Pleiku đón nhận nhiều dự án trọng điểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021) thống nhất thông qua 82 nghị quyết về chủ trương đầu tư 81 dự án quan trọng của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong số này, TP. Pleiku đón nhận chủ trương đầu tư nhiều dự án trọng điểm liên quan đến phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
 

Nhiều dự án trọng điểm

Trong số này, Dự án đường Lê Thánh Tôn (từ Trường Chính trị tỉnh đến Trường Đại học Lâm nghiệp cơ sở Tây Nguyên) có chiều dài 4,1 km với tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng sẽ hoàn thành năm 2026; tuyến đường Nguyễn Văn Linh (đoạn Trường Chinh-Lê Thánh Tôn) có chiều dài 2,73 km với mức đầu tư dự kiến 260 tỷ đồng sẽ được triển khai thực hiện từ năm 2022 đến 2024. Tiếp đến là tuyến đường Lý Thường Kiệt (đoạn Lê Duẩn-Trần Văn Bình) có chiều dài 2,75 km với tổng mức đầu tư 190 tỷ đồng cũng dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

 Dự án Kè chống sạt lở suối Hội Phú (đoạn từ đường Lê Thánh Tôn-Nguyễn Trung Trực-chùa Minh Thành) vừa được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Ảnh: Minh Nguyễn
Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú (đoạn Lê Thánh Tôn-Nguyễn Trung Trực-chùa Minh Thành) vừa được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Ảnh: Minh Nguyễn


Bên cạnh đó, Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú (đoạn Lê Thánh Tôn-Nguyễn Trung Trực-chùa Minh Thành) có tổng chiều dài 1,925 km, gồm các hạng mục xây dựng kè bờ suối, đường hè vỉa, điện chiếu sáng với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, dự kiến thực hiện năm 2023 và hoàn thành vào năm 2025; Dự án xây dựng trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku có mức đầu tư 150 tỷ đồng. Hay điểm nhấn là Dự án cải tạo nút giao thông Phù Đổng có mức đầu tư 120 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2024. Đây là điểm kết nối giao thông quan trọng, công trình được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn về mỹ quan cho khu vực cửa ngõ thành phố. Đặc biệt, Dự án xây dựng Nhà hát, Trung tâm Triển lãm văn hóa-nghệ thuật và Thư viện tổng hợp tỉnh cũng được phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự kiến vị trí khu đất xây dựng thuộc Kho Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Tây Nguyên cũ (đường Lê Lợi).

Liên quan đến Dự án đường Lý Thường Kiệt, ông Lê Trí Đức (thôn 5, xã Trà Đa) cho biết: Sinh sống ở đây từ năm 1977 nên ông hiểu rõ việc mở rộng con đường này là hết sức cấp thiết. Đường hẹp nhưng lượng xe lưu thông rất đông, xe tải lớn chở hàng hóa ra Khu Công nghiệp Trà Đa hay đi Kon Tum đều qua con đường tránh đô thị này. Chỉ cần 2 chiếc xe tải tránh nhau là người đi xe máy dễ bị “đi xuống hố” vì nhiều đoạn không có lề đường. Con trai ông bị tai nạn gãy chân trên tuyến đường này cũng do nguyên nhân đó. “Tôi cũng như bà con ở đây mong lắm con đường rộng hơn, an toàn cho cả người và phương tiện lưu thông; có hệ thống thoát nước, có dải phân cách đảm bảo mỹ quan đô thị”-ông Đức phấn khởi nói.

Ưu tiên công trình dân sinh

Trao đổi về Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú (đoạn từ đường Lê Thánh Tôn-Nguyễn Trung Trực-chùa Minh Thành), ông Hoàng Minh Nghĩa-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku-khẳng định: Đây là một trong những công trình thoát nước chủ yếu của thành phố. Do vậy, mục tiêu của Dự án là cải tạo môi trường và tạo cảnh quan cho dòng suối, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch và từng bước hoàn thiện quy hoạch hệ thống giao thông của thành phố cũng như phát triển kinh tế-xã hội.

Người dân sinh sống dọc tuyến đường Lý Thường Kiệt (đoạn Lê Duẩn-Trần Văn Bình) mong mỏi dự án sớm được triển khai. Ảnh: Minh Nguyễn
Người dân sinh sống dọc tuyến đường Lý Thường Kiệt (đoạn Lê Duẩn-Trần Văn Bình) mong mỏi dự án sớm được triển khai. Ảnh: Minh Nguyễn

Phát biểu bế mạc tại kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Châu Ngọc Tuấn chỉ đạo: Đối với các đơn vị được giao là cơ quan quản lý dự án, chủ đầu tư cần sớm khởi động những công việc cần làm, nhất là các dự án sẽ được khởi công trong năm 2022, các dự án có hạng mục bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn, dự án, công trình có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân cần phải lấy ý kiến tham gia của các tầng lớp nhân dân... để đảm bảo sự đồng thuận trước khi triển khai thực hiện.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku cho biết thêm: Theo quy hoạch, dự án này được chia làm 3 giai đoạn: đoạn 1 (từ đường Lê Thánh Tôn đến Nguyễn Trung Trực-chùa Minh Thành); đoạn 2 (từ đường Sư Vạn Hạnh nối dài đến khu đô thị Hoa Lư-Phù Đổng); đoạn 3 từ khu đô thị Hoa Lư-Phù Đổng đến đường Cách Mạng Tháng Tám). Trong đó, đoạn 2 được đầu tư bằng nguồn ngân sách trung ương, đoạn 3 được đầu tư từ nguồn xã hội hóa, còn lại đoạn 1 chưa được đầu tư. Vì vậy, việc HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng đoạn 1 này là hết sức cần thiết, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Thành phố Pleiku nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên
Thành phố Pleiku nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên


Theo đó, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi là 35,96 ha, đồng thời có 90 hộ gia đình, cá nhân cần giải tỏa di chuyển chỗ ở với phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư gồm: bồi thường về đất, nhà, vật kiến trúc, cây cối hoa màu, chính sách hỗ trợ, tái định cư… với tổng mức bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 497 tỷ đồng. “Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, thành phố đã chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ và triển khai các bước tiếp theo như thẩm định phê duyệt dự án, thiết kế, phối hợp cùng các ban ngành liên quan để tính toán phương án đền bù giải phóng mặt bằng, tổ chức lựa chọn nhà thầu và triển khai thực hiện”-ông Nghĩa thông tin.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho hay: Căn cứ theo chủ trương được phê duyệt, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các ban, ngành tập trung hoàn thiện hồ sơ từng dự án, thống kê diện tích nào vướng mặt bằng để tính toán phương án thực hiện bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng. “Tùy từng nguồn vốn được phân bổ, giai đoạn thi công và tính cấp thiết của các dự án, thành phố sẽ ưu tiên triển khai thực hiện, nhất là những dự án xây dựng các tuyến đường nhằm tạo giao thông kết nối các đường vành đai của thành phố”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku nhấn mạnh.

 

 MINH NGUYỄN
 

Có thể bạn quan tâm

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

(GLO)- Chiều 6-12, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Đảng ủy-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” nhằm trao tặng áo ấm cho thiếu nhi trên địa bàn xã.

Quang cảnh hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024 huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: 19/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch năm 2024

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Ngô chủ trì hội nghị.

Đak Đoa điều chỉnh giảm dự toán vốn thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn hơn 300 triệu đồng. Ảnh Hà Duy.

Đak Đoa điều chỉnh vốn sự nghiệp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

(GLO)- Hội đồng nhân dân huyện Đak Đoa vừa ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về việc điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được chuyển nguồn sang năm 2024 và điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp năm 2024 thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (đợt 2).

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Mùa cà phê chín đỏ

Mùa cà phê chín đỏ

(GLO)- Dưới ánh nắng rực rỡ của những ngày cuối tháng 11, trên khắp các vườn cà phê chín đỏ, không khí thu hoạch rộn rã hơn. Năm nay, bà con nông dân đón mùa vụ với sự hân hoan lớn khi lần đầu tiên cà phê có một mức giá cao nhất lịch sử.