(GLO)- Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Gia Lai năm 2020 là cầu nối giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức xúc tiến thương mại gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác kinh doanh, phát triển thị trường.
Hội chợ do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Sở Công thương tỉnh Gia Lai tổ chức từ ngày 22 đến 26-12 tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Quy mô hội chợ gồm 250 gian hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của 150 tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất kinh doanh và Trung tâm Xúc tiến thương mại của 15 tỉnh, thành trên cả nước.
Cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng
Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Đây là lần thứ 2 Gia Lai tổ chức hội chợ với chủ đề OCOP. Tuy nhiên, hội chợ lần này tập trung nhiều sản phẩm mới, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã trên khắp cả nước. Hội chợ mở ra cơ hội để các chủ thể sản phẩm gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác, hợp tác kinh doanh, phát triển thị trường tiêu thụ”.
Lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ Công thương tham quan gian hàng tại hội chợ. Ảnh: Vũ Thảo |
Ông Ngô Viết Giỏi-chủ cơ sở chế biến thủy sản Cô Sáu (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) kỳ vọng sản phẩm của mình sẽ được quảng bá, giới thiệu đến đông đảo khách hàng tại hội chợ. Ông cho hay, sản phẩm chả cá thác lác Cô Sáu Ayun Hạ vừa được chứng nhận OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh.
“Tôi mong muốn được giao lưu, học hỏi thêm kinh nghiệm để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, đồng thời, tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển sản phẩm ra thị trường ngoài tỉnh. Vì thực tế, dù sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh nhưng lâu nay vẫn “bí” đầu ra, cơ sở “tự bơi” là chính”-ông Giỏi bộc bạch.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hà-chủ cơ sở trà mãng cầu xiêm Minh Hưng Phát (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) chia sẻ: “Hội chợ là dịp để tôi quảng bá, giới thiệu sản phẩm trà mãng cầu đến người tiêu dùng. Qua đây, tôi cũng mong muốn được học hỏi kinh nghiệm của những nhà sản xuất lớn trong công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ”.
Với đơn vị ngoài tỉnh như cơ sở trầm hương Tường Vi (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) thì hội chợ sẽ mở ra hướng đi mới cho việc tìm kiếm thị trường. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn-chủ cơ sở trầm hương Tường Vi-cho biết: “Khi đạt chứng nhận OCOP rồi, điều trăn trở lớn nhất đó là tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, cơ sở đang tiến hành từng bước xây dựng mạng lưới bán hàng nội địa cũng như định hướng xuất khẩu. Tham gia hội chợ là cơ hội tốt để chúng tôi giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của quê hương Quảng Nam đến với người tiêu dùng Gia Lai”.
Chị Huỳnh Thị Nữ (tổ 2, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) vui vẻ cho hay: “Khi đến tham quan các gian hàng, tôi đều được mời dùng thử sản phẩm để cảm nhận và góp ý. Điều đặc biệt là hội chợ lần này có rất nhiều sản phẩm do chính người dân ở Gia Lai sản xuất và đã được các cấp, ngành đánh giá kỹ lưỡng nên hoàn toàn yên tâm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ”.
Mở ra cơ hội hợp tác thương mại
Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Gia Lai năm 2020 là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và xúc tiến đầu tư.
Ông Vũ Bá Phú-Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại-thông tin: “Thời gian qua, Bộ đã tích cực hỗ trợ Gia Lai trong việc đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vào các chuỗi phân phối, hệ thống siêu thị lớn của Việt Nam như: BigC, Central, Saigon Co.op… Hội chợ lần này là dịp để các doanh nghiệp, chủ thể sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng được giao thương, hợp tác; mở ra cơ hội cho các nhà chế biến nông sản gặp gỡ với các nhà cung ứng để hợp tác đầu tư, mở rộng sản xuất, góp phần phát triển thị trường tiêu thụ nông sản bền vững, nhất là trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19”.
Ông Vũ Bá Phú-Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (thứ 2 từ phải sang) tham quan gian hàng tại hội chợ. Ảnh: Vũ Thảo |
Được biết, đến nay, Gia Lai đã có 149 sản phẩm đạt OCOP. Theo ông Phạm Văn Binh, trong công tác xúc tiến thương mại, Sở Công thương luôn ưu tiên để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh, hỗ trợ chủ thể OCOP tham gia một số chương trình triển lãm tại các thành phố lớn. Vì vậy, tỉnh cũng luôn mong muốn các chủ thể tiếp tục nâng tầm sản phẩm OCOP của mình, tạo uy tín với người tiêu dùng.
Nói thêm về định hướng mở rộng thị trường cho sản phẩm, ông Vũ Bá Phú chia sẻ: Để có thể thương mại hóa mạnh mẽ hơn nữa, Gia Lai cần có các trung tâm, điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, không chỉ đặt ở địa phương mà cần mở rộng ra ở các tỉnh, thành khác trên cả nước. Sắp tới, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại sẽ làm việc với Gia Lai để xây dựng chương trình riêng về xúc tiến thương mại. Vì vậy, Gia Lai cũng cần nỗ lực nâng cấp sản phẩm OCOP không chỉ đạt chứng nhận cấp tỉnh mà phải vươn lên tầm quốc gia để có thể dễ dàng đưa hàng vào những hệ thống phân phối lớn của Việt Nam và vươn ra thị trường thế giới.
VŨ THẢO