Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long: Nâng cao tinh thần trách nhiệm trong cải cách hành chính và chuyển đổi số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 16-4, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long-Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS), Đề án 06, cải cách hành chính (CCHC) tỉnh đã chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết quý I, triển khai nhiệm vụ quý II-2024 về CĐS, Đề án 06 và CCHC.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; thành viên và tổ trưởng, tổ phó tổ giúp việc các Ban Chỉ đạo: CĐS tỉnh, Đề án 06 tỉnh, CCHC tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh. Hội nghị được kết nối đến các điểm cầu cấp huyện, cấp xã với trên 2.000 đại biểu tham gia.

Kịp thời giải quyết các “điểm nghẽn”

Báo cáo tại hội nghị ghi nhận: Trong quý I, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến CCHC, Đề án 06 và CĐS. Theo đó, tỉnh đã hoàn thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh; tra cứu thông tin dân cư phục vụ giải quyết TTHC; rà soát, đẩy mạnh triển khai chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; triển khai chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công” trên địa bàn tỉnh; các ngân hàng triển khai giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay…

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P.D

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P.D

Nhờ đó, các “điểm nghẽn” trong năm 2023 đã được giải quyết và thúc đẩy nhanh quá trình CĐS, CCHC trên địa bàn tỉnh. Đến nay, các sở, ngành đã thực thi phương án đơn giản hóa đối với 561/1.086 TTHC (đạt 52%). Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia đã cung cấp 4.505 DVC trực tuyến; có hơn 12 triệu tài khoản đăng ký, hơn 287 triệu hồ sơ đồng bộ; hơn 30,2 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích. Cổng DVC tỉnh cung cấp 1.788 DVC trực tuyến (855 TTHC toàn trình, 854 TTHC một phần), 19.689 tài khoản đăng ký, hơn 2 triệu lượt hồ sơ đồng bộ. 220 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cấp xã, 143 điểm bưu điện bố trí máy tính kết nối internet và cán bộ hỗ trợ hướng dẫn người dân nộp hồ sơ qua DVC trực tuyến.

Cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã đã tiến hành tra cứu, khai thác thông tin dân cư phục vụ giải quyết TTHC, DVC trên hệ thống một cửa điện tử. Trong quý I, các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã đã giải quyết 115.184 hồ sơ TTHC, trong đó, số hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 98,86%. Việc xử lý TTHC của các đơn vị, địa phương được công khai trên mạng internet và được kết nối, cung cấp thông tin theo thời gian thực với Cổng thông tin điện tử Chính phủ, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng DVC quốc gia. Cùng thời gian, toàn tỉnh đã thực hiện gửi, nhận hơn 403.511 lượt văn bản điện tử (ước tính tiết kiệm hơn 2,8 tỷ đồng); khoảng 97% văn bản được gửi hoàn toàn dưới dạng điện tử (sử dụng chữ ký số, chứng thư số và gửi trên môi trường điện tử).

Về kết quả xây dựng chính quyền số, tất cả TTHC của tỉnh được cung cấp trên Cổng DVC tỉnh, trong đó có 856 DVC trực tuyến toàn trình, 995 DVC trực tuyến một phần, đã tích hợp 759/1.205 DVC trực tuyến lên Cổng DVC quốc gia (chiếm 49%). Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến/tổng số hồ sơ phát sinh của các DVC trực tuyến toàn trình, một phần đạt 27,1%; tỷ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia, Cổng DVC tỉnh đạt 22,4%.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: P.D

Các đại biểu tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: P.D

Đến nay, 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử; số doanh nghiệp nhỏ và vừa có sử dụng nền tảng số chiếm 30%; doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử, doanh nghiệp có đủ điều kiện sử dụng hợp đồng điện tử đạt 35%; doanh nghiệp nhỏ và vừa được cung cấp thông tin, tiếp cận các nền tảng CĐS đạt trên 90%; doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng CĐS đạt khoảng 30%; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7,5%; chỉ số thương mại điện tử của tỉnh năm 2023 đạt 13,6 điểm, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc so với năm 2022, tăng 6 bậc so với năm 2021) và xếp thứ 3/5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Tỷ lệ hộ gia đình có đường truyền internet cáp quang băng rộng đạt 55,5% và người dân sử dụng internet đạt 68%; tỷ lệ dân số trưởng thành được cấp tài khoản định danh, xác thực điện tử đạt 67,76%.

Xã Tơ Tung (huyện Kbang) là địa phương có điểm đánh giá xếp loại việc xây dựng chính quyền số đạt khá. Ông Trần Xuân Nam-Chủ tịch UBND xã-cho biết: Địa phương xác định việc đầu tiên là thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của cán bộ về CĐS. Xã lấy kết quả trong việc triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cũng như khen thưởng, động viên kịp thời cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, xã quán triệt đầy đủ, kịp thời, rộng rãi các văn bản liên quan CĐS và tranh thủ sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp.

Đề xuất các giải pháp trọng tâm, trọng điểm

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị, các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ một số nội dung còn chậm chuyển biến, chậm tiến độ, những “điểm nghẽn” về pháp lý, hạ tầng, an ninh, an toàn, DVC, kinh phí, nhân lực… Từ đó, đề xuất các giải pháp trọng tâm, trọng điểm nhằm giải quyết dứt điểm các nhiệm vụ trong năm 2024 và hướng tới hoàn thành các mục tiêu CĐS đến năm 2025 cũng như các mục tiêu của Đề án 06 đã đề ra.

Giải trình về việc tiến độ số hóa sổ hộ tịch chậm, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh Lê Quang Thái cho rằng nguyên nhân khách quan là do phần mềm hộ tịch thường xuyên bị lỗi. Còn nguyên nhân chủ quan là vì công tác chỉ đạo, đôn đốc chưa thật sự quyết liệt của huyện, xã; công chức phụ trách mảng số hóa hộ tịch yếu về công nghệ thông tin và lúng túng trong triển khai thực hiện. “Huyện đã phân công Phó Chủ tịch UBND huyện và lãnh đạo các phòng, ban liên quan cùng các địa phương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở nhằm đẩy nhanh tiến độ; tăng cường lực lượng Công an xã cùng công chức tư pháp-hộ tịch để thực hiện số hóa hộ tịch; đồng thời, đưa một số cán bộ tư pháp-hộ tịch từ các xã đã hoàn thành tiến độ đến tăng cường cho địa phương chưa hoàn thành”-ông Thái nêu giải pháp.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Dương Văn Thành tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: P.D

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Dương Văn Thành tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: P.D

Để cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” và đảm bảo tiến độ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Dương Văn Thành đề nghị các địa phương quan tâm bố trí đội ngũ cán bộ tư pháp-hộ tịch ở cơ sở có trình độ, năng lực, đáp ứng môi trường làm việc trong tình hình mới. Riêng với UBND huyện Chư Prông, Sở Tư pháp đã có văn bản đề nghị khảo sát cơ sở hạ tầng, năng lực đội ngũ cán bộ nhằm đảm bảo tiến độ số hóa dữ liệu vì qua rà soát thì 2 xã Ia Pia, Ia Tôr có khả năng không đảm bảo tiến độ.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng các DVC trực tuyến trên lĩnh vực đất đai, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Quốc Khánh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công trong việc số hóa tài liệu, hồ sơ đầu vào và thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC trong lĩnh vực đất đai; đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ công dân nộp hồ sơ trực tuyến các DVC mức độ 3, 4. Về phía Sở Thông tin và Truyền thông cần có hướng dẫn việc thanh toán trực tuyến thống nhất trên toàn tỉnh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trụ sở UBND tỉnh. Ảnh: P.D

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trụ sở UBND tỉnh. Ảnh: P.D

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long cho rằng các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tạo chuyển biến tích cực về tinh thần, thái độ, tư duy phục vụ người dân, doanh nghiệp; giúp người dân, doanh nghiệp thấy được các tiện ích, hiệu quả do Đề án 06 và CĐS mang lại, từ đó đồng lòng, sẻ chia, ủng hộ chính quyền, góp phần xây dựng chính quyền vì Nhân dân phục vụ.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được trong quý I và nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nỗ lực, thực hiện hiệu quả hơn nữa, hoàn thành tốt các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số, phục vụ công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trong đó, từng thành viên Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện CCHC, CĐS và Đề án 06; chủ động, quyết liệt trong triển khai các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC; phối hợp với Sở Nội vụ để tuyển dụng, bố trí biên chế công chức có chuyên môn công nghệ thông tin; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, kiểm tra và xử lý dứt điểm các hồ sơ trực tuyến nộp từ Cổng DVC quốc gia quá hạn đang xử lý; thực hiện việc xin lỗi người dân, doanh nghiệp và chấn chỉnh, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm TTHC; rà soát, tái cấu trúc quy trình, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trên cơ sở liên thông các dữ liệu điện tử, tái sử dụng dữ liệu để cung cấp DVC trực tuyến.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ thử nhiệm Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh để sớm khắc phục Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC trên DVC quốc gia; đôn đốc, theo dõi sát sao việc triển khai thực hiện các kế hoạch của UBND tỉnh về CĐS; có hướng dẫn, trao đổi, hỗ trợ thường xuyên các đơn vị chủ trì các dự án; nắm bắt tình hình triển khai và kết quả thực hiện của các đơn vị; khảo sát, đề xuất kinh phí và phương án với UBND tỉnh để nâng cấp các hệ thống dùng chung của tỉnh, tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật để từng bước chuyển đổi mô hình phân tán hiện nay thành mô hình tập trung.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh căn cứ vào kết quả thực hiện CĐS và triển khai Đề án 06 để đề xuất, tham mưu UBND tỉnh xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương không thực hiện, thực hiện không nghiêm túc, ảnh hưởng đến kết quả toàn tỉnh. Đối với UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tiếp tục chỉ đạo tổ công nghệ số cộng đồng tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hướng dẫn từng người sử dụng DVC trực tuyến; thực hiện quyết liệt Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng DVC” trên địa bàn tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

Khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Pleiku khóa XII

Khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Pleiku khóa XII

(GLO)- Sáng 19-12, tại Hội trường 19-5, HĐND TP. Pleiku khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã khai mạc kỳ họp thứ 17 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (bìa phải) và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại cuộc họp báo chung. Ảnh: Bernama

Thủ tướng Malaysia bổ nhiệm cựu Thủ tướng Thái Lan làm cố vấn không chính thức vào năm 2025

(GLO)- Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại TP. Putrajaya (Malaysia), Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thông báo đã bổ nhiệm ông Thaksin Shinawatra làm cố vấn không chính thức vào năm 2025 khi Malaysia đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.

Hội Cựu chiến binh xã Ia Kdăm vận động người dân chung tay thực hiện mô hình “Đường cờ Tổ quốc”. Ảnh: V.C

Ia Pa nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”

(GLO)- Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã cụ thể hóa phong trào bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

(GLO)- Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đồn Biên phòng Ia Mơ luôn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) triển khai nhiều hoạt động củng cố, phát huy thế trận lòng dân ở khu vực biên giới.