng. Tuổi thơ đã trôi qua tay và không cách nào níu giữ được. Như mặt trăng cũng đã trôi qua kẽ tay Minh, lúc anh khum tay vớt trăng lên theo yêu cầu của Thụy lúc nhỏ.

*

* *

Đêm trăng mười sáu. Lại một lần nữa Minh tiễn vợ chồng Thụy ra sân bay. Những vết chân chim trên khóe mắt anh díu lại. Nụ cười giãn ra. Tiếng Quỳnh hát khe khẽ khi hai cha con ngồi xe trở về nhà.

“Trăng dưới nước là trăng trên trời, người trước mắt là người trong tim…”.

Giọng con bé thật ấm. Bên ngoài kính xe, mọi thứ chìm dần vào đêm, nhạt nhòa…

Thụy nhìn ra màn đêm qua cửa kính máy bay. Mắt cô ứa lệ khi nhớ rằng trước đây Minh chưa từng được ăn trọn vẹn một miếng bánh nướng thơm lành, dù chính tay mình làm ra.

Lại nhớ giọng cười trong trẻo của bé Quỳnh. Thụy hiểu, với Minh, con bé chỉ là cái cớ…

-------------

(*): Bão - thơ Tế Hanh

Theo TRẦN HUYỀN TRANG (QNO)

Có thể bạn quan tâm

Cơn mưa ngang qua

Cơn mưa ngang qua

Tiết trời vào sáng sớm khá oi nồng, nhưng bầu trời lại phủ kín một màu mây xám đục chứ không trong trẻo như mọi khi. Rồi bất chợt mưa rào rào mà không có gió, có sấm báo trước.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Mùa hoa hẹn phố

(GLO)- Thỉnh thoảng, bạn bè thời đại học ngẫu hứng gửi vào nhóm Zalo bức ảnh về một loài hoa. Dù không giải thích lời nào nhưng lập tức nhiều phản hồi, nhiều icon xuất hiện.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Món quà của chị Hai

(GLO)- Thời tiểu học, tôi khá biếng nhác việc học. Kết quả học tập của tôi năm nào cũng gần như “đội sổ”, trầy trật hết cách mới không bị lưu ban. Trong khi đó, các anh chị tôi đều học giỏi. Tuy nhiên, đọc cuốn sách 'Vượt đêm dài' của nhà văn Minh Quân do chị Hai tặng đã thay đổi cuộc đời tôi.

Tan biến giữa rừng

Tan biến giữa rừng

(GLO)- Tôi mê đắm Tây Nguyên bắt đầu từ 2 chữ “đại ngàn”. Tôi cũng đã từng mường tượng về những cánh rừng bạt ngàn, tán cây che kín không thấy ánh mặt trời, dây leo và cây bụi lấp kín không một lối mòn, muông thú chạy nhảy dưới những tán xanh.

Giai âm tiếng lòng

Giai âm tiếng lòng

(GLO)- Nếu tin rằng mọi thứ đều có nguyên do thì lý do ra đời của cây đàn guitar chắc hẳn là niềm ưu ái vô bờ mà thượng đế đặc biệt ban tặng cho con người.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

Nhớ hội trại ngày ấy

Nhớ hội trại ngày ấy

(GLO)- Cứ mỗi dịp tháng 3, khi thấy học sinh nô nức chuẩn bị cho hội trại, lòng tôi lại xao xuyến nhớ về những ngày áo trắng tung bay trên sân trường đầy nắng với bao ước mơ, hoài bão.

Những bức ảnh cũ

Những bức ảnh cũ

(GLO)- Một hôm, tôi vô tình phát hiện cuốn album cũ nằm lẫn giữa đống giấy tờ trong ngăn tủ quần áo. Tôi cầm lên, có cảm giác như chạm vào từng ký ức xa xôi. Ngày xưa yêu dấu theo những bức ảnh lần lượt quay về.

Chờ đợi tầm xuân

Chờ đợi tầm xuân

(GLO)- Tầm xuân đã trở thành cái tên rất quen thuộc với chúng ta, nằm lòng như mấy câu lục bát: “Trèo lên cây bưởi hái hoa/Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/Em có chồng anh tiếc lắm thay”.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Nếp nhăn của mẹ

(GLO)- Từ lúc còn nhỏ, tôi đã quen với hình ảnh của mẹ-một người phụ nữ cần mẫn, tảo tần từ sáng đến tối. Mẹ như bông lúa chín, dẻo dai trước nắng mưa nhưng vẫn mang trên mình những dấu ấn của thời gian. 

Minh họa: HUYỀN TRANG

Bảng lảng mùa sương

(GLO)- Chiếc xe bắt đầu sang số, nhấn ga để vào địa phận đèo dốc. Trước mặt chúng tôi, sương giăng đầy. Sương bao trùm đỉnh núi, bám phủ quanh rừng cây, buông mình lên những vạt cỏ, xóa luôn dấu vết con đường quanh co, khúc khuỷu. Kính xe mờ, mặt người đẫm lạnh.

Minh họa: Huyền Trang

Nẻo về Pleiku

(GLO)- Tôi ngồi gõ những dòng này vào ngày đầu tiên thí điểm mở thông tuyến đường Trần Hưng Đạo đoạn đi qua phía trước Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên (TP. Pleiku).

Hoa muộn

Hoa muộn

(GLO)- Người xưa yêu chuộng hoa mai, xem mai là loài hoa biểu trưng cho người quân tử, có cốt cách chính trực, phong nhã.

Hương lúa

Hương lúa

(GLO)- Tuổi thơ tôi gắn liền với cánh đồng lúa bát ngát với mùi hương lúa thơm nồng mỗi mùa vụ. Đó là hương thơm của quê hương, của những ngày tháng gắn bó với ruộng đồng, của những ký ức tuổi thơ êm đềm và tình yêu đất mẹ thiêng liêng.

Nhớ tuổi thơ “cắt cỏ, chăn bò”

Nhớ tuổi thơ “cắt cỏ, chăn bò”

Ai cũng có một tuổi thơ với nhiều kỷ niệm. Tuổi thơ của chúng tôi ngày ấy ở quê cũng “đặc biệt” lắm. Đó là ngoài việc đi học, còn phải phụ giúp gia đình chăn bò, cắt cỏ, làm đồng. Tất nhiên, đó cũng là những ngày tháng vui chơi đầy ắp tiếng cười.

Minh họa: Huyền Trang

Nắng đượm thềm xuân

(GLO)- Trời nhè nhẹ dần ấm lên theo bước đi chầm chậm của mùa xuân. Ai cũng có cảm giác ngày tháng thênh thênh dài rộng hẳn ra, dù mỗi ngày vẫn chừng ấy giờ đồng hồ.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Hoa trang đỏ

(GLO)- Mỗi dịp 8-3 hay 20-10, khi thấy người thân, bạn bè gửi những bó hoa tươi thắm tới người phụ nữ mà họ yêu quý, lòng tôi lại bùi ngùi nhớ mẹ. Mẹ đã rời xa tôi gần 20 năm. Còn tôi lại chưa một lần tặng hoa cho mẹ.

Chạm miền thương nhớ

Chạm miền thương nhớ

(GLO)- Chiếc xe rẽ trái đưa chúng tôi vào con đường làng. Cánh đồng xanh giữa những vườn dừa tươi tốt dần hiện ra trước mắt. Một cảm xúc thật lạ kỳ đang dâng lên trong lòng.

Minh họa: H.T

Nơi những cánh chim trở về

(GLO)- Ngày bé, tôi thường phải ở nhà một mình. Với một đứa trẻ, điều ấy chẳng những không thú vị mà còn đáng sợ. Nếu ai đã từng xem bộ phim “Ở nhà một mình” của đạo diễn Chris Columbus sẽ thấy cậu bé Kevin phải đối diện với những hiểm nguy ra sao.