Gia Lai kiên quyết xử lý học sinh không đủ tuổi sử dụng xe máy điện

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Việc học sinh không đủ tuổi sử dụng xe máy điện đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT). Vì vậy, các đơn vị trường học và ngành chức năng tỉnh Gia Lai đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp với xử lý các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo ATGT cho học sinh khi bước vào năm học mới.

Với ưu điểm gọn nhẹ, không cần giấy phép lái xe, xe đạp điện, xe máy điện được nhiều phụ huynh lựa chọn làm phương tiện cho con mình sử dụng. Tuy nhiên, do nhiều học sinh chưa đủ tuổi, chưa có nhiều kỹ năng điều khiển phương tiện nên tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ quan, đơn vị trường học tăng cường tuyên truyền, xử lý học sinh không đủ tuổi sử dụng xe máy điện tham gia giao thông. Ảnh: Đức Thụy

Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ quan, đơn vị trường học tăng cường tuyên truyền, xử lý học sinh không đủ tuổi sử dụng xe máy điện tham gia giao thông. Ảnh: Đức Thụy

Thầy Trần Văn Dũng-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Nay Der (xã Hnol, huyện Đak Đoa) cho biết: Toàn trường có 170 em sử dụng xe đạp điện. Đa phần các em là người dân tộc thiểu số, nhà xa trường học. Trước thềm năm học 2024-2025, nhà trường phối hợp cùng Công an xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về ATGT cho các em khi tham gia giao thông bằng xe đạp điện.

“Nhà trường còn thành lập các đội cờ đỏ để theo dõi việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông của học sinh sử dụng xe đạp điện đến trường. Trường hợp học sinh vi phạm, giáo viên sẽ nhắc nhở, giáo dục và phân tích để các em nhận biết hành vi của mình, từ đó không tái phạm”-thầy Dũng nêu giải pháp.

Trong khi đó, thầy Phan Đình Toàn-Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (xã Đông, huyện Kbang) thì cho hay: Trường có trên 200 học sinh thì hơn 50% sử dụng xe đạp điện đi học. Đáng chú ý, trường nằm sát với tỉnh lộ nên mật độ phương tiện qua lại đông đúc, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cho các em học sinh mỗi khi tan trường.

Chính vì vậy, nhà trường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở và hướng dẫn các em học sinh tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm, đi đúng phần đường quy định, chú ý quan sát, không phóng nhanh, vượt ẩu.

Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung nhấn mạnh: Ngoài việc trang bị kiến thức, giáo dục pháp luật về ATGT đường bộ cho học sinh, nhà trường còn đề nghị phụ huynh nhắc nhở con em mình tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông; đồng thời, cam kết không giao xe gắn máy, xe máy điện khi con chưa đủ tuổi.

Ngoài ra, nhà trường còn duy trì và nhân rộng mô hình “Cổng trường ATGT”, các đội thanh niên tình nguyện, đội cờ đỏ, đội xung kích tại khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm, kết hợp với việc phối hợp các ngành, đoàn thể nhắc nhở, kiểm tra nhằm nâng cao nhận thức về ATGT đối với học sinh của trường.

Theo Trung tá Mạc Thế Nguyên-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Kbang): Từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an đã tổ chức tuyên truyền, sinh hoạt ngoại khóa 45 đợt tại 43 trường học với hơn 8.000 lượt học sinh, giáo viên tham gia. Qua đó, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong học sinh được nâng lên, hạn chế tình trạng các em chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe điều khiển xe máy điện, xe mô tô.

Bên cạnh đó, Công an 14 xã, thị trấn còn xây dựng mô hình “Cổng trường ATGT”, thường xuyên nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về ATGT nhằm nâng cao nhận thức của học sinh khi tham gia giao thông.

Tình trạng học sinh đi xe máy điện đến trường khá phổ biến ở nhiều địa phương. Ảnh: Minh Nguyễn

Tình trạng học sinh đi xe máy điện đến trường khá phổ biến ở nhiều địa phương. Ảnh: Minh Nguyễn

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Bá Công-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo-cho biết: Để chấn chỉnh tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy điện tham gia giao thông, Sở đã có công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh và phụ huynh; vận động đến từng gia đình không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; tăng cường tuyên truyền quy định cấm người dưới 16 tuổi điều khiển xe gắn máy, xe máy điện.

Cùng với đó, duy trì và nhân rộng mô hình “Cổng trường ATGT”, triển khai các đội thanh niên tình nguyện, đội cờ đỏ, đội xung kích... tại khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm để nhắc nhở, tạo thói quen chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông cho học sinh và phụ huynh.

Đồng thời, tổ chức thống kê các phương thức đi lại của học sinh dưới 16 tuổi từ tiểu học đến THPT khi đến trường để kiểm tra, chấn chỉnh, có biện pháp xử lý, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy điện đến trường.

Có thể bạn quan tâm