Gia Lai bàn giải pháp nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAPI năm 2024

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 26-6, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá, rút kinh nghiệm Chỉ số Cải cách hành chính, Chỉ số SIPAS và Chỉ số PAPI năm 2023 của tỉnh; đồng thời đề ra giải pháp cải thiện các chỉ số trên trong năm 2024.

Quang cảnh hội nghị bàn giải pháp nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAPI. Ảnh: Lam Nguyên

Quang cảnh hội nghị bàn giải pháp nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAPI. Ảnh: Lam Nguyên

Tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì hội nghị với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành; các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh; đại diện Trung tâm Phục vụ hành chính công, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh. Tại điểm cầu cấp huyện có sự tham gia của Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; trưởng các phòng, ban cấp huyện và lãnh đạo các xã, phường, thị trấn...

Theo báo cáo tại hội nghị, tổng số điểm Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Gia Lai năm 2023 là 82,17/100 điểm, cao hơn năm 2022 là 1,82 điểm, xếp vị trí thứ 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữ nguyên so với năm 2022.

Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS) của tỉnh đạt 83,84%, cao hơn năm 2022 là 1,32%, xếp vị trí thứ 19/63, thấp hơn 3 bậc so với năm trước.

Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (Chỉ số PAPI) của tỉnh đạt 40,32/80 điểm tối đa, xếp vị trí 51/61 (dữ liệu của 2 tỉnh Quảng Ninh và Bình Dương bị khuyết do kết quả khảo sát vượt giá trị sai số cho phép trong thống kê nên không được đưa vào báo cáo), tăng 0,64 điểm và tăng 7 bậc.

Nhiều giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, vướng mắc nhằm nâng cao các chỉ số đã được đưa ra thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Lam Nguyên

Nhiều giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, vướng mắc nhằm nâng cao các chỉ số đã được đưa ra thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Lam Nguyên

Tại hội nghị, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã thảo luận một số nội dung nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong công tác cải cách tài chính công, công tác xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành CCHC tại địa phương; sáng kiến và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nghiêm túc nhìn nhận kết quả thực hiện và trách nhiệm trong triển khai các nội dung, nhiệm vụ được giao; đồng thời rút kinh nghiệm để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao các chỉ số của tỉnh năm 2024.

Theo đó, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC; quan tâm bố trí đủ nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ CCHC. Thực hiện nghiêm việc cập nhật, lưu trữ hồ sơ TTHC vào Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh theo quy định tại Điều 17, Nghị định số 61/2018/NĐ-CP.

"Cần thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, tổ chức, hướng đến giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn, giảm thời gian đi lại và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức; nếu để xảy ra trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ TTHC phải thực hiện đầy đủ và đúng quy định về việc xin lỗi người dân, tổ chức. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, yêu cầu người dân, tổ chức nộp thêm các giấy tờ ngoài quy định khi giải quyết TTHC; kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị về các quy định TTHC, tránh gây bức xúc, tạo dư luận không tốt trong Nhân dân"-Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức thực hiện việc rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nghiêm túc bố trí cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm đã được phê duyệt; thường xuyên tự kiểm tra, rà soát, khắc phục những sai sót, hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ.

Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Lam Nguyên

Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Lam Nguyên

Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh cũng yêu cầu rà soát lại chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để có phương án đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp đối với những người còn thiếu tiêu chuẩn theo quy định. Triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đã phê duyệt; thực hiện đúng quy định về việc sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước từ việc lập dự toán, quá trình thực hiện chi, tổ chức rà soát lại quy chế chi tiêu nội bộ theo đúng quy định.

Mặt khác, rà soát, đẩy mạnh sử dụng các dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP). Triển khai nghiêm túc việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết và cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và nâng cao tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Đặc biệt cần tiếp tục triển khai Kế hoạch số 1166/KH-UBND ngày 19-5-2023 về hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Công văn số 2346/UBND-KGVX ngày 31-8-2023 về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 629/KH-UBND ngày 19-3-2024 triển khai chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công”...

Ngoài ra, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị các thành viên của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt tại các lĩnh vực mình theo dõi, phụ trách, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức hàng năm…

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung: Sớm tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án của THACO AGRI

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung: Sớm tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án của THACO AGRI

(GLO)- Chiều 17-12, đồng chí Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Nông nghiệp Trường Hải (THACO AGRI) và Công ty TNHH Chăn nuôi bò Trung Nguyên (thuộc Tập đoàn THACO AGRI) để tìm hiểu các dự án triển khai tại huyện Chư Prông.

HĐND tỉnh Gia Lai giám sát việc cấp giấy CNQSDĐ cho đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất

HĐND tỉnh Gia Lai giám sát việc cấp giấy CNQSDĐ cho đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất

(GLO)-Chiều 16-12, tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Đoàn giám sát HĐND thực hiện giám sát Sở TN-MT, Ban Dân tộc tỉnh về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.