Pleiku chuyển đổi cây trồng gắn với ứng dụng công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 5-7-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Pleiku khóa XII, ngành chức năng và các xã, phường đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hướng đến phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

Đến nay, các xã, phường của TP. Pleiku đã chuyển đổi cây trồng gắn với ứng dụng công nghệ cao trên diện tích hơn 205 ha đất trồng lúa hoặc các loại cây trồng kém hiệu quả; tái canh hơn 104 ha cà phê già cỗi; chuyển đổi hơn 79 ha đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây rau màu trong nhà lưới, trồng hoa cao cấp, hoa thương phẩm, nấm rơm...

Ngoài ra, thành phố đã thực hiện 10 mô hình, dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng kinh phí 6,65 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, thành phố có 57,7 ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (tăng 42,7 ha so với năm 2021); trên 25,8 ha nhà lồng, nhà lưới (tăng 40,5 ha so với năm 2021); 34 cơ sở sản xuất và kinh doanh nấm dược liệu, nấm ăn; có hơn 2.845 ha đất sản xuất áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Để phát triển kinh tế, người dân làng Wâu (xã Chư Á, TP. Pleiku) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng gắn với ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Lê Nam

Để phát triển kinh tế, người dân làng Wâu (xã Chư Á, TP. Pleiku) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng gắn với ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Lê Nam

Hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (xã An Phú) trồng hơn 8 ha rau củ quả ứng dụng công nghệ cao (khoảng 3,5 ha sản xuất trong nhà kính) và đầu tư hệ thống nhà lồng, kho lạnh, máy móc đóng gói sản phẩm. Ngoài ra, Công ty còn liên kết với một số hộ dân xã An Phú sản xuất 2 ha rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Nam Phong-Phó Giám đốc Công ty-cho hay: Hiện các sản phẩm rau củ quả của Công ty đã có mặt trong hệ thống Siêu thị Co.op Mart các tỉnh Tây Nguyên, VinMart toàn miền Trung và các siêu thị mini, bếp ăn trường học khu vực Tây Nguyên, các cửa hàng tiện lợi ở Gia Lai và Kon Tum. Mỗi ngày, Công ty xuất bán 3-4 tấn sản phẩm. “Sản xuất rau trong nhà kính cho năng suất cao hơn 30-40%, lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm 60-70%, thời gian canh tác ngắn hơn 20-30%, giảm nhân công chăm sóc, tiết kiệm nước, phân bón”-ông Phong chia sẻ.

Tương tự, Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ An Phú Thịnh (xã An Phú) đã chuyển đổi hơn 2 ha đất lúa 1 vụ tại cánh đồng An Phú sang làm nhà kính để ươm cây giống và trồng rau củ quả các loại. Ông Võ Thành Hải-Phó Giám đốc phụ trách sản xuất của Hợp tác xã-cho hay: Hợp tác xã được thành lập vào năm 2019 với 23 thành viên. Để sản xuất hiệu quả, Hợp tác xã đã đầu tư làm 6.000 m2 nhà kính để ươm cây giống, 6.000 m2 nhà kính trồng rau củ quả và hơn 1 ha sản xuất rau theo hướng VietGAP.

“Hợp tác xã đã đầu tư hệ thống máy móc để đưa đất vào giá thể, gieo hạt tự động, tưới béc phun mưa, tưới nhỏ giọt… từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trồng rau trong nhà lồng giúp ngăn chặn sự xâm nhập của sâu bệnh, côn trùng, từ đó có thể trồng được nhiều loại khác nhau, cho chất lượng và năng suất cao hơn”-ông Hải thông tin.

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh (xã An Phú) gieo ươm các loại giống rau, củ quả. Ảnh: L.N

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh (xã An Phú) gieo ươm các loại giống rau, củ quả. Ảnh: L.N

Đến nay, xã An Phú đã chuyển đổi 55,4 ha lúa 1 vụ sang trồng rau, hoa các loại; có hơn 11,4 ha rau, hoa các loại trồng trong nhà lồng, nhà lưới (tăng 1 ha so với năm 2021); trên 80% diện tích đã được cơ giới hóa khâu làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tưới nước.

Bà Nguyễn Thị Hiệp-Chủ tịch UBND xã-cho biết: Cụ thể hóa Nghị quyết số 05-NQ/TU, xã đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, nhất là chuyển đổi diện tích lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng rau củ quả. Qua đánh giá, các mô hình chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao hơn 3-4 lần so với trồng lúa. “Năm 2024, xã tiếp tục chuyển đổi 51 ha đất lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng rau, hoa các loại. Đồng thời, triển khai làm 3,8 km đường giao thông nội đồng nhằm phục vụ tốt cho sản xuất”-Chủ tịch UBND xã An Phú cho biết thêm.

Tương tự, ông Trương Văn Minh-Chủ tịch UBND xã Chư Á-cho hay: Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, xã đã chuyển đổi được 120 ha lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu các loại. Nhiều diện tích chuyển đổi cho thu nhập 100-200 triệu đồng/ha, cao hơn rất nhiều so với canh tác lúa nước. Để triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi cây trồng, xã đề xuất UBND thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng hồ chứa nước, khoan giếng tại cánh đồng Ia Chanh, Ia Krue. Đồng thời, hỗ trợ liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Trao đổi với P.V, ông Trần Tấn Quang-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế thành phố-cho hay: Năm 2024, thành phố sẽ chuyển đổi 107,5 ha đất lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng rau màu, hoa các loại có năng suất cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời, Phòng đề xuất UBND thành phố bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến.

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Tập huấn kỹ thuật trồng và bảo quản hạt dổi

Kbang: Tập huấn kỹ thuật trồng và bảo quản hạt dổi

(GLO)- Sáng 17-10, Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới (Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên) phối hợp với một số đơn vị có liên quan ở huyện Kbang khai mạc lớp tập huấn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản hạt dổi và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Ảnh: H.C

Làm giàu nhờ cây sầu riêng

(GLO)- Năm 2016, gia đình ông Lê Danh Lăng (thôn Hoàng Yên, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đầu tư trồng gần 2 ha sầu riêng Dona. Nhờ cần cù lao động và biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, năm nay, gia đình ông thu hoạch hơn 42 tấn quả.

Khó khăn trong điều chỉnh dự toán các chương trình mục tiêu quốc gia

Khó khăn trong điều chỉnh dự toán các chương trình mục tiêu quốc gia

(GLO)-Triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 của QH về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh Gia Lai giao các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất điều chỉnh dự toán ngân sách, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước.

Công bố quy hoạch lâm nghiệp quốc gia

Công bố quy hoạch lâm nghiệp quốc gia

(GLO)- Sáng 9-10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến công bố Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị.

Nghe nông dân Jrai, Bahnar kể chuyện làm giàu

Nghe nông dân Jrai, Bahnar kể chuyện làm giàu

(GLO)- 85 nông dân đã vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai và Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh tại hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2022-2024 do Hội Nông dân tỉnh Gia Lai tổ chức. Trong đó có 31 nông dân Jrai, Bahnar.