Ông Nguyễn Ngọc Nhân (tổ 2, phường Sông Bờ) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chỉ canh tác 4 sào lúa 2 vụ, thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng mỗi năm. Nói chung là không lo thiếu gạo nhưng thu nhập từ lúa không đủ trang trải cuộc sống. Vì vậy, tôi quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích này sang trồng cây ăn quả kết hợp nuôi gà và đào ao thả cá.
Từ năm 2020 đến nay, bình quân mỗi năm, gia đình có nguồn thu chừng 150 triệu đồng, cao hơn trồng lúa nhiều lần. Tôi đang tích góp tiền bạc mua thêm đất để mở rộng mô hình vườn-ao-chuồng”.
Lãnh đạo thị xã Ayun Pa tham quan mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Nguyễn Ngọc Nhân (tổ 2, phường Sông Bờ). Ảnh: T.D |
Tương tự, gia đình chị Ksor H’Giao (buôn Hoanh 1, xã Ia Sao) cũng đang có thu nhập ổn định sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng. “Nhà có gần 1,5 ha đất chuyên trồng mì và bắp lai. Do trồng mì nhiều năm, đất đai bạc màu, năng suất không cao, trong khi giá cả lại bấp bênh.
Được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã hướng dẫn kỹ thuật, tôi chuyển sang trồng điều ghép AB29 xen canh với cây dưa, mì. Gia đình cũng mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt như dùng máy cày để bớt công lao động, tưới tiết kiệm nước. Hiện vườn điều đang phát triển tốt do hợp với thổ nhưỡng nơi này”-chị H’Giao cho biết.
Bà Nguyễn Thị Tánh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sao-thông tin: Xã có quỹ đất nông nghiệp lớn. Để nâng cao giá trị sản xuất và tăng thu nhập cho người dân, xã đã vận động bà con chuyển đổi 65 ha đất sản xuất lúa và 60 ha đất trồng mì kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao như: đậu, mía, thuốc lá, điều… Điển hình là mô hình trồng điều ghép AB29 trên diện tích 10 ha với 8 hộ dân tham gia.
“Người dân ở địa phương, nhất là bà con dân tộc thiểu số có thói quen trồng hay nuôi con gì đó suốt nhiều năm liền, ít áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên thu nhập thường không cao. Xã đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập. Một số hộ dân có thu nhập cao hơn sau khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Chúng tôi đặt nhiều niềm tin vào dự án trồng cây điều ghép đang được triển khai. Quá trình triển khai dự án cho thấy, cây điều rất phù hợp với chất đất nơi đây và mang lại lợi ích lâu dài cho bà con”-bà Tánh cho hay.
Một số hộ dân ở xã Ia Sao đang triển khai trồng điều ghép. Ảnh: T.D |
Theo báo cáo của UBND thị xã Ayun Pa, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn đã chuyển đổi 326 ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng mới phù hợp với nhu cầu thị trường và phương thức canh tác của người dân. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2024, thị xã đã chuyển đổi 117 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng hoa màu, điều, cây ăn quả…
Theo ông Trần Quốc Khánh-Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Ayun Pa: Thị ủy và UBND thị xã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và các phòng, ban chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm hình thành vùng nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy trên địa bàn tỉnh.
Việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và nâng cao vai trò, hiệu quả của các hợp tác xã trên địa bàn, gắn với tạo các điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp cũng được thị xã thực hiện.
Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thị xã đã triển khai 9 mô hình sản xuất mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP ở địa phương.