Phường Tây Sơn phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với sự tạo điều kiện của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH), nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở phường Tây Sơn (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất.

Thời gian qua, UBND phường Tây Sơn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã đã triển khai thực hiện cho vay 8 chương trình tín dụng: hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, hộ mới thoát nghèo, học sinh-sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học sinh-sinh viên mua máy tính, nhà ở xã hội và cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Ủy ban nhân dân phường giao cho Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên nhận ủy thác, đồng thời quản lý 14 tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn. Các hội, đoàn thể có trách nhiệm phối hợp với các tổ dân phố tổ chức rà soát hỗ trợ những hộ có nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh cũng như giám sát việc thực hiện nghĩa vụ trả lãi, gốc cho ngân hàng.

Gia đình chị Tăng Thị Châu Trinh (bên phải, tổ 5, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) sử dụng nguồn vốn tín dụng để mua bò, phát triển kinh tế. Ảnh: N.M

Gia đình chị Tăng Thị Châu Trinh (bên phải, tổ 5, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) sử dụng nguồn vốn tín dụng để mua bò, phát triển kinh tế. Ảnh: N.M

Vợ chồng chị Tăng Thị Châu Trinh (tổ 5) có 3 người con. Người con đầu bị rối loạn phát triển thần kinh, con thứ 2 học đại học tại TP. Hồ Chí Minh và con út học lớp 6 Trường THCS Đề Thám. Gia đình có 8 sào đất chuyên trồng mì, rau màu nhưng thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Những lúc nông nhàn, vợ chồng chị Trinh làm thuê kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, năm 2006, trên đường đi làm về, chồng chị bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não. Chị đã vay mượn, dốc hết vốn liếng tích góp để có tiền chữa bệnh cho chồng. Nhưng vì suy giảm sức khỏe, chồng chị không làm được việc nặng, kinh tế ngày càng sa sút.

Chị Trinh cho hay: “Năm 2020, Hội Liên hiệp phụ nữ phường đã hướng dẫn tôi làm hồ sơ vay 40 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã. Tôi mua 2 con bò sinh sản. Đến nay, bò mẹ đã đẻ 2 lứa, cả đàn được 6 con. Ngoài vay chăn nuôi, tôi còn vay 60 triệu đồng để đóng tiền học phí, mua máy tính phục vụ việc học tập của các con. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành đòn bẩy để gia đình vươn lên thoát nghèo”.

Ông Nguyễn Chánh Tín-Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ 5-cho biết: Tổ có 365 hộ/1.820 khẩu. Đến nay, tổ còn 8 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo. Trong tổ có 2 tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ phường quản lý với 101 hộ vay, dư nợ 3,8 tỷ đồng.

“Mỗi năm, bên cạnh phối hợp với 2 hội rà soát, lập danh sách nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đề nghị Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã giải quyết vốn vay, tổ còn thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, chọn cây-con giống phù hợp để phát triển sản xuất, chăn nuôi, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích. Vì thế, tổ không có tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn”-ông Tín chia sẻ.

Đại diện chi hội phụ nữ, tổ tiết kiệm và vay vốn tổ 5 (bên phải, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) thăm hỏi, kiểm tra tình hình sử dụng vốn của hộ dân trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Minh

Đại diện chi hội phụ nữ, tổ tiết kiệm và vay vốn tổ 5 (bên phải, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) thăm hỏi, kiểm tra tình hình sử dụng vốn của hộ dân trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Minh

Về công tác nhận ủy thác quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Nguyễn Thị Minh Thoa cho hay: Hội quản lý, duy trì hoạt động 7 tổ tiết kiệm và vay vốn ở tổ 5 và tổ 6; phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã cho 239 lượt hội viên phụ nữ vay với dư nợ 11 tỷ đồng. Nguồn vốn vay đã giúp chị em có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. “Đa số hộ vay đã thực hiện tốt nghĩa vụ của mình; hàng tháng trả lãi, tham gia gửi tiết kiệm đều đặn, đầy đủ, góp phần vào thành công chung của hoạt động tín dụng chính sách, tạo đà để ổn định an sinh xã hội, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”-bà Thoa nói.

Chủ tịch UBND phường Lữ Văn Tâm cho biết: Ủy ban nhân dân phường phối hợp chặt chẽ với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã và hướng dẫn các hội, đoàn thể triển khai thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng chính sách. Từ đầu năm đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã đã giải quyết cho 34 lượt hộ vay hơn 2,2 tỷ đồng; thu nợ hơn 1,6 tỷ đồng; thu nợ đến hạn thực tế đạt 100%. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn là 26,285 tỷ đồng, tăng 626 triệu đồng so với đầu năm; 615 hộ còn dư nợ; thu lãi đạt 100%.

“Nguồn vốn tín dụng đã góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo, ổn định an sinh xã hội trên địa bàn. Từ năm 2021 đến năm 2023, toàn phường đã có 21 hộ thoát nghèo. Hiện phường chỉ còn 39 hộ nghèo, 45 hộ cận nghèo”-ông Tâm thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2025; đồng thời yêu cầu chấm dứt việc miễn thuế với hàng giá trị dưới 1 triệu nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Temu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.