Đòn bẩy để hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp, nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn 13 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai dần được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Tuyến đường liên thôn và đồng thời là đường đi ra khu sản xuất được bê tông đã giúp người dân làng Bla Trek và Ktăng (xã Kdang, huyện Đak Đoa) đi lại và vận chuyển nông sản thuận lợi hơn. Ảnh: H.T

Tuyến đường liên thôn và đồng thời là đường đi ra khu sản xuất được bê tông đã giúp người dân làng Bla Trek và Ktăng (xã Kdang, huyện Đak Đoa) đi lại và vận chuyển nông sản thuận lợi hơn. Ảnh: H.T

Ông Trần Văn Văn-Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh-cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng NTM, giai đoạn 2011-2024, tỉnh đã huy động trên 14 ngàn tỷ đồng vốn trực tiếp, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án và sự hỗ trợ của doanh nghiệp, người dân đóng góp để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội khu vực nông thôn.

Từ nguồn vốn này, các địa phương đã xây dựng và nâng cấp được trên 9.670 km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và 225 công trình thủy lợi; kiên cố hóa trên 436 km kênh mương; xây dựng và sửa chữa 946 công trình trường học, 43 chợ nông thôn. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ người dân xóa hàng ngàn nhà tạm, nhà dột nát và nâng cấp, cải tạo nhiều công trình dân sinh nhằm phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-cho biết: Chương trình xây dựng NTM đã giúp cho diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt. Đặc biệt, việc xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hình thành chuỗi liên kết trong phát triển kinh tế.

“Trong giai đoạn 2021-2025, từ nguồn vốn xây dựng NTM và các nguồn vốn lồng ghép khác, huyện có 188 công trình được đầu tư xây dựng, nâng cấp với tổng kinh phí hơn 681 tỷ đồng. Trong số này có 88 công trình giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được xây dựng, nâng cấp tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân.

Bên cạnh đó, huyện có 28 công trình đập, hồ chứa nước, 1 trạm bơm, 25 cống đầu mối và gần 16 km kênh mương thường xuyên được nâng cấp đáp ứng nhu cầu tưới cho trên 6,6 ngàn ha cây trồng hàng năm và trên 17 ngàn ha cây trồng lâu năm”-ông Luyến thông tin.

Cũng từ nguồn vốn chương trình xây dựng NTM, huyện Đak Đoa đã cải tạo và xây dựng nhiều công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Riêng giai đoạn 2021-2024, huyện đã huy động gần 228 tỷ đồng để triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Trong đó, huyện đã đầu tư cứng hóa gần 96 km đường giao thông; xây dựng và nâng cấp 9 công trình thủy lợi, 22 công trình trường học, 2 hội trường, 15 nhà văn hóa. Đặc biệt, hệ thống đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được mở rộng và cứng hóa đã giúp cho việc đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn.

Kể từ khi con đường đi ra khu sản xuất được bê tông hóa, người dân làng Bla Trek và Ktăng (xã Kdang, huyện Đak Đoa) có thêm động lực để lao động sản xuất.

Ông Mâm-Trưởng thôn Bla Trek-cho hay: Con đường này có chiều dài gần 2 km dẫn ra khu sản xuất cà phê của làng. Trước đây, con đường này chỉ rộng 5 m, bị lầy lội vào mùa mưa. Vì thế, khi Nhà nước hỗ trợ kinh phí làm đường, người dân làng Bla Trek đã hiến 500 m2 đất, đóng góp 180 triệu đồng cùng với dân làng Ktăng bê tông hóa được 1 km. “Hiện nay, tuyến đường được mở rộng lên 8 m, trong đó, lòng đường bê tông rộng 3,5 m và có hệ thống mương thoát nước”-ông Mâm nói.

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã kiên cố hóa được trên 436 km kênh mương. Ảnh: Hồng Thương

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã kiên cố hóa được trên 436 km kênh mương. Ảnh: Hồng Thương

Đến nay, toàn tỉnh có 3/17 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 96/182 xã đạt chuẩn NTM; 159 thôn, làng đạt chuẩn NTM (trong đó có 128 làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số). Bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh đạt 14,9 tiêu chí NTM.

Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, việc đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, tỉnh có địa bàn rộng với 182 xã, nhu cầu nguồn lực cho phát triển hạ tầng nông thôn rất lớn, nhất là cơ sở hạ tầng thủy lợi mới đáp ứng 12,5% nhu cầu phục vụ sản xuất của người dân.

Bên cạnh đó, việc bố trí kinh phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình còn khó khăn; việc huy động đóng góp từ người dân và kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp chưa nhiều.

“Để góp phần giải quyết những khó khăn trong công tác đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp trên địa bàn, tỉnh sẽ tiếp tục lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án để đầu tư hạ tầng nông nghiệp phục vụ xây dựng NTM, đặc biệt là từ nguồn vốn trực tiếp của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Chương trình kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn.

Bên cạnh đó, tỉnh có chính sách thu hút các dự án đầu tư phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp, hình thành vùng nguyên liệu tập trung để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy, cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm và tham gia phát triển hạ tầng nông thôn.

Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia đóng góp công sức, tiền của để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn nhằm phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sản xuất của người dân tại địa bàn”-Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.