Để chụp bức ảnh lấy được hết dáng cây, tôi phải ngồi rịt xuống đất mới và loay hoay một hồi. Có khi, tôi cứ đắn đo chuyện nên để lại hay bỏ đi, hạ xuống hay giữ nguyên những hàng cau nươm gió ấy.
Theo quan niệm dân gian, khi chọn nơi làm nhà ở, ngoài thế đất còn phải xem hướng trồng cây. Trước nhà, cau được chọn để trồng vì chiếm ít diện tích đất. Cau thanh lọc bớt khí nóng, lại đón được sớm mai để lấy gió mát vào nhà. Tàu lá xòe ra xạc xào gió đung đưa vừa hữu tình, đón bắt sinh khí để tiếp thêm sức sống và không che khuất tầm nhìn, lại như một hàng rào danh dự trấn giữ, bảo vệ cho ngôi nhà. Thân cau chỉ bằng bắp chân người lớn, càng lên cao, thân càng nhỏ lại.
Những cây cau dáng thanh cao vươn thẳng lên trời vi vút xanh. Khi trồng mấy cây cau này, hẳn người chủ nhà trước đó đã hiểu rất rõ câu nói của cha ông “Cây cau trước ngõ, bụi chuối sau nhà” hay “Chuối sau, cau trước” khi bài trí mảnh sân, góc vườn.
Minh họa: HUYỀN TRANG |
Sau này, qua nhiều tài liệu, tôi đọc thấy có giải thích rằng, sở dĩ ông bà đúc kết kinh nghiệm trồng cau trước nhà là vì cây cao lớn, vươn lên trời, có khả năng đón nắng gió rất tốt. Do vậy, khi được trồng trước nhà, cau sẽ giúp không khí lưu chuyển, mang theo luồng sinh khí mạnh mẽ cho ngôi nhà.
Tôi thì không thể nghĩ nhiều được như thế, rộng sâu đến vậy, nhưng vẫn nhận ra rằng không gian quanh mình sẽ dịu dàng và gần gũi biết bao khi trước nhà xanh mướt hàng cau, nhất là khi nơi phố xá đã “đất chật, người đông”. Nhất là giữa muôn trùng lạ xa, người người bộn bề công việc, bỗng như thấy quê nhà đâu đây, gần gũi, thân thương.
Trở lại với câu chuyện hàng cau nhà tôi trước bão. Bây giờ thì tôi có thêm lý do để mà giữ lại “những anh chàng gầy còm, xanh xao”. Chuyện là, mấy hôm trước, chỗ tôi ở bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Những cơn gió bạo ngược, như cố vặn mình để hất bật cây cau khỏi mặt đất. Tôi đóng kín cửa, ngồi trong nhà nhưng đôi mắt lo âu vẫn nhìn về phía hàng cau qua khe cửa.
Khi bão ập đến, đất trời như cuộn lên cơn giận dữ, mây đen vần vũ, gió rít từng cơn, cây cối nghiêng ngả, có lúc tưởng chừng như sắp gục ngã. Giữa không gian ấy, hàng cau vẫn đứng đó, vươn mình kiêu hãnh. Có những lúc tưởng chừng chúng sẽ bị gió giật gãy làm đôi hoặc đổ rạp, nhưng không, loài cây ấy vẫn vững vàng và thần kỳ vượt qua cơn bão.
Có lẽ việc cây cau không có cành và thiếu các tán cây xòe to lại đem đến lợi thế cho cau khi đối mặt với gió bão. Lực cản gió trên tán cau thực ra rất thấp. Các tán lá của nó được cấu tạo từ những chiếc lá có một gân sống lớn, găm trên đó là những lá nhỏ và mảnh dài, dễ dàng cho gió xuyên qua. Lá cau có thể bị xé rách tả tơi trong gió bão, nhưng bù lại, lực cản gió của nó sẽ giảm xuống khiến cây khó bị đổ.
Dáng cau mảnh khảnh, tưởng như dễ bị quật ngã bởi sức mạnh của thiên nhiên, lại trở thành hình ảnh của sự kiên cường, bền bỉ chống chọi trước giông gió. Đó là việc biết thích ứng với khó khăn. Trong gió bão, tàu lá cau dài rũ xuống, đong đưa theo từng cơn gió mạnh, mềm mại mà không yếu ớt. Lá cau không hề rơi rụng, mà khẽ lắc mình theo nhịp điệu của tự nhiên.
Mai mốt, tôi sẽ kiếm thêm vài dây trầu không leo dưới gốc cau. Rồi đặt thêm cái chum và gáo dừa ở đó. Tôi vẫn luôn cho rằng, cây cũng như người, cần có bầu có bạn, gắn kết nghĩa tình.
Giờ thì hàng cau vẫn đứng đó, lặng lẽ như chưa từng trải qua những cuồng nộ, cuồng phong vần vũ nào. Mỗi tàu lá, giọt nước đọng lại trên thân cau như kể câu chuyện về sự bền bỉ và gieo lên mỗi chúng ta niềm hy vọng từ những mưa giông cuộc đời.
Cây cau trước bão không chỉ là biểu tượng của thiên nhiên mà còn gợi lên những suy tư sâu xa, những ẩn dụ cho sức sống của con người.
Giống như cây cau, con người sẽ phải đối mặt với rất nhiều sóng gió trong cuộc sống. Có lúc, ta cũng sẽ bị cuốn theo những khó khăn, thách thức, có lúc tưởng chừng như gục ngã. Nhưng nếu biết cách đứng vững, linh hoạt thích ứng, chắc chắn sẽ vượt qua. Và rồi, góc sân nhà tôi vẫn xanh, hàng cau trước gió vẫn xao động mỗi ngày.